ISSN-2815-5823
TS. ĐẶNG KIM SƠN
Chủ nhật, 06h00 17/12/2023

Đổi mới thể chế theo hướng cộng đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn

(KDPT) - Quá trình đổi mới thành công gần 40 năm qua của Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp nông dân và nông thôn dựa trên hai nội dung quan trọng là đổi mới thể chế kinh tế và áp dụng cơ chế thị trường.
Một số vấn đề về hoàn thiện thể chế ở Việt Nam - Góc nhìn từ tính đồng bộ trong quản trị quốc gia, doanh nghiệp, địa phương

Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đủ sức đưa đất nước lên mức thu nhập trung bình vào giữa thế kỷ XXI, đột phá thể chế kinh tế vẫn là giải pháp quan trọng nhất. Để đưa nền sản xuất manh mối, phân tán lên sản xuất lớn hiện đại, cần liên kết các tổ chức sản xuất kinh doanh nhỏ trong các tổ chức cộng đồng như hợp tác xã, hiệp hội, nghiệp đoàn… quá trình này phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, đến xây dựng các điều kiện hình thành tổ chức cộng đồng và tạo nên hệ sinh thái các tổ chức cộng đồng trên quy mô cả nước. Thực tế trong nước và kinh nghiệm quốc tế đã chứng tỏ rằng phát triển tổ chức cộng đồng là giải pháp tốt nhất để phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đổi mới thể chế - bài học thành công đã qua - nhu cầu của thời kỳ mới

Gần 20 năm đổi mới vừa qua đất nước ta đã đạt những thành công to lớn trong đó nổi bật nhất là những thành tựu của phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhờ đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, cải thiện đời sống của đông đảo cư dân nông thôn đã giúp Việt Nam về đích sớm nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Nền kinh tế nông nghiệp từ cung cấp đủ lương thực thực phẩm đã vươn lên xuất khẩu nông sản mạnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 48 tỷ đô la Mỹ. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước giai đoạn 2016-2020 giảm từ 10% xuống còn 5%, riêng nông thôn giảm 12,7% xuống 5,6%. Thu nhập 2010-2020 tăng gấp 3 lần. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 8,9% lên 17,8%.

Đổi mới thể chế theo hướng cộng đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn
TS. Đặng Kim Sơn

Điều cần nhấn mạnh là nguồn gốc của những thắng lợi to lớn đó không đến từ tăng vốn đầu tư hay áp dụng khoa học công nghệ mới, mà xuất phát từ hai yếu tố nội tại là: Thứ nhất là đổi mới thể chế kinh tế (chuyển từ kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể sang đa dạng hóa các thành phần kinh tế và trao quyền làm chủ cho họ trong sản xuất kinh doanh). Thứ hai là chuyển từ điều hành bằng kế hoạch hành chính sang cơ chế thị trường (tạo điều kiện để phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất theo quan hệ cân đối cung cầu). Tuy nhiên, cả hai bước đổi mới này đều chưa thực sự hoàn chỉnh, vì vậy, sau đỉnh cao giai đoạn 19 năm tăng trưởng trên 7%/năm, tăng GDP bình quân Việt Nam 1991-2007 là 7,49%/năm, sau khi lên mức thu nhập trung bình thấp năm 2010 đã tăng chậm lại.

Từ năm 2007 đến nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bắt đầu chững lại và giảm dần, 2011-2018 GDP chỉ đạt 6,3%/năm. Cả 4 kỳ kế hoạch gần đây đều không đạt mục tiêu: Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2001-2005 đạt 6,9%/năm, thấp hơn mục tiêu 7,5%; giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng GDP đạt 6,32%/năm mà mục tiêu 7,5-8%. Tăng trưởng thực tế 2011-2015 là 5,91 so với mục tiêu 6,5 và 2016-2020 là 5,8%/năm thấp hơn mục tiêu 7%/năm. Tốc độ tăng trưởng hiện nay cũng thấp nhiều so với tốc độ trung bình đề ra tại Đại hội XIII là 6,5-7,0%. Một lần nữa, chúng ta lại đứng trước yêu cầu phải kiên quyết đổi mới về cơ chế thị trường và nhất là thể chế.

Thị trường hàng hóa thời gian qua phát triển nhanh nhưng thị trường dịch vụ còn nhiều lĩnh vực phải tiếp tục đổi mới (đường sắt, vận tải biển, y tế, giáo dục, văn hóa…). Đặc biệt, thị trường tài nguyên còn ở dạng sơ khai. Cơ chế thị trường chưa vận hành hiệu quả để điều tiết đất đai, nước, biển, rừng, sinh học, và ngay cả với khoa học công nghệ, tài nguyên lao động... Bức bách hơn là vấn đề đổi mới thể chế kinh tế (cả về khía cạnh tổ chức, cả về cơ chế vận hành) vẫn là điểm nghẽn tắc chính đã xác định nhưng chậm xử lý. Trong quá trình chuyển các tổ chức sản xuất kinh doanh từ nền kinh tế nhà nước điều hành sang nền kinh tế thị trường, đã xuất hiện những khoảng trống, những điểm yếu mà cả các mô hình tổ chức của nhà nước và thị trường đều không khắc phục được, đây là những địa bàn cần có sự tham gia của mô hình tổ chức cộng đồng. Sau đây là những vị trí bị bỏ trống:

Thứ nhất, sự phát triển đa dạng các ngành nghề và hoạt động kinh tế trên mọi lĩnh vực và địa bàn đã khiến công tác quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý thị trường, quản lý môi trường… của các cơ quan quản lý của nhà nước với lực lượng hạn hẹp quá tải. Ví dụ cứ một người trong ban quản lý rừng trung bình phải quản lý 670 - 690 ha rừng đặc dụng và phòng hộ với mức lương ít ỏi và điều kiện làm việc khó khăn. Hay lực lượng kiểm ngư của Việt Nam với lực lượng nhỏ bé, có tổng số 31 chiếc tàu phải quản lý một bờ biển dài 3.260km với 91.720 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Tình trạng tương tự diễn ra trong công tác giám sát quản lý hầu hết các ngành kinh tế xã hội hiện nay. Ngoài một số hoạt động có thể phân cấp hoặc giao dịch vụ cho tư nhân tham gia thì đa số các hoạt động quản lý kinh tế, xã hội chỉ có thể sử dụng các tổ chức cộng đồng có vị thế khách quan và vai trò làm chủ để đảm nhiệm.

Thứ hai, là hàng loạt hoạt động mới xuất hiện ví dụ cả nước có khoảng 3.000 khu chung cư với 40.000 hộ ở Hà Nội và 45.000 ở TP.HCM, vai trò tham gia quản lý của cộng đồng cư dân trong ban quản lý nhà là vấn đề mới. Ví dụ khác là trong Chương trình Nông thôn mới, ủy ban xã (không có tư cách pháp nhân, nguồn nhân lực hạn chế, nguồn thu ngân sách chính từ đất công) quyết định Ban quản lý làm chủ đầu tư nên việc huy động nguồn lực, thiết kế, thanh quyết toán… bảo đảm yêu cầu xây dựng công trình NTM thường là bài toán khó. Trong ngân sách hạn hẹp của xã được giao, ở nhiều địa phương đã huy động phần lớn tiền đấu giá, giao, thuê đất để xây dựng nông thôn mới và đang khai thác rất mạnh quỹ đất làng xã còn lại. Phát triển nông thôn muốn thực sự vững bền và hiệu quả phải có cơ chế huy động sự tham gia làm chủ của nhân dân.

Thứ ba, nền kinh tế hàng hóa của Việt Nam dựa trên nền tảng tổ chức sản xuất kinh doanh manh mún và nhỏ lẻ. Việt Nam có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 97% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa; trên 25 nghìn hợp tác xã có phạm vi nhỏ là chính và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Các hộ này đóng góp 30% GDP, tạo ra gần 45% việc làm toàn xã hội, nhiều hơn cả khối doanh nghiệp FDI, nhiều hơn cả doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó là 8-9 triệu hộ nông lâm ngư nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phân tán làm nên thành tựu to lớn về an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, ổn định chính trị xã hội… thu nhập bình quân ở nông thôn năm 2022 là 3,86 triệu đồng/tháng, quy mô đất 0,5-0,6 ha/hộ. Tất cả các đơn vị kinh tế nhỏ bé này luôn chịu bất bình đẳng trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ mạnh toàn cầu, họ cũng không thể tự lột xác vươn lên. Cánh cửa duy nhất là tổ chức cộng đồng trong sản xuất kinh doanh.

Thứ tư là nhu cầu cộng đồng hóa tổ chức cơ sở. Hiện nay, ngoài số ít “người có uy tín” ở vùng dân tộc thiểu số, có tới hơn 1 triệu cán bộ, nhân viên hoạt động ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Cả nước có 10.616 xã, phường, thị trấn. Mỗi đơn vị ngoài 20 công chức còn 80% là cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, đoàn thể, tối thiểu 100 cán bộ các loại dính đến ngân sách. So với bộ máy trước cách mạng không dùng ngân sách, không có công chức và sau cách mạng chỉ có 5 cán bộ cũng không phải là công chức thì cách tổ chức này chưa đúng với lời Hồ Chủ tịch: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”.

Tổ chức cộng đồng nông thôn - bài học trong và ngoài nước

Nói đi đôi với làm, năm 1945, lần đầu một tổ chức đại diện cộng đồng làng xã có tư cách pháp nhân được thành lập ở làng quê theo Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch là “Hội đồng nhân dân xã” gồm 15-25 đại diện do dân trực tiếp bầu và có quyền giải tán. Hội đồng họp công khai hàng tháng “có quyền quyết nghị về tất cả các vấn đề” không trái với chỉ thị trên, nội dung cần huyện, tỉnh chuẩn y là thuê, mướn, mua, bán bất động sản, đóng góp, vay mượn, đầu tư, định thuế. Sắc lệnh trên đã thay thế bộ máy quan viên làng xã miền Bắc và miền Trung của chế độ phong kiến thành tổ chức quản lý dân chủ của cộng đồng nhân dân ở cơ sở. Nhờ đó, làng xã Việt Nam phát huy được sức mạnh của cộng đồng đã đóng góp hiệu quả trong quá trình chống đói, chống dốt, tham gia tổng tuyển cử xây dựng chính quyền mới và tiến hành kháng chiến, kiến quốc.

Đổi mới thể chế theo hướng cộng đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn
Đổi mới thể chế theo hướng cộng đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn.

Bước vào giai đoạn hiện đại hóa đất nước hôm nay, cần có những tổ chức phục vụ cho nhiệm vụ công ích của những tập thể, cộng đồng cụ thể thì không thể dùng các tổ chức tư nhân theo cơ chế thị trường nhằm tìm kiếm lợi tức cũng không thể dùng các tổ chức của nhà nước phục vụ theo mệnh lệnh từ trên xuống cho lợi ích chung cả nước. Tổ chức tự quản của các thành viên trong một cộng đồng, tự nguyện hợp tác, thống nhất hoạt động theo tôn chỉ, sẵn sàng cùng nhau thực hiện những hành động tập thể để đáp ứng nguyện vọng, thoả mãn nhu cầu, nhằm xây dựng hay bảo vệ những giá trị và lợi ích chung của các thành viên chính là loại tổ chức cần phát triển trong thời kỳ này.

Đặc điểm nhận biết quan trọng của tổ chức cộng đồng là do các thành viên trong một cộng đồng nhất định tham gia (cộng đồng địa lý, cộng đồng sở thích…) và nhằm đem lại lợi ích chung cho tập thể thành viên, không vì mục tiêu lợi nhuận hay chính trị từ bên ngoài cộng đồng. Hoạt động của tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc: Tự nguyện của các thành viên, đoàn kết trên tinh thần có đi có lại, tham gia trực tiếp và quan hệ trực tiếp, lãnh đạo bằng thuyết phục và làm gương. Với kết cấu tổ chức đặc biệt và các ưu điểm vượt trội như cần cù, tự lực, tôn sư trọng đạo, đề cao học vấn, kính trọng tuổi tác, gắn bó gia đình, đoàn kết xóm giềng, chấp hành hương ước… các tổ chức cộng đồng suốt hàng ngàn năm đã giúp mở mang bờ cõi dân tộc, phát triển sản xuất, phòng chống thiên tai, bảo vệ tổ quốc.

Tổ chức cộng đồng là đơn vị tổ chức căn bản để tích lũy kinh tế và chuyển đổi xã hội đưa đất nước lên các bước phát triển từ thấp đến cao hơn. Bên cạnh mặt mạnh, cộng đồng nông thôn tồn tại những điểm yếu cố hữu: Tình trạng phe cánh, bè phái trong cơ quan; lựa chọn con người không theo năng lực mà theo tiêu chí họ hàng trong tổ chức theo kiểu “một giọt máu đào hơn một ao nước lã”; thói quen đề cao quyền lợi phe nhóm dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm “ăn cây nào, rào cây ấy”; đề cao quy định nội bộ vượt trên pháp luật như “phép vua thua lệ làng” dẫn đến tình trạng cát cứ, vô chính phủ. Ngoài ra là các thói xấu khác như việc chạy theo bằng cấp, học vị; đề cao hình thức, phô trương “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”, thái độ xuôi chiều “mẹ hát, con khen”, tư duy giáo điều, bó cứng … cũng ảnh hưởng đến tập quán, tác phong của cư dân, trong quản lý.

Trong tổ chức cộng đồng nông thôn, làng xã là đơn vị cơ bản. Dưới chế độ phong kiến, vua sở hữu đất đai toàn quốc, trị vì toàn bộ thần dân nhưng ở làng xã, địa chủ hào tộc tự trị ở mức độ nhất định. Đơn vị này có quyền thu thuế, giữ an ninh, cung cấp lao dịch và thi hành các luật tục địa phương. Tại các vùng biên ải, quyền lực của hào tộc địa phương thậm chí còn mang tính cát cứ ở châu quận và tham gia bảo vệ lãnh thổ. Dịch vụ dân sinh chính yếu như học hành, chữa bệnh, sinh đẻ, ma chay, an ninh cũng cung cấp chủ yếu tại cộng đồng. Từ sau thời kỳ Bắc thuộc, Nhà nước phát triển, năm 907 Khúc Hạo phân thứ bậc hành chính từ xã trở lên (xã lúc đó có thể trùng với làng hoặc vài làng). Sau đó các đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Trần, nhà Trần, nhà Hồ, Hậu Lê, nhà Nguyễn đều như vậy. Trừ đời Lý, tên thôn, bản mới xuất hiện trên danh bạ hành chính. Một số thời kỳ, chính quyền trung ương đã cắt cử quan xã (đời Trần thế kỷ XIII, đời Lê thế kỷ XIV, thời Pháp thuộc) rồi cũng phải trả về cho dân địa phương cử.

Quan viên làng xã có ba nhóm. Hội đồng “kỳ mục” là bộ phận chức sắc chỉ đạo bao gồm quan chức, sỹ tử, con quan, bàn bạc và quyết định mọi công việc. Nhóm “kì lão” cao tuổi là tư vấn. Nhóm “kì dịch” thi hành công việc Hội đồng kì mục giao do “Tiên chỉ” đứng đầu là người có phẩm tước, danh vọng và tuổi tác, sinh trưởng tại làng. Học vị được đề cao hơn quan chức. Đứng đầu nhóm lý dịch là lý trưởng do kỳ mục và kỳ lão cử ra và nhân dân bầu để huyện quyết định và cấp dấu. Người này cũng phải giàu, có danh vọng và là người bản địa. Làng xã tự chi phí hoạt động dựa trên quỹ đất công. Đến năm 1945 còn rất nhiều công điền là di tích của công xã chiếm tới 1/5 tổng diện tích ruộng cả nước. Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer viết: “Theo cách tổ chức này thì mỗi làng xã sẽ là một nước cộng hòa nhỏ, độc lập trong giới hạn những quyền lợi địa phương. Đó là một tập thể được tổ chức rất chặt chẽ, rất có kỷ luật, và rất có trách nhiệm”.

Từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, cộng đồng dân cư cả nước nói chung đặc biệt là cộng đồng nông thôn diễn ra những đảo lộn to lớn. Từ 1946-1956, chiến tranh, quân pháp xâm lược, chỉnh đốn tổ chức đã chuyển cơ chế quản lý bán tự chủ ở nông thôn Miền Bắc sang quản lý hành chính. Di cư công giáo từ miền Bắc vào Nam và tập kết cán bộ miền Nam ra Bắc, xây dựng kinh tế mới, vận động hợp tác xã thay đổi mạnh kết cấu cộng đồng nông thôn. Ở miền Nam từ năm 1945-1975, chiến tranh ác liệt, di tản từ nông thôn ra đô thị, chính sách dồn dân, xây dựng dinh điền. Sau ngày thống nhất, di tản, đưa dân đi kinh tế mới, hợp tác hóa, tiến hành tập thể hóa và công hữu hóa đất đai. Vai trò của các tổ chức cộng đồng thay bằng cơ quan hành chính và đoàn thể chính trị. Các hoạt động văn hóa truyền thống đình trệ, không gian làng quê thay đổi.

Từ Đổi mới giữa thập kỷ 1980, bên cạnh cơ chế và tổ chức nhà nước, thị trường ngày càng phát huy tác dụng: Lao động nông thôn di cư ra đô thị, nhiều nhóm dân tộc thiểu số từ miền núi phía Bắc chuyển vào Tây Nguyên. Các chương trình tái định cư lấy đất xây dựng công nghiệp, đô thị ở đồng bằng và thủy điện ở miền núi trộn lẫn các cộng đồng với sinh kế, tập tục, tôn giáo, dân tộc khác biệt nhau gây mất cân bằng về tuổi tác, giới tính ở nhiều vùng. Quỹ đất công mất dần khi hợp tác xã tan vỡ và nông lâm trường sắp xếp lại đang tiếp tục mất khi địa phương bán, khoán, cho thuê lấy kinh phí đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Giao thông thuận tiện, phát triển văn hóa, xuất khẩu lao động, internet và truyền thông phổ cập, giúp khôi phục văn hóa cổ truyền đồng thời tái lập các hủ tục và du nhập văn hóa tôn giáo xa lạ đến nhiều vùng nông thôn xa xôi.

Cộng đồng nông thôn Việt Nam hiện không còn vị thế rõ ràng. Nó có thể có tài sản chung được giao đất, giao rừng nhưng không có quyền định đoạt (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn…), quản lý tài nguyên nước có nêu, nhưng Luật chỉ cho lấy ý kiến như “bên liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng”. “Người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn nông thôn” là đối tượng thụ hưởng và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng chỉ có vai trò bàn bạc mức đóng góp, tham gia các gói thầu, tham gia giám sát. Thiết chế “cộng đồng” không có tính pháp lý, cộng đồng làng xã không phải là một “pháp nhân” (thành lập hợp pháp, có cơ quan điều hành, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm, tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập) để hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật được, càng không thể đóng vai trò đối tác phối hợp điều chỉnh các tổ chức nhà nước và thị trường đang hoạt động rất mạnh mẽ.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, muốn biến nông dân thành chủ thể của quá trình phát triển nông thôn thì phải dựa trên tổ chức cộng đồng. Bước căn bản là hình thành tổ chức cộng đồng cơ sở, gọi là làng mới (Saemaul Undong) ở Hàn Quốc, là công xã (Kibus) ở Israel. Đây là các tổ chức dân bầu, nhà nước giao đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ và phân cấp. Hàn Quốc hỗ trợ ngân sách và trao quyền lập kế hoạch, quyết định quản lý, đánh giá đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, quản lý đất đai trồng rừng, xây dựng hợp tác xã và doanh nghiệp nông thôn. Israel hỗ trợ phát triển nông trường, công xưởng, phân cấp quản lý kinh tế, xã hội nông thôn; giao quyền cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, quốc phòng. Cộng đồng nông thôn trở thành các tổ chức kinh tế sản xuất hiệu quả và còn là địa bàn phát triển văn minh và đơn vị phòng thủ quân sự, an ninh xã hội ổn định.

Như vậy, với quyết tâm của “nhà nước kiến tạo phát triển” và sức mạnh truyền thống dân tộc, nhiều quốc gia nghèo khó trong một thời gian ngắn đã tổ chức lại thành công cộng đồng nông thôn, biến nó thành bệ phóng kinh tế xã hội đưa đất nước lên hùng cường. Kinh nghiệm Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Nepal… cho thấy nội lực duy nhất của nông thôn có thể cân bằng lại với sức mạnh khách quan của thị trường và lợi thế nhà nước của đô thị. Trong cạnh tranh toàn cầu, với đe dọa quốc phòng và biến đổi khí hậu quyết liệt, xã hội nông thôn phải đứng chân trên nền tảng cộng đồng vững mạnh. Đó là kết luận của Tổng thống Hàn Quốc Park-Chung Hee phải “khai thác được tinh thần chăm chỉ, tự vượt khó khăn, và hợp tác tiềm ẩn trong mỗi thành viên sống trong khu vực nông thôn” để “tất cả các làng, xã nông thôn sẽ trở thành nơi sinh sống thịnh vượng” giữa giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa.

Ngược lại, nhiều nước khác ở Nam Á, Châu Phi, của Liên Xô cũ, Myanmar, Nam Tư... dựa hẳn vào các trung tâm kinh tế công nghiệp và đô thị giầu có dẫn dắt kinh tế nông thôn đã thất bại; nhà nước không thể phân phối lại ngân sách nhà nước thu từ các địa phương động lực chính để chia cho chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, phát triển miền núi, trợ giúp dân tộc ít người. Chỉ đạo chính trị của các đảng phái từ trung ương, dự án của nhà nước, viện trợ quốc tế, tiền của đầu tư của doanh nghiệp không đủ sức quản lý, hỗ trợ, nâng đỡ lên những địa bàn số cư dân nông dân đông đảo, địa bàn nông thôn rộng lớn đối lập với sức mạnh khủng khiếp của thị trường đang rút đi mọi tài nguyên, để lại người già, trẻ em và các nhóm yếu thế, đẩy về đây chất thải, nghĩa trang, tàn phá môi trường.

Những việc phải làm để phát triển tổ chức cộng đồng

Đầu tiên, cần đổi mới tư duy về vai trò nhân dân như lời Bác Hồ căn dặn: “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.” Cư dân nông thôn không còn là lao động phải vô sản hóa thời tích lũy tư bản, cũng không phải là đối tượng phải tập thể hóa thời kinh tế kế hoạch. Nghị quyết Trung ương 19 xác định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Người dân phải phát huy nội lực, chủ động phát triển kinh tế để tích lũy nội lực, phát triển xã hội để tích lũy kiến thức trở thành ba lớp người tương lai: Số ít nông dân chuyên nghiệp ở lại nông thôn phát triển nông nghiệp hiện đại, số lớn lao động chính thức trong các lĩnh vực phi nông nghiệp, số khác khởi nghiệp kinh doanh trở thành doanh nghiệp. Mọi con đường này đều đi qua cánh cửa là tổ chức cộng đồng: Hợp tác xã, nghiệp đoàn, hiệp hội. Theo đường lối của Đảng, người dân nông thôn chỉ có thể trở thành lực lượng tự giác nếu đứng trong các tổ chức của mình.

Thứ hai, phải đổi mới tư duy về tổ chức của cộng đồng. Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã hướng dẫn tỉ mỉ việc xây dựng các tổ chức đoàn thể nhắm rõ theo cộng đồng. Người kể chuyện thợ dệt nông thôn Anh lập cộng đồng ngành nghề năm 1761 và trích dẫn tuyên ngôn hợp tác xã Anh: “Cốt làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây”. Các Mác coi nhà nước và thị trường là những phạm trù lịch sử trong xã hội phân chia giai cấp, còn cộng đồng là vĩnh cửu với loài người. Mác viết: “Lúc đầu, cá nhân tự nhiên là một phần của gia đình và bộ lạc tiến hóa từ gia đình; sau này họ là một phần của cộng đồng”. Ông coi chủ nghĩa cộng sản tương lai sẽ là: “Chế độ mới mà xã hội hiện đại đang đi tới sẽ là sự phục sinh dưới hình thức hoàn thiện nhất (in a superior form) của một xã hội kiểu xưa”. Cần khẳng định rằng phát triển tổ chức cộng đồng là tư tưởng xuyên suốt trong kinh điển cộng sản, là giải pháp để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, không ăn nhập gì với vấn đề xã hội dân sự.

Thứ ba, đột phá thể chế chỉ diễn ra có kết quả gần 40 năm trước, khi từ bỏ mô hình hợp tác xã kiểu cũ đã khẳng định vai trò kinh tế hộ, kinh tế tư nhân (công nhận về pháp lý, giao đất và tư liệu sản xuất, tổ chức khuyến nông, cho vay vốn…). Cần công nhận và hỗ trợ các tổ chức cộng đồng, đưa vào hoạt động kinh tế và tham gia quản lý xã hội, môi trường. Ban phát triển thôn bản tham gia chương trình nông thôn mới, hợp tác xã hỗ trợ kinh tế hộ, hiệp hội gắn kết các doanh nghiệp, nghiệp đoàn hỗ trợ người lao động, ban quản lý nhà tham gia quản lý chung cư… Cần công nhận các tổ chức này về pháp lý; đảm bảo chương trình làm việc phục vụ quyền lợi cư dân và được họ giám sát minh bạch; có năng lực phục vụ, có tài sản, cung cấp dịch vụ, ban hành quy định thiết thực giúp dân để họ nuôi và đóng góp; lựa chọn và đào tạo được các “thủ lĩnh cộng đồng” vì dân, có đội ngũ cán bộ gắn bó lâu dài, được dân trực tiếp bầu và bãi miễn. Đó là các tính chất phải có của tổ chức cộng đồng làng xã truyền thống Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Theo đường lối đã vạch ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ”. Cần phối hợp và huy động được thế mạnh, khắc phục được thiết yếu của cả ba chân kiểng quan trọng này. Nhà nước bảo đảm ổn định xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo cân bằng vĩ mô đồng thời phải tránh xu hướng quan liêu, tham nhũng, kém năng động của nó. Thị trường phân bổ tài nguyên hiệu quả, tạo điều kiện và động lực mở mang kinh tế nhưng cũng cần tránh nguy cơ độc quyền, chạy theo lợi nhuận ích kỷ, mất cân bằng sinh thái, mâu thuẫn xã hội. Cộng đồng nổi trội về khả năng bảo vệ lợi ích, đảm bảo dân chủ và bình đẳng kinh tế nhưng cũng phải đề phòng điểm yếu của tư tưởng lạc hậu, lợi ích cục bộ. Phối hợp hài hòa được giữa thế mạnh của nhà nước, thị trường và xã hội (cộng đồng) là mô hình hiệu quả nhất để phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Nền kinh tế chủ yếu là các hộ gia đình nhỏ lẻ, muốn trở thành trang trại, gia trại, doanh nghiệp nhỏ rồi doanh nghiệp lớn, chỉ có con đường tạo điều kiện cho chính các hộ nhỏ tự tích lũy đạt tới mức tái đầu tư, tái sản xuất mở rộng và tất yếu qua cánh cửa kinh tế hợp tác. Hợp tác xã thực sự là tổ chức của cộng đồng sẽ giúp Luật hợp tác xã mới ra đời đi vào cuộc sống, trước hết phải đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào, thu mua nông sản đầu ra và hỗ trợ dịch vụ phục vụ sản xuất; thay thế trung gian thương lái, đầu nậu, dẫn dắt kinh tế hộ phát triển.

Sự nghiệp xây dựng nông thôn mới sẽ gắn với chương trình phát triển cộng đồng. Thôn bản, dòng họ, gia tộc, dân tộc… phải chủ động tham gia vào xây dựng, quản lý, khai thác, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, trồng rừng, bảo vệ môi trường, cảnh quan và tài nguyên, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn biên cương và tổ chức sản xuất. Người dân nông thôn phải thực sự trở thành người chủ của quá trình phát triển. Họ không chỉ “biết, bàn, làm, kiểm tra, thụ hưởng,” mà còn tham gia xây dựng kế hoạch, lựa chọn công trình đầu tư, giám sát thi công, xây dựng quy chế và luật lệ.

Các cấp ủy Đảng cần chỉ đạo đổi mới tổ chức đoàn thể, xây dựng các tổ chức xã hội gắn bó với nguyên tắc cộng đồng. Công tác dân vận gắn với trao quyền cho dân. Lấy hoạt động kinh tế phát triển hợp tác xã và hiệp hội để dẫn dắt và phát triển kinh tế hộ lên sản xuất lớn. Ban hành chính sách tiếp cận tài nguyên, đầu tư cơ sở hạ tầng, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo cán bộ, phân cấp dịch vụ công. Pháp luật tạo điều kiện để cộng đồng nông thôn có tư cách pháp nhân hoạt động.

Chiến lược nông nghiệp mới đã xác định: “Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp”. Các tổ chức cộng đồng như hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã của kinh tế hộ, tổ chức thôn bản trong nông thôn mới chính là tế bào để xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp. Như thế, cơ chế và tổ chức cộng đồng sẽ hình thành quan hệ sản xuất phù hợp định hướng xã hội chủ nghĩa - thành tố thích hợp trong thượng từng kiến trúc của giai đoạn quá độ. Đó là nền tảng hình thành các hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp như các vùng chuyên canh, các chuỗi giá trị, các ngành hàng chiến lược…

Để kiến tạo liên kết các vùng kinh tế, các vùng sinh thái, kết nối các địa phương, không thể thiếu được chất keo kết dính là phát triển tổ chức cộng đồng. Mang tính chất đồng đẳng về lợi ích và quyền lực, các đối tượng này cần sử dụng các cơ chế của cơ chế cộng đồng như xác lập giải pháp đồng thuận, bầu ra thủ lĩnh tin cậy, hình thành luật chơi gắn bó, tạo ra thông tin minh bạch… để có thể cùng nhau phối hợp chủ động và vững bền, vượt qua những yếu kém của cơ chế nhà nước (đặc điểm nhiệm kỳ, phân cách quyền lực bộ ngành…) yếu kém của thị trường (khác biệt tài nguyên, cạnh tranh quyền lợi…).

Toàn dân thông qua các tổ chức cộng đồng sẽ tạo ra năng lực quản lý hiệu quả trên mọi lĩnh vực, địa bàn đa dạng, rộng lớn và biến động của cơ chế thị trường trong thời đại toàn cầu hóa. Mới giải quyết được các vần đề nhà nước và thị trường đang bó tay hiện nay (an toàn lương thực, thực phẩm, giám sát bảo vệ môi trường, ngăn chặn đánh bắt thủy hải sản tận diệt tự nhiên, vi phạm lãnh hải quốc tế…). Có tổ chức cộng đồng rộng rãi thì mới cải cách, thu hẹp được bộ máy hành chính, số hóa được quản lý, kết hợp được nguồn lực và tài nguyên tổng hợp theo quy hoạch quốc gia, mới giám sát và tuân thủ sát sao pháp luật nhà nước. thống nhất về luật lệ, cách thức hoạt động, sắp xếp kết cấu bộ máy và cách thức đóng góp để duy trì hoạt động, đăng ký và nhà nước công nhận.

Tạo ra được đột phá về các tổ chức cộng đồng sẽ biến kinh tế hộ nhỏ nông nghiệp, nông thôn thành kinh tế hộ lớn và doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ đô thị. Chuyển từ tài nguyên tự nhiên sang phát triển tài nguyên con người, tích lũy nội lực ít đất nước để thu hút ngoại lực quốc tế. Cho phép các tổ chức cộng đồng trở thành đơn vị tế bào để hình thành các hệ sinh thái thể chế sản xuất kinh doanh như các chuỗi giá trị ngành hàng có giá trị gia tăng cao, hệ thống phối hợp nông thôn và đô thị công bằng và bao trùm, các tổ hợp liên kết vùng hài hòa và năng động.

Nếu như làn sóng đổi mới lần thứ nhất gần 40 năm trước dựa trên đời mới thể chế kinh tế và cơ chế thị trường đã cho phép huy động các nguồn lực hiện có khi đó để đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước thu nhập trung bình thì làn sóng đổi mới lần thứ hai hôm nay sẽ cho phép Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào giữa thế kỷ này như mục tiêu của Đại hội Đảng XIII đã xác định./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024