Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ CNTT hiện nay cũng như trong tương lai. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.

Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT, “Đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ Thông tin và Truyền thông đinh hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.

Khai mạc Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) chia sẻ tại hội nghị.

Khẳng định vị thế cánh chim đầu đàn - dẫn dắt ngành công nghệ thông tin Việt Nam trên con đường toàn cầu hoá để Việt Nam có một vị thế xứng đáng trên bản đồ công nghệ số toàn cầu. Với thông điệp “FPT tiên phong ra biển lớn - Vươn tầm trí tuệ Việt vì một Việt Nam hùng cường”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, chia sẻ về dấu ấn Việt Nam trên bản đồ số toàn cầu, từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ, hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong hành trình đi ra quốc tế của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel), ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết: Bắt đầu đi ra nước ngoài từ năm 2006, đến nay, Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD. Thành công có được từ những thách thức từ thực tế được Viettel đúc rút làm bài học kinh nghiệm cụ thể là phải tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư; luôn thượng tôn pháp luật; phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh.

Bên cạnh các chia sẻ thành công của doanh nghiệp đã đầu tư, làm ăn ở nước ngoài, đại diện của các cơ quan xúc tiến thương mại của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ cũng tham luận, trình bày về tình hình phát triển và nhu cầu thị trường sản phẩm dịch vụ số; chính sách thu hút đầu tư của chính phủ các nước; các cơ hội hợp tác đối với doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) giới thiệu các chương trình, kế hoạch thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư của Nhật Bản, cung cấp thông tin về cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng hợp tác, kinh doanh tại thị trường đang thiếu hụt số lượng lớn kỹ sư công nghệ thông tin.

Ông Lee, Byoung Moog, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác CNTT Hàn Quốc (KICC) thuộc Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc tại Hà Nội cung cấp thông tin về thị trường ICT Hàn Quốc, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư thương mại của Hàn Quốc, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, quy trình, quy định và các ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thu hút doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư và thành lập công ty tại Hàn Quốc cũng được ông Lee, Byoung Moog chia sẻ cụ thể.

Khai mạc Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”
Toàn cảnh Hội nghị .

Đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: Với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech…

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: năm 2023, Bộ TTTT sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Bộ sẽ tổ chức các hội nghị, các diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại số, gian hàng công nghệ số ở nước ngoài. Tham mưu Chính phủ ký kết các hiệp định về đối tác số với các nước. Thành lập tổ tư vấn doanh nghiệp đi ra nước ngoài sẽ là chỗ dựa, là cầu nối sát cánh cùng với các doanh nghiệp ở bất cứ nơi đâu mà nghiệp số Việt Nam đặt chân đến. Mỗi tháng Bộ sẽ tổ chức ít nhất một sự kiện để giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ số làm ăn ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Đồng thời người đứng đầu Bộ TTTT cũng bày tỏ sự tin tưởng và hi vọng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới không chỉ để chiếm lĩnh thị trường bên ngoài, mà còn để cạnh tranh với những người xuất sắc nhất, bảo vệ được vị thế trong nước, trở thành những trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Khai mạc Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.