ISSN-2815-5823
MỘC TRÀ
Thứ năm, 11h24 02/11/2023

Lực bán kéo giá 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đồng loạt đi xuống

(KDPT) - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch đầu tiên của tháng 11, lực bán chiếm ưu thế trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV-Index hạ 0,32% xuống 2.213 điểm, nối dài đà giảm sang ngày thứ ba liên tiếp.

Mặc dù vậy, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn tăng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 5.200 tỷ đồng, cao hơn gần 16% so với ngày trước đó.

1

Dự báo giá đồng sẽ giảm trong năm 2024

Chốt ngày giao dịch đầu tiên của tháng 11, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa. Đối với nhóm kim loại quý, giá cả ba mặt hàng chìm trong sắc đỏ. Giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 1,53%, dừng chân ở mức 930,4 USD/ounce. Giá vàng và giá bạc giảm phiên thứ hai liên tiếp, lần lượt giảm 0,03% xuống 1.982,15 USD/ounce và giảm 0,71% về 22,79 USD/ounce.

Giá bạc và bạch kim biến động khá mạnh trong hôm qua. Trong phiên sáng, giá cả hai mặt hàng đều chịu sức ép do đồng USD tiếp tục mạnh lên. Hơn nữa, lực bán bạc và bạch kim được củng cố ngay sau khi các chuyên gia hạ dự báo giá hai mặt hàng này.

Cụ thể, theo Reuters, giá bạch kim dự kiến sẽ hạ xuống 1.023 USD/ounce trong năm 2024, từ mức 1.100 USD/ounce trong cuộc khảo sát ba tháng trước. Đối với bạc, dự báo giá đạt mức 24,85 USD/ounce vào năm 2024 và 23,2 USD/ounce vào năm 2023, giảm so với khảo sát trước.

Tuy nhiên, giá bạc và bạch kim đã thu hẹp mức giảm trong phiên tối khi đồng USD lại suy yếu. Dữ liệu kinh tế kém lạc quan của Mỹ và quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã gây áp lực lên đồng Dollar Mỹ.

Cụ thể, theo Viện quản lý cung ứng (ISM), chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Mỹ tiếp tục ở ngưỡng thu hẹp, chỉ đạt 46,7 điểm trong tháng 10. Con số này thấp hơn cả mức dự báo và số liệu tháng trước.

1

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đóng cửa mà không thay đổi so với mức tham chiếu. Trong phiên sáng, giá đồng phải chịu sức ép sau khi Trung Quốc công bố chỉ số PMI sản xuất Caixin rơi xuống ngưỡng thu hẹp sau hai tháng mở rộng, chỉ đạt 49,5 điểm trong tháng 10. Điều này làm triển vọng tiêu thụ đồng bị xấu đi, trong khi đó, nguồn cung đồng vẫn tích cực. Sản lượng đồng của Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, đạt 457.393 tấn trong tháng 9, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 5,34% so với tháng 8.

Làm tăng thêm áp lực bán, dự báo giá đồng cũng sẽ giảm xuống 8.625 USD/tấn vào năm 2024, thấp hơn 3% so với cuộc khảo sát trước của Reuters.

Sức mua đồng chỉ quay trở lại trong phiên chiều khi đồng bạc xanh suy yếu. Hơn nữa, áp lực vĩ mô giảm sau động thái “ôn hòa” của quan chức FED trong cuộc họp lãi suất giúp củng cố lực mua đồng. Điều này khiến giá đồng xóa bỏ hoàn toàn mức giảm của phiên sáng.

Giá dầu đậu tương xuống mức thấp nhất 5 tháng

Kết thúc ngày 1/11, giá đậu tương hợp đồng tháng 1 vẫn giằng co và đóng cửa trên vùng hỗ trợ tâm lí 480 USD/tấn. MXV cho biết các thông tin cơ bản về triển vọng mùa vụ ở các nước sản xuất chính tại Nam Mỹ duy trì tác động trái chiều lên giá. Trong khi đó, gần đây, xuất khẩu của Brazil đang có dấu hiệu chững đã giữ giá đậu tương trong sắc xanh. Giá đóng cửa phiên hôm qua với mức tăng nhẹ 0,34%.

Bến 201 của cảng xuất khẩu ngũ cốc Paranagua, phải đóng cửa sau vụ cháy vào cuối tuần trước, sẽ hoạt động lại muộn hơn dự kiến. Mặc dù hàng hóa đang dự trữ không bị thiệt hại, nhưng sự cố này khiến các lô hàng đậu tương và khô đậu của Brazil tại cảng bị trì hoãn tạm thời. Số liệu trong báo cáo tuần này của Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) cho biết các lô hàng xuất khẩu đậu tương trong tháng 10 của nước này sẽ giảm xuống 5,96 triệu tấn, so với mức 6,14 triệu tấn được đưa ra trước đó. Báo cáo này đánh dấu lần thứ 3 liên tiếp ANEC điều chỉnh giảm với dự báo xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 10. Thông tin trên càng củng cố sức ép cạnh tranh đến từ nguồn cung đang sẵn có của Mỹ, đồng thời phản ánh bất lợi trong vận tải mà quốc gia này thời gian đây. Đây là nguyên chính giúp giá của đậu tương tiếp tục khởi sắc trong phiên hôm qua. .

1

Đối với hai mặt hàng thành phẩm, giá khô đậu và dầu đậu đều đồng loạt suy yếu trong hôm qua. Áp lực từ triển vọng mùa vụ tích cực hơn Argentina vẫn là yếu tố đè nặng lên giá của các mặt hàng. Dầu đậu tương là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất nhóm nông sản, lao dốc gần 3%, đẩy giá xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu kém khả quan của Brazil đã kìm hãm lực bán trên thị trường khô đậu tương. Tương tự như đậu tương, ANEC mới đây đã hạ dự báo đối với xuất khẩu khô đậu tương trong tháng 10 của Brazil xuống chỉ còn 1,69 triệu tấn, so với mức 2 triệu tấn ước tính tuân trước. Con số này còn thấp hơn mức doanh số đạt được trong cùng kỳ năm 2022. Điều này phản ánh nhu cầu tại Brazil đang suy yếu trong ngắn hạn và gây áp lực lên giá khô đậu.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (1/11), giá khô đậu tương nhập khẩu quay đầu suy yếu. Cụ thể, tại cảng Cái Lân, giá khô đậu Nam Mỹ kỳ hạn giao 2 tháng cuối năm nay được chào bán trong khoảng 14.000 - 14.650 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao hàng quý I năm sau, giá chào bán dao động quanh mức 13.700 - 13.800 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào khô đậu nhập khẩu tiếp tục ghi nhận mức thấp hơn khoảng 100 đồng/kg so với cảng Cái Lân./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024