Mùa điều kém vui
HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước), được thành lập từ năm 2016. Hiện HTX có 132 hộ tham gia, tổng diện tích khoảng 400 ha điều. 2 năm qua, hiệu quả hoạt động của HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập khá thấp vì đều bị mất mùa điều. Đặc biệt, vụ điều 2017/2018 lại càng thất vọng hơn, bởi không chỉ mất mùa về năng suất, sản lượng mà còn bị thiệt hại về chất lượng.
Theo bà Trần Thị Yến, GĐ HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, vụ mùa năm 2017, do bị mưa trái mùa, sâu bệnh gây hại, năng suất điều của HTX khá thấp, chỉ đạt bình quân 7-8 tạ/ha. Vụ mùa 2018, tình hình lại càng bất trắc hơn khi nhiều loại sâu bệnh như sâu đục thân, cháy lá… hoành hành trên toàn bộ diện tích điều của HTX. Dù đã có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ phòng chống sâu bệnh từ tỉnh, huyện và xã, nhưng tình hình sâu bệnh trên cây điều vẫn nặng nề. Tính trên toàn xã Bù Gia Mập, có tới khoảng 80-90% diện tích điều bị sâu bệnh hoành hành.
Không những thế, vụ điều 2017/2018 lại đang kết thúc khá sớm. Mọi năm, đến cuối tháng 4 âm lịch, người trồng điều mới tiến hành tỉa cành, bón phân… cho cây điều khi mà trái điều trên cây đã hết. Nay mới cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch, nhiều hộ đã phải bắt tay vào những công việc chăm sóc cây điều để chuẩn bị cho vụ tới. Chính vì vậy, nhiều khả năng trong vụ điều 2017/2018, năng suất bình quân của HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập chỉ có thể đạt khoảng 6 tạ/ha, chỉ bằng một nửa so với những vụ điều bình thường trước đây.
Một điều đáng lo ngại không kém là việc sụt giảm chất lượng điều thô. Trong vụ điều 2016/2017, dù năng suất điều bị giảm mạnh nhưng chất lượng điều thô vẫn tốt, khi tỷ lệ hạt nổi (khi cho vào nước) ở mức thấp. Năm nay, tỷ lệ hạt nổi quá cao, tới 40-50%. Do đó, dù giá điều tươi hiện ở mức 38.000-39.000 đ/kg (là mức giá cao), nhưng người trồng điều ở xã Bù Gia Mập lại chỉ bán được với giá khoảng 28.000-29.000 đ/kg. Bởi giá 38.000-39.000 đ/kg là với điều đạt tỷ lệ thu hồi 30% trở lên (khi phơi khô), còn điều Bù Gia Mập có tỷ lệ nhân thu hồi thấp hơn nhiều, nên chỉ bán được với giá đó.
Không chỉ ở xã Bù Gia Mập, mất mùa và giảm mạnh về chất lượng điều đang là tình trạng chung ở nhiều địa phương trồng điều. Ông Phạm Văn Nguyên, một chuyên gia ngành điều, cho biết, mùa mưa 2017 kéo dài sang tận đầu năm 2018 đã ảnh hưởng tới nhiều diện tích trồng điều khi ra hoa đợt 1.
Với những hộ có kinh nghiệm, có điều kiện chăm sóc cây điều, vẫn đảm bảo được năng suất nhất định. Nhưng phần nhiều hộ trồng điều hiện nay là hộ nghèo, thiếu điều kiện, kinh nghiệm chăm sóc, khiến cho năng suất bị ảnh hưởng nặng nề. Mặt khác, nhiều vườn điều đã bị kiệt quệ do sâu bệnh nặng nề trong năm 2017, đến vụ 2017/2018, đã ra hoa, kết trái muộn, nhưng lại vẫn kết thúc vụ sớm, cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất điều.
Ở Bình Phước, nhiều vườn điều chỉ đạt năng suất bằng 1/3 so với năm 2017. Ở các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận… đã có những huyện coi như bị mất mùa điều trên phạm vi toàn huyện như Tánh Linh, Đạ Tẻ, Đạ Huoai, Cát Tiên, Bù Gia Mập…
Thông tin từ các DN chế biến điều cũng cho thấy rõ sự sụt giảm cả về sản lượng lẫn chất lượng điều. Theo ông Lê Nhật Khoa, PGĐ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc An (thị xã Phước Long, Bình Phước), mọi năm, tỷ lệ nhân thu hồi của điều Bình Phước đạt bình quân 30-32% (điều phơi khô). Năm 2017, dù mất mùa về sản lượng, nhưng tỷ lệ nhân thu hồi vẫn đạt trên 30%. Năm nay, tỷ lệ nhân thu hồi chỉ còn 27-28%.
Một điều an ủi cho các DN chế biến điều là vụ điều ở Campuchia có dấu hiệu được mùa. Trong thời gian qua, đã có một lượng điều thô không nhỏ được nhập từ Campuchia về Việt Nam. Điều này giúp cho các DN bớt phần nào áp lực về nguyên liệu khi mà điều nhập khẩu từ châu Phi vẫn đang được giao bán ở mức cao.
Theo: baocongthuong.com.vn