Nâng cao năng lực nội sinh, tự lực, tự cường của nền kinh tế Việt Nam
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định quan điểm “Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại”. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đưa ra mục tiêu “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”. Do đó, việc nâng cao năng lực nội sinh, tự lực, tự cường của nền kinh tế Việt Nam giữ vai trò quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa khát vọng phát triển của đất nước phù hợp bối cảnh thời đại.
1. Quan niệm về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của nước ta kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế đến nay. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng nhất là khi diễn biến kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, khó lường, đặc biệt là hơn hai năm qua với hàng loạt tác động từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine và chiến lược "zero Covid" của Trung Quốc, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Báo cáo chính trị tại của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ quan điểm: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. “Điểm mới nổi bật trong định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII là nhấn mạnh và xác định rõ mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Phải nâng cao năng lực nội tại mới có thể hội nhập thành công, tránh lệ thuộc vào một đối tác, một thị trường. Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ: Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế".
Như vậy, nói một cách khái quát, nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hiện nay không phải là nền kinh tế biệt lập, khép kín, tự cung, tự cấp, thiếu gắn kết với các nền kinh tế trên thế giới, mà là nền kinh tế có sự độc lập, tự chủ về đường lối, định hướng phát triển phù hợp với xu hướng thế giới và thực tiễn lịch sử; là nền kinh tế có năng lực quản trị quốc gia tốt, năng lực hoạch định đường lối, thể chế, chủ động, tham gia kiến tạo và biết vận dụng sáng tạo cam kết quốc tế phù hợp điều kiện và khả năng của đất nước; có năng lực cạnh tranh cao ở cả cấp độ nền kinh tế, doanh nghiệp, sản phẩm quốc gia; có năng lực chống chịu, khả năng thích ứng cao, ít bị tổn thương trước những biến động của tình hình quốc tế và hướng tới yêu cầu phát triển bền vững; trong bất cứ tình huống nào cũng bảo đảm duy trì và giữ vững sự ổn định vĩ mô và các hoạt động bình thường về kinh tế - xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đây sẽ là động lực thúc đẩy đất nước vươn mình, nâng cao sức mạnh nội lực, xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và thách thức nổi lên, bảo đảm phát triển nhanh – bền vững đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế, hướng tới khát vọng hùng cường, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
2. Đánh giá mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng, tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội. Từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng và nâng tầm ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các hiệp định đa phương thế hệ mới, cụ thể Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới đây là Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh. Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoàn thiện căn bản hệ thống pháp luật theo yêu cầu, chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Việt Nam dần dịch chuyển từ quốc gia tham gia hội nhập thành quốc gia dẫn dắt hội nhập với việc chủ động trong việc đàm phán với các nước về hình thành các khu vực thương mại tự do và là 1 trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP hơn 200%.
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, tiềm năng và lợi thế phát triển, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhất là đặt trong bối cảnh năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu.
2.1. Nền kinh tế còn phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài
Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, năm 2021, khu vực FDI đóng góp tới 20,02% GDP, chiếm 73,4% tổng giá trị xuất khẩu; nếu đánh giá căn cứ vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí. Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực ĐTNN còn khiêm tốn; số lượng dự án đầu tư với công nghệ cao, giá trị gia tăng vào Việt Nam vẫn còn thấp, nhiều dự án vẫn còn thâm dụng lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất đai, và ảnh hưởng đến môi trường, chưa có tính lan tỏa cao về công nghệ, chuỗi cung ứng…
Kết quả phân tích cấu trúc liên ngành I-O chỉ ra rằng chênh lệch GDP và GNI ngày càng lớn trong những năm gần đây (giai đoạn 2011-2015, bình quân GNI bằng khoảng 95,46%; giai đoạn 2016-2020 chỉ còn là 94,13%) cho thấy dòng tiền quay ngược lại các nước đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng (luồng tiền chảy ra thông qua chi trả sở hữu tăng mạnh), GDP tăng trưởng nhanh nhưng nguồn lực của nền kinh tế không gia tăng tương ứng. Nếu GDP theo giá thực tế năm 2020 so với 2010 tăng 2,9 lần thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài năm 2020 so với 2010 tăng khoảng 4,5 lần.
Nhìn từ dòng vốn FDI, nền kinh tế nước ta còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, chủ yếu là các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Đầu tư của các quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á (chỉ tính trong top 10) chiếm đến 76,5% và trong top 10 thì có đến 8 quốc gia khu vực Đông Á và Đông Nam Á năm trong nhóm dẫn đầu.
2.2. Nội lực sản xuất của nền kinh tế còn thấp, gia công, lắp ráp là chủ yếu, tạo giá trị gia tăng thấp
Theo kết quả nghiên cứu về chỉ số lan tỏa và độ nhậy tính toán từ bảng I.O 2012, 2016, 2019, hầu hết những ngành thuộc công nghiệp chế biến chế tạo tuy có chỉ số lan tỏa và độ nhậy cao nhưng lại kích thích mạnh đến nhập khẩu và lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều. Điều này cho thấy công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam chủ yếu là gia công và càng ngày mức độ gia công càng cao hơn. Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo gồm 63 tiểu ngành, từ mã ngành 35-97 chỉ có 11 tiểu ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và lan tỏa thấp đến nhập khẩu; trong đó 9 nhóm ngành thuộc về công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nếu không có những đột phá về khoa học thì không thể thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Thực tế hiện nay, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp nội địa của ta nhìn chung mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian có giá trị gia tăng thấp (gia công, lắp ráp) trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi các phân khúc có giá trị gia tăng cao đều ở nước ngoài như các khâu thượng nguồn (nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối, chăm sóc khách hàng…) và các khâu hạ nguồn (nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất). Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, ta hiện chủ yếu tham gia vào các khẩu gia công (CMT) chiếm đến 60% và chỉ khoảng 5% xuất khẩu theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất); Ngành điện tử hiện nay là ngành tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, tuy nhiên, ngành điện tử Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp FDI) hiện đang đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị là công đoạn lắp ráp và gia công sản phẩm. Các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp cũng còn yếu (tư vấn đầu tư, sản xuất, kết nối thị trường, đào tạo nguồn nhân lực…).
2.3. Năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu
Các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu vẫn phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp; Việt Nam nhập siêu tới 9,3 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm; nhập khẩu 90% bông nguyên liệu, 40% xơ sợi tổng hợp, 50% sợi bông và 80% vải khổ rộng; 90% các sản phẩm trung gian và phụ kiện, sợi, dệt, vải dệt kim phục vụ gia công xuất khẩu CMT trong cơ cấu kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu hàng dệt may; ngành da giầy nhập 40-45% nguyên liệu từ nước ngoài; 75-80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa phải nhập khẩu… Theo dữ liệu tính toán của UNIDO 2020, giai đoạn 2011-2019, tỷ trọng nhập khẩu sản phẩm trung gian của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng từ 60,8% năm 2010 lên đến 69,3% năm 2019, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; Nguồn giống cây trồng vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Chỉ tính riêng giống cây trồng, trung bình mỗi năm phải chi 500-700 triệu USD để nhập khẩu, trong đó có 80% giống rau, hoa. Với lợn và gia cầm, mỗi năm phải chi 126-130 triệu USD để nhập khẩu giống. Công tác giống mới chỉ tập trung vào cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh như lúa mới đáp ứng 80%, ngô 40%, rau quả 20%, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70 - 80%), sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30%. Các nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, sơ chế.
2.4. Năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ số mới còn hạn chế, năng suất lao động còn thấp
Xét trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng vốn và lao động đang chậm dần, TEP lại có tốc độ tăng nhanh hơn, cho thấy, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào tăng chất lượng, thay vì tăng về số lượng của vốn và lao động. Năm 2011, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế mới đạt 20,87% thì đến năm 2019 đã tăng lên 49,61% và năm 2020 là 33,42%; đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 40,45%. Tuy nhiên, mức đóng góp này còn khiêm tốn, tại các nước phát triển, tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP thường rất cao (trên 50%).
Trong những năm qua, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp. Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo GII 2022, GII của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia (năm 2021 xếp thứ 44), nhưng một số chỉ số thành phần vẫn chưa được cải thiện như nhóm chỉ số về Giáo dục đại học xếp hạng 90, nhóm chỉ số bền vững sinh thái xếp hạng 113, giảm 18 bậc so với năm 2021; nhóm chỉ số Lao động có kiến thức xếp hạng 68, giảm 2 bậc so với năm 2021; nhập khẩu và xuất khẩu ICT (trên tổng giao dịch thương mại) chưa được cải thiện, tiếp tục giảm và ở thứ hạng thấp (xếp hạng 120 và 130).
Trong khi đó, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaixia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của In-đô-nêxia và bằng 86,5% NSLĐ của Philipin. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanma (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).
Bên cạnh đó, tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cả nhà nước và tư nhân còn thấp, chỉ đạt 0,53% GDP năm 2019, thấp hơn nhiều so với bình quân thế giới ở mức 1,7% và một số nước như Thái Lan 0,8%, Malaysia 1,4%, Trung Quốc 2,1%; năng lực sáng tạo còn thấp, số bằng sáng chế của Việt Nam do các cơ quan uy tín thế giới cấp chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/3170 Trung Quốc, tỷ lệ bằng sáng chế/1 triệu dân là 0,21 đứng thứ 91/141 quốc gia; trong 20 năm (2011-2020), số bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm 4,62% tổng số bằng được cấp. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay có mức đầu tư thấp vào phát triển khoa học và công nghệ để đổi mới sáng tạo so với các doanh nghiệp quốc tế. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ yêu cầu chiếm 2% của lợi nhuận không đủ tạo ra một sự đột phá về trình độ công nghệ và sáng tạo. Việc sử dụng quỹ này còn nhiều bất cập không phù hợp với thực tế hoạt động nghiên cứu và đầu tư mạo hiểm vào công nghệ.
2.5. Năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của ngành công nghiệp còn hạn chế
Công nghiệp hỗ trợ và năng lực doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả. Việt Nam xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa, kém hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines; Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, bình quân chỉ đạt 20-25%. Ngoại trừ ngành sản xuất xe máy, tỷ lệ cung ứng cho các ngành công nghiệp quan trọng khác như ô tô; điện tử; công nghiệp công nghệ cao còn khá hạn chế. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều bất cập. Hầu hết các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước là nhà cung cấp cấp 3 hoặc cấp 4, chủ yếu cung cấp các sản phẩm đơn giản, linh kiện và vật tư có giá trị thấp (ví dụ như bao bì và các chi tiết đơn giản). Chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung và 136 là nhà cung cấp cấp 2, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các nhà cung cấp.Trong giai đoạn 2010 - 2018, chỉ số tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) của công nghiệp chế tạo Việt Nam tăng tuy nhiên chủ yếu là tăng liên kết ngược, trong khi chỉ số liên kết xuôi có xu hướng giảm do đó tỷ trọng giá trị gia tăng trong nội địa giảm sút (từ 50,9% năm 2010 xuống chỉ còn 44,1% năm 2018). Dẫn đến, giá trị gia tăng của công nghiệp CBCT bình quân đầu người (MVApc) đạt thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp của UNIDO năm 2020 (CIP 2020), năm 2018, MVApc theo giá hiện hành của Việt Nam đạt 394 USD, bằng 22,8% của Thái Lan; 50,9% của Inđônêxia; 8,3% của Brunây; 15,9% của Malaixia; 57,9% của Philipin và 3,6% của Singapore; chỉ cao hơn các nước Lào (gấp hơn 2 lần) và Campuchia (gấp 1,7 lần). Thứ hạng MVApc của Việt Nam ở vị trí khá thấp trong xếp hạng MVApc của thế giới, xếp hạng 100 trong tổng số 152 quốc gia về MVApc, thấp hơn nhiều so với thứ hạng của các nước Xin-ga-po (3), Ma-lai-xi-a (40), Thái Lan (49), In-đô-nê-xi-a (72).
2.6. Mức độ đa dạng hoá thị trường và sản phẩm, chủ thể xuất nhập khẩu còn thấp, ít thay đổi.
Khu vực doanh nghiệp FDI đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các doanh nghiệp FDI vẫn là động lực chính trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nắm giữ chủ yếu về nguồn cung nguyên liệu, máy móc thiết bị, sản xuất, thị trường và khách hàng. Xuất nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào một số khu vực thị trường (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và EU), đặc biệt là phụ thuộc nhập khẩu từ khu vực thị trường châu Á (chiếm xấp xỉ 80%); các thị trường chưa có FTA như khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, Bắc Âu, Đông Âu (mới chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu) vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ có sự gia tăng nhanh chóng, từ 7% năm 2001 lên gần 30% năm 2021, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Tương tư, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 8% năm 2006 lên gần 17% năm 2021. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh mẽ từ 3% vào năm 1996 nhưng lên tới 29% năm 2016 và hiện tại đang khoảng trên 30%. Điều này dẫn đến mức độ phụ thuộc quá lớn về xuất nhập khẩu của ta vào các thị trường bên ngoài và dễ gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
2.7. Mối liên kết giữa ngành dịch vụ và sản xuất còn yếu
Theo tính toán từ bảng I.O, hầu hết các ngành dịch vụ có chỉ số lan tỏa nhập khẩu thấp và lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao hơn mức bình quân, nhưng những ngành này có chỉ số lan tỏa tới giá trị sản xuất và độ nhậy tương đối thấp. Điều này phản ánh đúng thực tế hiện nay khi mối liên kết giữa các ngành dịch vụ và sản xuất còn yếu, những ngành sản xuất sản phẩm phụ trợ trong nước, đặc biệt những ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cho đầu vào của các ngành dịch vụ còn kém phát triển. Chất lượng ngành dịch vụ nói chung và nhóm ngành dịch vụ sản xuất nói riêng còn chưa cao và chưa thực sự mang tính hỗ trợ liên ngành hiệu quả cho các ngành kinh tế khác cùng nhau phát triển.
Trong khi đó, tỷ trọng giá trị gia tăng của nhóm ngành dịch vụ sản xuất đang có chiều hướng suy giảm kể từ 2016 trở lại đây, qua đó gây ra không ít cản trở đối với những nỗ lực lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hay thậm chí chỉ là mở rộng quy mô doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế khu vực đang diễn ra ngày càng sâu, rộng. Các ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “xương sống” của nền kinh tế có giá trị gia tăng cao và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế như hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; thông tin truyền thông chưa được phát triển đúng mức, còn chiếm tỷ trọng nhỏ.
Thực tiễn nêu trên cho thấy, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, bền vững, nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền kinh tế Việt Nam trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
3. Định hướng và một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền kinh tế
3.1. Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tăng nhanh quy mô và nội lực của nền kinh tế quốc gia
Xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế, chính sách chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi số trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của đất nước, tạo ra những chuyển biến to lớn về cơ cấu lao động, ngành nghề, lãnh thổ.
3.2. Xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045)
Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu rõ: “Xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường; tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải các-bon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn”. Để thực hiện được điều này cần tập trung chú trọng nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp nền tảng nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu, bảo đảm năng lực tự chủ về tư liệu sản xuất và nâng cao vị thế của một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu. Hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia và tạo dựng thương hiệu Việt Nam dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo. Xây dựng Chiến lược quốc gia về sản xuất thông minh, trọng điểm tập trung vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để tạo sự lan toả. Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các Tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển đất nước. Đồng thời, có chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hoá xuất khẩu. Tăng cường liên kết và khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm CNHT hiện đại, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam thông qua phát triển hoạt động nghiên cứu cũng như phát triển hệ thống doanh nghiệp sản xuất CNHT tại Việt Nam. Phát triển vườn ươm tạo doanh nghiệp CNHT nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực CNHT.
3.3. Hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ của nền sản xuất Việt Nam
Xây dựng và thực thi có hiệu quả các cơ chế, chính sách mang tính vượt trội để kịp thời đón nhận và phát triển các phương thức, mô hình sản xuất kinh doanh mới đang hình thành rất nhanh như nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng Blockchain, chuỗi khối… Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; tạo thuận lợi cho trích lập và sử dụng hiệu quả quỹ đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm, đặc thù cho các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số; tăng cường chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất, chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa.
Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi để kết nối các khu vực kinh tế, các chủ thể kinh tế gắn kết với nhau, tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển các ngành, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn, hiệu quả cao; Tăng cường mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng nội ngành và giữa các ngành.
3.4. Củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ trên cơ sở làm chủ công nghệ hiện đại, công nghệ lõi và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
Tập trung nghiên cứu, đề xuất luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghiên cứu triển khai KH&CN hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống; triển khai các dự án đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm chiến lược, sản phẩm trọng điểm quốc gia; huy động nguồn lực tài chính Nhà nước và các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư cho phát triển KH&CN; thu hút, đào tạo, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực KH&N có chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực khối kỹ thuật; khuyến khích, phát huy, trọng dụng nhân tài… Tiếp tục chuyển một số viện nghiên cứu sang mô hình doanh nghiệp KH&CN và nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp, nhất là đối với công nghiệp lưỡng dụng quốc phòng - dân sinh. Xây dựng đề án và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực cho các trung tâm công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp FDI thành lập các tổ chức chuyển giao công nghệ.
Khuyến khích tự chủ trong sản xuất vật liệu, làm chủ công nghệ chế tạo nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Chú trọng, ưu tiên phát triển nhóm vật liệu hợp kim trở thành vật liệu then chốt tầm cỡ quốc gia. Đầu tư sản xuất sản phẩm thép cuộn và thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép không rỉ là các sản phẩm hiện nay còn thiếu. Khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất hợp kim có giá trị kinh tế cao cho các ngành công nghiệp năng lượng, điện tử, điện thoại, linh kiện, phụ kiện, nhiệt áp cao, các ngành công nghiệp dân dụng và quốc phòng của đất nước để giảm nhập khẩu. Đi đôi với phát triển thị trường vật liệu công nghiệp trong nước.
3.5. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; chú trọng đầu tư, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai... Đây tiếp tục là một trong những đột phá chiến lược để thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
3.6. Tăng cường hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ thị trường trong nước và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả
Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng các yêu cầu của các FTA thế hệ mới nhằm thúc đẩy phát triển và phát huy tối đa nội lực, tận dụng các cơ hội và kết hợp có hiệu quả với các xu thế phát triển của thế giới, tham gia ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Tiếp tục đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường. Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, nhất là FDI hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của các cấu trúc khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi.
Nâng cao năng lực dự báo và năng lực phản ứng chính sách trước những tác động của thế giới và khu vực và sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu, trên cơ sở đó có những kịch bản chủ động hội nhập và ứng phó hiệu quả.
Có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển. Ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
TS. NGUYỄN ĐỨC HIỂN - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,
THS. TỐNG THỊ PHƯỢNG - Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương