ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ sáu, 06h00 02/08/2024

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ cột để kinh tế phát triển

(KDPT) - Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt. Phát triển lĩnh vực này là điều cần thiết hiện nay.

Ngành công nghiệp và vai trò quan trọng đối với kinh tế

Tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách đều có chung nhận định, chế biến, chế tạo có vai trò quan trọng dẫn dắt nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ cột để kinh tế phát triển - ảnh 1

Trong nửa đầu năm 2024, ngành Công Thương đã tích cực hỗ trợ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, phát triển thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các FTA.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Ông Tuấn Anh cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).

Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023, trị giá xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 đạt cao hơn so với quý I/2024. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (84,3%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường. Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước Châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như: Dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…

Những hạn chế và biện pháp khắc phục

Bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cụ thể là 6 tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại 6 tháng cuối năm cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh...

Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới). Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng.

Đứng trước thách thức nêu trên, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.

Tổ chức các sự kiện thương mại quốc tế quy mô lớn, hội chợ triển lãm uy tín tại những thị trường trọng điểm, thị trường giàu tiềm năng. Quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến.

Cùng với đó, các chuyên gia kiến nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại... nhằm định hướng cho doanh nghiệp./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine