ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ sáu, 18h56 16/02/2024

Ngoại giao Việt Nam mang về những kế hoạch hàng tỷ USD

Việt Nam đang khẳng định là một điểm đến tiềm năng, liên tục thu hút nhiều tập đoàn lớn tầm cỡ thế giới với tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Năm qua, đã có nhiều sự kiện lớn như Nvidia quan tâm đến Việt Nam, Singapore muốn đầu tư thêm 10 tỷ USD,... hay cơ hội đến từ các quỹ đầu tư trăm tỷ USD từ Ả-rập Xê-út.

Có thể nói, năm 2023 là một năm thành công của ngoại giao kinh tế Việt Nam, một trong những trụ cột công tác ngoại giao mà các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực thúc đẩy, hướng tới đưa các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện đi tới kết quả cụ thể, phục vụ đất nước.

Tạo hệ sinh thái mới

Chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 cuối tháng 12/2023, Ông Nguyễn Quốc Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và việc 2 nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, 2 nước ưu tiên hợp tác trong những lĩnh vực về khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư.

Ngay lập tức đã tạo làn sóng quan tâm Việt Nam ở cả các doanh nghiệp Mỹ và nhiều quốc gia khác. Điều này thúc đẩy các công ty chưa có dự án tại Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội mới, những doanh nghiệp đã hiện diện thì muốn mở rộng hợp tác. Nhiều tập đoàn đã tìm được đối tác Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, chuyển đổi số, bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao…

Cuối năm ngoái, CEO Nvidia - Ông Jensen Huang đã sang thăm và cam kết thành lập pháp nhân tại Việt Nam, xác định Việt Nam là quê hương thứ 2 của tập đoàn chip hàng đầu nước Mỹ. “Chuyến đi này chắc chắn sẽ mở ra những chuyến đi tiếp theo. Tôi sẽ trở lại Việt Nam, trở về quê hương thứ hai của Nvidia” - CEO Nvidia nói

Ngoại giao Việt Nam mang về những kế hoạch hàng tỷ đô
Sự quan tâm của Nvidia tới Việt Nam sẽ kéo theo sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Mỹ khác.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, thời gian tới chắc chắn còn nhiều sự quan tâm tương tự. Các tập đoàn Mỹ sẽ vào Việt Nam theo xu thế, để cùng làm hoặc làm các việc khác nhau nhưng vẫn bổ sung cho nhau, tạo một hệ sinh thái tốt, thuận lợi hơn, trong đó có cả các hoạt động không liên quan trực tiếp tới lĩnh vực đầu tư, thay vào đó chỉ để hỗ trợ như nghỉ dưỡng, đào tạo, vui chơi giải trí…

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký vẫn đang được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, năm 2023, Việt Nam ký FTA với Israel và tích cực đàm phán với các đối tác khác; Hơn 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành được ký kết; Gần 100 thỏa thuận hợp tác của nhiều địa phương, cùng hàng trăm thỏa thuận của doanh nghiệp…

Sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp Nvidia hưởng lợi lớn, doanh thu bán bộ xử lý đồ họa (GPU) và những sản phẩm liên quan tới AI giúp tăng mức vốn hóa thị trường của họ lên 1.190 tỷ USD. Forbes ước tính tổng tài sản của ông Huang đến hết năm 2023 là 42,4 tỷ USD.

Tương lai, nếu kế hoạch của Nvidia thành công, Việt Nam sẽ trở thành một cứ điểm sản xuất của hãng, có thể là cú hích giúp ngành công nghệ trong nước bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ cao của thế giới.

Điểm đến của các “đại bàng” công nghệ

Với “chất xúc tác” là mối quan hệ ngoại giao ngày càng bền chặt giữa Việt Nam cùng các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… và liên tục được nâng tầm đã giúp lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam thu hút mạnh dòng vốn FDI.

Trong đó, đáng chú ý là dòng vốn mới đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Apple...

Bộ Công Thương cho biết, năm vừa qua, Apple đã hoàn tất chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Hay như Intel sử dụng số vốn 4 tỷ USD để mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM. Foxconn đã đầu tư tổng cộng 3,2 tỷ USD vào Việt Nam.

Hiện Việt Nam ngày càng thu hút thêm nhiều tập đoàn công nghệ tới tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ. Đơn cử, tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam tháng 6/2023 có sự góp mặt của những “ông lớn” công nghệ hàng đầu như chủ tịch các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte, Hanwha, Hanjin, Hyosung…

Trong đó, lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ lớn trong chuỗi cung ứng về công nghiệp bán dẫn như Synopsys, Marvell, Amkor Technology,... đã bày tỏ mong muốn hợp tác đổi mới công nghệ sáng tạo, đầu tư sản xuất vào Việt Nam.

Việt Nam đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp chính sách hiệu quả nhằm thu hút vốn đầu tư, chuẩn bị nhân lực đón các “đại bàng” trên khắp thế giới về “làm tổ”.

Dẫn chứng là Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn tới năm 2023. Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn tới năm 2030, mục tiêu đạt 50.000 nhân lực bán dẫn trong thời gian tới.

Trong năm 2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), tại Hòa Lạc, Hà Nội đã được đưa vào vận hành. Đây là nơi tổ chức những hoạt động góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững theo sự đổi mới về khoa học, công nghệ.

Ngoại giao Việt Nam mang về những kế hoạch hàng tỷ đô
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Hòa Lạc đã được đưa vào vận hành.

NIC đã ký kết hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence, mục tiêu thành lập các trung tâm nghiên cứu.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết và giao Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với 30 trường đại học hàng đầu cả nước để triển khai chương trình này; Ký hợp tác với Đại học Arizona - trường đào tạo lớn nhất tại Mỹ về ngành bán dẫn…

Cũng trong năm 2023, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 8, 2 bên động thổ bốn khu công nghiệp VSIP mới. Phía Singapore có ý định đầu tư thêm cho 6 khu công nghiệp nữa. Hiện Việt Nam đang có 14 khu công nghiệp VSIP hoạt động rất hiệu quả.

Ngoại giao Việt Nam mang về những kế hoạch hàng tỷ đô
14 khu công nghiệp VSIP trên khắp cả nước vẫn đang hoạt động ổn định, hiệu quả.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore - Ông Mai Phước Dũng cho biết, Singapore mạnh về kinh tế tài chính và số hoá; Việt Nam phải tranh thủ tiềm năng, lợi thế của các công ty Singapore nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Singapore nói chung. Theo ông Dũng, 2 bên đang bàn bạc để ký hiệp định về tín chỉ carbon.

Singapore đang muốn đầu tư vào một dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam. Đây là dự án liên doanh giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) với Sembcorp ở Singapore.

Việt Nam đã cấp phép khảo sát cho PTSC nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long. Tháng 10/2023, Singapore ra điều kiện để cho Sembcorp tiến hành thỏa thuận, dự kiến dự án sẽ triển khai vào giai đoạn 2024-2033 với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD.

Thu hút quỹ đầu tư trăm tỷ USD

Sở hữu lợi thế về môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và thông thoáng, Việt Nam trong thời gian gần đây đã trở thành “mảnh đất” đầy tiềm năng, thu hút nhiều sự quan tâm đặc biệt của các tập đoàn, quỹ đầu tư khổng lồ của các nước trong Hội đồng GCC, đặc biệt là các quỹ đầu tư hàng trăm tỷ USD từ Ả-rập Xê-út, Qata, UAE.

Đơn cử, quỹ đầu tư công Ả-rập Xê-út (PIF) có số vốn ước tính lên tới 620 tỷ USD, đã đầu tư vào Việt Nam 160 triệu USD thông qua hình thức đầu tư gián tiếp. Hiện PIF đang tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác với đối tác Việt Nam nhằm đầu tư vào những dự án lớn về phát triển hạ tầng.

Ông Đặng Xuân Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út nhìn nhận, Việt Nam có thể tận dụng nguồn tài nguyên từ những quỹ đầu tư công tại Trung Đông, như ADIA, KIA, PIF, QIA… vì họ đang có kế hoạch đa dạng địa điểm đầu tư, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ hay EU thì còn mở rộng ra các khu vực khác, như Châu Á. Các quỹ cũng đa dạng hóa danh mục đầu tư, mở rộng ra hướng công nghệ mới, AI, fintech và blockchain, công nghệ sinh học./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024