ISSN-2815-5823

Nông sản dư thừa, giá giảm sâu

(KDPT) – Báo cáo của Tổ công tác 3430 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT) đối với 22 địa phương phía Bắc cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá nông sản giảm. Trong khi đó, giá vật tư sản xuất tăng từ 10 – 40% so với thời điểm đầu năm 2021 tùy từng địa phương và đang có xu hướng tiếp tục tăng.

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nông sản (ảnh minh họa)

Theo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm. Giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng (tăng 10-40% so với đầu năm 2021 tùy địa phương và đang có xu hướng tăng).

Cụ thể, tại tỉnh Lào Cai, giá rau xanh giảm 1.000-2.000 đồng/kg, tiêu thụ chậm so với mọi năm. Đặc biệt, mặt hàng chuối xanh từ nay đến cuối năm thu hoạch khoảng 17.500 tấn, tập trung từ tháng 9 đến 11-2021 nhưng hiện tại Trung Quốc dừng nhập khẩu chuối nên có thể khó khăn trong tiêu thụ. Dự kiến, trong tháng 9 sẽ thu hoạch 2.000 tấn, cần tìm thị trường tiêu thụ…

Còn tại Nghệ An, hiện nay có khoảng 600.000 con lợn trọng lượng từ 75kg trở lên. Giá thịt lợn hơi xuống thấp, giá lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi trong tỉnh là 55.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành. Năng suất, sản lượng rau củ quả đều tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi nhưng thị trường tiêu thụ trong nước giảm, dồn vụ thu hoạch, liên kết sản xuất còn hạn chế nên việc tiêu thụ một số loại rau củ quả đang gặp khó khăn (bí xanh, dưa hấu).

Tại Lai Châu, Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu dẫn đến sản lượng chuối tồn đọng đến nay khoảng 3.000 tấn, sản lượng dự kiến thu hoạch trong tháng tới là 4.000 tấn. Đối với mặt hàng chè khô tồn kho khoảng 2.400 tấn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sơ chế chè. Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng còn hạn chế.

Tại Thái Nguyên, giá chè qua chế biến các loại giảm khoảng 10 – 15%; giá thịt lợn hơi giảm từ 20.000 – 30.000 đồng/kg; việc cung ứng, tiêu thụ rau của một số HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do các bếp ăn tập thể, nhà hàng đóng cửa khiến việc tiêu thụ giảm. Hiện nay một số loại nông sản đang đến vụ thu hoạch như: Na (6.500 tấn), nhãn (5.500 tấn), sản lượng lớn tập trung tại một số địa phương như: Võ Nhai, Đồng Hỷ…. cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cho người dân.

Về lưu thông, cung ứng hàng hóa vật tư nông nghiệp trong địa phương đến nay, đã cơ bản bình thường, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh. Tuy nhiên, một số địa phương phải nhập vật tư nông nghiệp từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài thì gặp khó khăn trong lưu thông.

Cụ thể, giá phân bón tăng từ 20 – 50% so với cùng kỳ năm 2020; thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khoảng 30% so với đầu năm 2021 và tiếp tục xu hướng tăng do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng; thức ăn thủy sản tăng 20-30% so với cùng kỳ do giá nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài tăng; một số sản phẩm thú y tăng nhẹ; giá thuê nhân công lao động tăng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước thực trạng khó khăn trong tiêu thụ nông sản ở các tỉnh phía Bắc, Bộ tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp. Bộ tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình sản xuất, chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và vật tư nông nghiệp phục vụ tại chỗ…

Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán với các cơ quan hữu quan Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp. Đàm phán song phương với các nước đang xuất siêu nguồn thức ăn chăn nuôi sang Việt Nam có chính sách ưu đãi về thương mại trong trao đổi mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với Việt Nam, trước hết là ngô, lúa mỳ, đậu tương, đậu khô, DGGS, cám chiết ly từ thị trường Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Australia, Ucraina, Nga…..

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong vận chuyển vật tư nông nghiệp đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra ở cả 2 khâu vào và ra khu vực trại chăn nuôi tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi trên địa bàn.

PHƯƠNG THÚY



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024