ISSN-2815-5823
Trọng Nghị
Thứ sáu, 15h39 29/07/2022

Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững ở Tây Nguyên: Tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng

(KDPT) - Bài 1: Các chuyên gia cho rằng, Tây Nguyên phải giữ bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện có để phát triển kinh tế bền vững. Song song với đó, phải đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn bởi loại rừng này có giá trị kinh tế cao, tính đa dạng sinh học, khả năng giữ đất, giữ nước đảm môi trường sống toàn diện.
Các chuyên gia thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tìm hiểu đời sống của người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng để tìm phương án hỗ trợ.

Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có

Trong những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, thực tế rừng vẫn mất và bị lấn chiếm nghiêm trọng. Nên vấn đề đặt ra là làm sao để bảo vệ rừng an toàn trước những hành vi xâm phạm của lâm tặc đang ngày đêm nhóm ngó, chờ cơ hội để tàn phá. Những ngày gần đây, chúng tôi trở lại các khu rừng của một số địa phương từng là điểm nóng của nạn phá rừng như; xã Ia Rsai, xã Chư Đrăng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) nhưng không thấy bóng dáng của hành vi xâm hại rừng. Lân la bắt chuyện với một số người dân, họ kể rằng thời gian qua, cơ quan chức năng làm rất gắt, hễ gặp là bắt nên lâm tặc ai cũng khiếp, buộc phải giải nghệ để tìm hướng mưu sinh khác.

Theo Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI - Bộ NN-PTNT) đánh giá, rừng Tây Nguyên có vai trò quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực mà còn cho các tỉnh duyên hải Miền Trung, miền Đông Nam bộ. Hiện nay, rừng Tây Nguyên không chỉ suy giảm về số lượng mà còn giảm về chất lượng. Do đó, ngay từ bây giờ, ngành chức năng phải có giải pháp căn cơ để khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nào sang mục đích khác.

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo cho biết, sau 1 năm tuyên chiến với lâm tặc: Năm 2021, trên địa bàn có khoảng 1077 đối tượng hành nghề lâm tặc trong đó có13 đối tượng là cốt cán chuyên tâm hành nghề phá sơn lâm. Đến nay, họ đã giải nghệ làm nông sản hoặc rời khỏi địa bàn. Chỉ còn một vài trường hợp, thỉnh thoảng làm lén lút chứ không còn công khai, quy mô như hồi xưa. “Phương pháp bảo vệ rừng của chúng tôi là để chống lâm tặc thì việc đầu tiên phải biết lâm tặc là ai, ở đâu. Do đó, chúng tôi đã đi thống kê từng lâm tặc để nắm, theo dõi. Nhiệm vụ chống lâm tặc thì cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là cấp xã vì địa bàn họ quản lý sẽ biết rõ ở đâu có lâm tặc. Tuy nhiên, cấp xã có tâm lý là bắt nhiều thì sợ bị kỷ luật nên nhiều lúc có suy nghĩ che giấu. “Tôi cũng động viên xã bắt được sẽ khen thưởng chứ không kiểm điểm kỷ luật, vì thế, thời gian qua, việc chống lâm tặc triển khai rất quyết liệt. Các đối tượng sau khi bị bắt sẽ tịch thu hết phương tiện dẫn đến không có phương tiện vào rừng để chặt phá”, ông Thảo nói.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PNTTN Gia Lai chia sẻ, thời gian đến, để bảo vệ rừng, đơn vị vận động dân tố giác các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; tăng cường lực lượng kiểm lâm về cơ sở để hỗ trợ chủ rừng tuần tra, truy quét ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm ngay tại gốc. Bên cạnh đó, tiến hành bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên bằng các biện pháp lâm sinh như cải tạo rừng, khoanh nuôi, tái sinh, nuôi dưỡng, làm giàu rừng. Ngoài ra, đơn vị cũng tìm cách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành lâm nghiệp một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tỉnh Đắk Nông ra quân trồng gần 3 triệu cây xanh trong năm 2022.

Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian còn lại của năm 2022, tỉnh sẽ tập trung rà soát, xử lý các vụ phá rừng, trước mắt tập trung xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đam Rông, phấn đấu trong năm 2022, giảm 20% trở lên về số vụ, diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đơn vị vừa ban hành kế hoạch Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thời gian đến, các đơn vị liên quan sẽ quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, trong đó người đứng đầu chịu trách nhiệm chính. Bên cạnh đó, các địa phương, ngành sẽ đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng, đảm bảo rừng có chủ thực sự; đẩy nhanh điều tra các đối tượng vi phạm trong các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng thời gian qua, nhất là các đối tượng cầm đầu để răn đe.

Thạc sĩ Lê Đình Nam, Phó trưởng Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, để giữ rừng Tây Nguyên, ngành chức năng phải có cơ chế đặc thù cho lực lượng bảo vệ rừng, phải đảm bảo cho người lao động có thu nhập ổn định, tương xứng với mức độ đặc thù của công việc thì lực lượng bảo vệ rừng mới chuyên tâm vào công việc giữ rừng. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ thu hút sinh viên theo học ngành lâm nghiệp như miễn giảm học phí; có hệ số lương theo đặc thù của ngành; tạo điều kiện việc làm cho sinh viên ra trường. Như vậy mới có thế hệ kế nhiệm cho ngành lâm nghiệp trong tương lai.

Đẩy mạnh trồng rừng để phát triển kinh tế toàn diện

Ngoài bảo vệ rừng tự nhiên, các tỉnh Tây Nguyên đang nâng cao độ phe phủ rừng bằng việc đẩy mạnh trồng rừng trên đất trống, thậm chí cương quyết thu hồi diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng.

Đi dọc Quốc lộ 28 đoạn qua xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vào sáng một ngày cuối tháng 6, ập vào mắt là 2 bên đường, những cánh rừng thông non xanh mọc trải dài qua những triền núi cao trập trùng. Qua đó, có thể thấy rừng thông này mới xuống giống vào đầu mùa mưa. Hiện rễ đã bám sâu, cây đã khỏe mạnh vươn mình trong nắng. Những giọt sương rơi đọng ướt ngọn thông, cộng với triền đồi trùng điệp, nên nhiều thực khách ghé bên vệ đường chụp ảnh lưu niệm, gương mặt ai cũng rạng rỡ, vui tươi. Ông Đinh Văn Nam, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Công ty Quảng Sơn) cho biết, khu vực thông trên do đơn vị mới trồng. Phần đất này có diện tích khoảng 35 hécta, lúc trước bị dân lấn chiếm, vừa qua UBND huyện cưỡng chế, thu hồi và giao cho đơn vị để trồng rừng thông ba lá nhằm tái sinh lại rừng cảnh quan trên quốc lộ. Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cương quyết: “Nếu người dân tái lấn chiếm tại vị trí vừa bị thu hồi giao cho Công ty Quảng Sơn trồng rừng, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu trồng 2,9 triệu cây xanh. Trong đó, trồng rừng tập trung 1,4 triệu cây; nông lâm kết hợp 302.000 cây; trồng cây phân tán 240.000 cây và trồng cây đa mục đích 927.000 cây. Ngoài việc cố gắng hạn chế hết mức tình trạng phá rừng, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng 1 tỷ cây xanh theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Kon Tum, UBND tỉnh cho biết, đã có kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2022-2025, trong đó phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng thêm được 15.000ha rừng, nâng độ che phủ lên 64%. Để thực hiện, tỉnh đã giao Sở NN-PNTTN chỉ đạo quản lý chặt chẽ cây giống, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng đảm bảo yêu cầu. Các địa phương chủ động rà soát, xác định diện tích đất đưa vào trồng rừng hằng năm; quy hoạch ít nhất 1 vườn ươm để chủ động cây giống, đảm bảo chất lượng nguồn giống đưa vào trồng rừng cũng như phân công trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên ra quân trồng rừng, đảm bảo lợi ích kinh tế và môi trường

Còn tại Gia Lai, trong 2 năm 2020-2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí hỗ trợ trồng rừng từ Trung ương nhưng bằng nguồn lực của tỉnh, của huyện, doanh nghiệp và người dân, toàn tỉnh đã trồng được hơn 12.906 hécta rừng. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, sắp tới, đơn vị có hướng truyên tuyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân trong việc trồng rừng sản xuất, phòng hộ, từng bước nâng tỷ lệ diện tích rừng trồng bằng các loài cây gỗ có năng suất cao, chất lượng tốt. Cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, ưu tiên các nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh.

Thạc sĩ Lê Đình Nam đánh giá, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực trồng rừng nhưng hầu hết là rừng gỗ nhỏ, giá trị mang lại chưa cao, tính đa dạng sinh học còn thấp. Trong khi đó, rừng gỗ lớn có giá trị và tính đa dạng sinh học và khả năng giữ đất, giữ nước lớn hơn gỗ nhỏ thì người dân, doanh nghiệp các tỉnh còn ít tham gia trồng vì thời gian thu hoạch lâu. Tuy nhiên Thạc sỹ Nam cho rằng, bây giờ đã có cây giống ghép, giống mới nên đối với rừng gỗ lớn, đã thu ngắn được thời gian thu hoạch. Do đó, việc đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn là rất cần thiết và quan trọng. Các tỉnh cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng gỗ lớn. Muốn thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng gỗ lớn, các tỉnh cần phải có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển rừng gỗ lớn như hỗ trợ về nguồn vốn, cây giống và các chính sách hỗ trợ khác.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, vừa qua, chúng tôi phối hợp với Bộ NN-PTNT và một số tỉnh Tây Nguyên thực hiện dự án Quản lý cảnh quan bền vững thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông. Dự án sẽ hỗ trợ phát triển và quản lý rừng bền vững ở Tây Nguyên cũng như việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, dự án sẽ xây dựng và thí điểm cách tiếp cận tích hợp trên hệ sinh thái rừng, tạo nguồn thu từ rừng, nhằm giữ người nông dân ở lại mảnh đất của mình và tăng thu nhập của họ một cách bền vững, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng.

Đây là cách tiếp cận tổng hợp nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên một địa bàn mà không gây mất rừng, đã được thế giới công nhận. Dự án được Chính phủ Việt Nam đánh giá là sáng kiến quan trọng, phù hợp nhằm đóng góp trực tiếp và thúc đẩy việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững, các chiến lược và cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/10/2024