ISSN-2815-5823
Thứ hai, 06h06 13/11/2023

Quy định EPR: Tăng trách nhiệm tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

(KDPT) - Quy định EPR - tăng trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, có hiệu lực từ đầu năm sau sẽ là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại Việt Nam.
Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu Dệt may Việt Nam chuyển đổi xanh theo tiêu chí LEED để thu hút đơn hàng xuất khẩu

Quy định thực hiện EPR

Chuyển đổi sản xuất xanh, tăng trưởng xanh đã không còn là trào lưu "làm đẹp" cho hình ảnh doanh nghiệp, mà đã trở thành tiêu chí bắt buộc cho sản phẩm khi vào các thị trường lớn của thế giới.

Ngay từ đầu năm 2024, quy định thực hiện EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường, sẽ chính thức có hiệu lực. Doanh nghiệp sản xuất thay vì chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, từ năm sau sẽ là trách nhiệm bắt buộc. Quy định này được đánh giá sẽ là cú hích cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Nếu mô hình kinh tế tuyến tính như thông thường chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín. "Tuần hoàn" ở đây là phụ phẩm đầu ra của khâu sản xuất này cần được sử dụng để làm đầu vào của khâu sản xuất khác, từ đó hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường.

Như vậy có thể thấy khi doanh nghiệp thực hiện EPR - tăng trách nhiệm tái chế với sản phẩm, sẽ tạo động lực để ngày càng nhiều càng phụ phẩm được thu gom để mang đi tái chế, tạo ra giá trị kinh tế mới, thay vì chỉ bị đưa ra bãi rác.

Theo các nghiên cứu quốc tế, nền kinh tế tuần hoàn được dự báo sẽ cộng thêm khoảng 4,5 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2030.

Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế

Để thực hiện trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp sản xuất sẽ chọn 1 trong 2 cách. Cách 1 là tổ chức tái chế bằng nhiều cách khác nhau: tự tái chế, thuê đơn vị khác tái chế, hoặc ủy quyền cho 1 bên thứ 3 thực hiện. Cách 2 là đóng phí tái chế vào quỹ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hiện tại phía doanh nghiệp gặp không ít lúng túng khi triển khai.

Một vỏ hộp sữa gồm 3 thành phần: nhôm, nhựa và bột giấy. Khi đến nhà máy xử lý, phần bột giấy sẽ được xử lý để lắng lọc. Phần nhôm và nhựa sẽ được tách ra làm các tấm lợp.

Khi doanh nghiệp thực hiện EPR sẽ tạo động lực để ngày càng nhiều càng phụ phẩm được thu gom để mang đi tái chế, tạo ra giá trị kinh tế mới. (Ảnh minh họa)

Nguồn nguyên liệu của nhà máy giấy phần lớn đến từ các vựa ve chai hay công ty dịch vụ công ích. Những năm gần đây có sự tham gia của các tổ chức trung gian thực hiện tái chế tự nguyện cho một số doanh nghiệp sản xuất, như thông qua Liên minh tái chế bao bì - PRO Việt Nam. Chỉ trong năm 2022, các nhà sản xuất đã thu gom và tái chế hơn 3.000 tấn rác bao bì.

Dù đã có kinh nghiệm tổ chức tái chế, nhưng để thực hiện EPR từ đầu năm sau, doanh nghiệp vẫn để ngỏ khả năng phải chọn phương án đóng phí tái chế.

"Đa dạng các hình thức tái chế khác nhau. Hình thức đóng phí với chúng tôi là sự lựa chọn cuối cùng. Bởi chúng tôi mong muốn làm sao có thể phối hợp với các đơn vị tái chế xử lý vấn đề bao bì và rác thải nhựa. Trong trường hợp một số loại bao bì chưa có hệ thống tái chế phù hợp, chúng tôi sẽ lựa chọn hình thức đóng phí.", ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam, cho biết.

Đối với phương án đóng phí tái chế, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra dự thảo mức phí, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị rằng mức phí đang cao, có thể gây ra gánh nặng tài chính trong lúc kinh tế đang khó khăn.

Giới chuyên gia cũng cho rằng cơ quan quản lý cần sớm ban hành một phương án hài hòa để doanh nghiệp kịp lên kế hoạch triển khai.

Kết quả khảo sát cách đây 2 năm của Viện Chiến lược, Chính sách và Tài nguyên Môi trường cho thấy, hơn 48% doanh nghiệp đã đồng thuận về việc áp dụng EPR. Tuy vậy theo giới chuyên gia, các quy định cụ thể liên quan đến tỷ lệ, quy cách tái chế, hay đóng phí tái chế… vẫn chưa được doanh nghiệp nhận thức đầy đủ./.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là gì?

Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR) là cách tiếp cận của chính sách Môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.

EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải.

HƯƠNG LAN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024