ISSN-2815-5823
Thứ hai, 08h30 19/03/2018

Sử dụng công nghệ nano trong nông nghiệp, tại sao không?

(KDPT) – Năm 2018, công nghệ nano không còn là thứ gì quá xa lạ với thế giới trong giai đoạn Công nghiệp 4.0 phát triển vượt bậc. Ngoài các lĩnh vực như y tế, may mặc, điện tử,… thì việc ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp đang được xem là hướng đi mới để phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, kinh tế bền vững. Tại Viện Hàn Lâm Khoa học và Công Nghệ Việt Nam bước đầu triển khai ứng dụng công nghệ nano trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản sau khi hoàn thành quy trình nghiên cứu công nghệ này.

Giai đoạn thử nghiệm
Trước khi phổ biến rộng rãi, thử nghiệm là giai đoạn cần thiết để đi đến kết luận có nên ứng dụng công nghệ này vào nông nghiệp hay không. Để “kiểm chứng”, Viện Hàn Lâm KH và CN cùng một số viện, trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành dự án thử nghiệm phun lên lá các hạt nano vi lượng tạo thành phân bón cho cây trồng. Dự án triển khai từ năm 2015, đến nay đã thử nghiệm tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước, chủ động được quy trình công nghệ chế tạo vật liệu nano và có kết quả ứng dụng khả quan.
Tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) là nơi trồng thử nghiệm 1 ha đậu tương sử dụng phân bón lá nano. Trong đợt trồng vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của cơn bão số 12, nên đậu tương gieo hạt muộn, đất trồng cũng không được chăm sóc kỹ như mọi lần; Tuy nhiên, cây đậu tương vẫn sinh trưởng ổn định, năng suất cao, chất lượng đậu tốt hơn hẳn những vụ mùa trước. Theo lời của những người nông dân tham gia trồng thử nghiệm, phân bón lá nano giúp cho chất lượng cây cải thiện, phát triển tốt hơn, tiết kiệm được thời gian và đem lại hiệu quả kinh tế. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bước đầu thành công trong việc ứng dụng thực tế công nghệ nano vào nông nghiệp.

Áp dụng công nghệ nano trong nông nghiệp ở Việt Nam đang phát triển từng ngày.

Nhỏ nhưng có võ
Trước hết, phải hiểu hạt nano vi lượng đóng vai trò như một yếu tố kích thích sinh học chứ không phải loại thuốc tăng trưởng rẻ tiền nhập khẩu từ Trung Quốc. Lấy ví dụ, trong quá trình sinh hóa của cây trồng, bình thường nó sẽ phát triển theo tự nhiên, nhưng khi có tác động của nguyên tố vi lượng có kích thước nano sẽ đánh thức tiềm năng và cây sẽ phát triển ở mức độ khác. Khi phun lên lá các hạt nano vi lượng, lá cây sẽ hấp thụ và cây được bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết, như vậy cây sẽ phát triển tốt và đem lại năng suất cao hơn. Cũng giống như người tập gym, để cải thiện cơ bắp và sức khỏe thì họ sẽ sử dụng thực phẩm chức năng như Whey Protein hay Mass vậy!
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Châu, Chủ nhiệm dự án, sản phẩm phân bón lá nano cho cây xứ nhiệt đới như ở Việt Nam hiện vẫn chưa có trên thị trường. Các nước châu Âu là xứ lạnh, ánh nắng ít, cho nên công thức chế phẩm sẽ khác so với công thức dành cho cây xứ nhiệt đới. Ưu điểm của việc sử dụng phân bón lá nano là khả năng hấp thụ của cây trồng cao hơn so với các loại phân bón lá truyền thống vì kích thước nhỏ, dễ phân tán, bám dính trên lá. Chỉ vài mi-li lít vật liệu nano có thể bón cho nhiều héc-ta cây trồng. Nhờ vậy, có thể giảm lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, thời gian, tăng năng suất và đặc biệt không gây hại môi trường sinh thái.
Cuộc cách mạng về công nghệ nano trong nông nghiệp hiện đang rất phát triển tại Việt Nam. Các nhà khoa học Việt Nam đang nỗ lực tích cực tìm ra những giải pháp bắt kịp xu thế này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong tương lai và ổn định kinh tế Việt Nam nói chung. Các sản phẩm nano hiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau cũng như trong nuôi trồng thủy, hải sản.

Ngọc Duy



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024