ISSN-2815-5823

Thừa Thiên Huế: Tình quân dân nơi đầu sóng

(KDPT) – Diện tích không lớn (khoảng 160ha), nhưng đảo Ngọc (Sơn Chà) tại Thừa Thiên Huế (nằm dưới chân đèo Hải Vân) lại có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đối với nước ta nói chung và địa phương nói riêng. Tại đây, tình cảm giữa người dân và cán bộ chiến sĩ biên phòng đóng trên đảo luôn được mọi người “hun đúc”.

Từ những chuyến hàng thực phẩm

Trong ngày thời tiết thuận lợi, từ vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đi ca nô mất khoảng 20 phút là đến đảo Ngọc. Hòn đảo nằm dưới chân đỉnh Hải Vân hiện ra với những nét hoang sơ của thảm thực vật và bãi cát vàng uốn quanh cùng mặt nước biển màu ngọc bích khiến nhiều người khám phá ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lung linh còn ít người biết đến.

Một góc đảo Ngọc (Sơn Chà) Thừa Thiên Huế

Trung úy Nguyễn Hữu Tráng, KSV Trạm Biên phòng đảo Sơn Trà (đảo Ngọc) thuộc Đồn Biên phòng Lăng Cô (huyện Phú Lộc – Thừa Thiên Huế) cho biết, mùa này biển đẹp (từ tháng 3 đến tháng 7), anh em chiến sĩ ở trên Đảo còn có “những chuyến hàng nhu yếu phẩm” thường xuyên của bà con đánh bắt hải sản cũng như ca nô du lịch mang ra, còn mùa biển động thì cả tuần mới có một chuyến.

Trụ sở Trạm Biên phòng trên đảo Sơn Chà

Được trung úy Tráng dẫn đi khám phá quanh đảo, mới thấy được sự bền bỉ, kiên cường của các chiến sỹ, ngoài nhiệm vụ chính tại Đảo, từ những mỏm đá, dốc đứng… các anh cải tạo thành vườn rau, ao cá và cả một khuôn viên với cây mát quanh năm. Chỉ tay về những luống rau xanh mơn mởn, trung úy Tráng chia sẻ, ngoài rau ra, đơn vị còn nuôi thêm gà để cải thiện bữa ăn cho anh em trong những ngày biển động (không có tàu thuyền ghé lại). “Vẫn biết anh em trên đảo tự tăng gia được thực phẩm nhưng nhiều thứ vẫn phải mang từ đất liền ra”, trung úy Tráng cho biết thêm.

Đến tình quân dân nơi đầu sóng

Cầm bì thực phẩm vừa nhận được từ tàu của ngư dân ghé đảo, vừa đi lên trụ sở trạm, trung úy Tráng chia sẻ, ngoài việc thường xuyên nhờ bà con ngư dân và ca nô du lịch chuyển thực phẩm, anh em chiến sĩ trên đảo còn nhận được tình cảm của bà con qua những con tôm, con cá mà họ mang cho mỗi khi ghé đảo lấy nước ngọt và thăm anh em. “Hiện tại, để thuận tiện cho bà con ngư dân lấy nước ngọt tại đảo, đơn vị đã làm hệ thống đường ống dẫn nước ngọt từ trên đỉnh xuống sát mặt nước, mong phần nào đỡ sức cho bà con”, trung úy Tráng cho biết thêm.

Bà con ngư dân (tại Lăng Cô – Thừa Thiên Huế) đánh bắt hải sản quanh đảo

Anh Nguyễn Trường Hải, ngư dân địa phương cho biết, mình đánh bắt hải sản quanh khu vực hòn Chảo (đảo Sơn Chà), cũng hay ghé đảo chơi, nhiều lúc thuyền bị chết máy, hay gặp sự cố do những ngày thời tiết bất lợi lại nhờ các anh kéo vô để sửa chữa. “Ngư dân chúng tôi cũng hay đổi cá lấy rau với các anh bộ đội sống trên đảo”, anh Hải chia sẻ với khuôn mặt rám nắng và nụ cười hóm hỉnh.

Tàu của ngư dân vào đảo lấy nước ngọt

Ngoài tình cảm của cán bộ chiến sỹ trên đảo Ngọc và ngư dân địa phương đánh bắt hải sản xung quanh đảo, mỗi khi có tín hiệu cứu trợ, cứu nạn tìm kiếm tàu thuyền, người mất tích,… Trạm Biên phòng đảo Sơn Chà lại tham gia, phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương trong công cuộc bảo vệ cuộc sống của người dân. Tất cả những tình cảm đó như ngọn lửa “hun đắp” tình cảm của cán bộ chiến sỹ trên đảo và người dân địa phương ngày càng đằm thắm hơn.

Theo báo điện tử Công thương



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024