ISSN-2815-5823

Tiếp tục nỗ lực để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam

(KDPT) – Để ngành du lịch đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện 5 vấn đề chính.

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 vừa diễn ra vào ngày 05 và 06/12/2018 nhằm tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề cốt lõi của ngành du lịch Việt Nam để phát triển du lịch chất lượng bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Diễn đàn tập trung vào hai chủ đề “Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng bền vững” và phiên cao cấp với chủ đề “Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững – tầm nhìn 2030” với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch.

Tại diễn đàn, đa phần các ý kiến đều cho thấy ngành du lịch Việt Nam có nhiều thành tựu đáng tự hào. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong giai đoạn 2015 – 2018. Đồng thời, cuối năm 2017, Việt Nam đã thu hút 15 tỷ USD dòng FDI đầu tư vào du lịch, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người. Những thành tích nói trên cho thấy ngành Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập và đòi hỏi phải được xử lý một cách quyết liệt với sự kết hợp giữa các bên liên quan. Cụ thể, thị trường du lịch Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động ngành du lịch Việt Nam chỉ cao hơn lao động phổ thông và chỉ bằng 45% so với Malaysia và 40% so với Thái Lan. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ. Công suất của các sân bay tại các điểm đến như TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phú Quốc đều đang rơi vào tình trạng quá tải. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa được đẩy mạnh, thiếu đồng bộ và thiếu hiệu quả…

Để đạt mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chất lượng với tầm nhìn 2030, Việt Nam cần phải tập trung cải thiện các điều kiện về hạ tầng, kết nối, đặc biệt là tối ưu nguồn lực từ khối tư nhân; tạo thuận lợi cho du khách trong thủ tục nhập cảnh; tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý và sử dụng các hình thức đào tạo mới như trực tuyến; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch với các công cụ của thời đại số; kết nối chuỗi giá trị và sức mạnh tổng hợp của các ngành, lĩnh vực, các đối tác công – tư trong đầu tư, phát triển du lịch; ứng dụng công nghệ số và tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh.

Nguyễn Oanh

(Hợp tác phát triển nội dung cùng Rubix International)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024