ISSN-2815-5823
PV
Thứ tư, 14h13 14/06/2023

Tín hiệu mới từ thị trường tiền tệ, kỳ vọng tích cực cho thị trường bất động sản

(KDPT) - Trước sức ép của thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành giảm áp lực tài chính cho toàn thị trường. Theo giới chuyên gia, về cơ bản khi lãi suất huy động hạ xuống, kéo theo lãi suất cho vay sẽ giảm theo, đi kèm đó là nguồn cung về dòng tiền được đẩy mạnh ra nền kinh tế là kỳ vọng tích cực, khôi phục thị trường bất động sản.

Trong giai đoạn từ 2015-2022, chính sách tiền tệ tại thị trường Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao, xấp xỉ 18-20%. Việc dòng tiền “dễ" đi vào thị trường đẩy giá một số tài sản, kênh đầu tư tăng trưởng khá mạnh. Đặc biệt là thị trường bất động sản, liên tiếp trong nhiều năm tăng trưởng “nóng", duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá bất động sản tăng lên là hoàn toàn phù hợp với nguyên lý kinh tế, thị trường. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, giá bất động sản tại một số địa phương tăng bất hợp lý, gấp nhiều lần so với giá trị đầu tư thực tế, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân. Khủng hoảng thị trường diễn ra, dòng tiền tắc nghẽn, nhiều doanh nghiệp và NĐT bất động sản lao đao với gánh nặng tài chính khi sử dụng đòn bẩy quá nhiều, trong khi lãi suất liên tục lập đỉnh, nhiều người không kịp thoát hàng.

Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất tiền gửi

Trong báo cáo thị trường tiền tệ do VNDirect vừa phát hành cho thấy, trong tháng 5/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ 3 cắt giảm lãi suất điều hành. Dựa trên tình hình lạm phát trong nước hạ nhiệt và tỷ giá ổn định, NHNN đã quyết định điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành kể từ ngày 25/5, như lãi suất tái cấp vốn (giảm 0,5 điểm %), trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tới dưới 6 tháng (giảm 0,5 điểm %)...

Ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi
Ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi.

Như vậy, kể từ đầu năm 2023, NHNN đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành, theo đó lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm % xuống 3,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm 1 điểm % xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với một số hoạt động kinh tế giảm 1 điểm % xuống 5,0%/năm. NHNN cũng giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng và từ 1 tháng tới dưới 6 tháng lần lượt 0,5 điểm % và 1 điểm % xuống mức 0,5%/năm và 5,0%/năm.

Và khảo sát từ đầu tháng 6, có hơn chục ngân hàng tư nhân tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất, nối dài đà giảm trong vài tháng gần đây.

Lãi suất tiết kiệm bình quân tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1,5% điểm % so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành (25/5). Còn nếu so với cuối năm ngoái, lãi suất huy động tại các nhà băng đã được điều chỉnh giảm 2-2,5 điểm %.

Hàng loạt ngân hàng tư nhân hạ tiếp lãi suất huy động trong tháng 6 có thể kể đến như VPBank, SCB, Techcombank, TPBank, NamABank, Saigonbank… Những nhà băng này hạ lãi suất thêm 0,2-0,7 điểm % ở tất cả kỳ hạn gửi tiền.

Trước đó, trong tháng 5, nhiều ngân hàng cũng đã có 2 đợt điều chỉnh lãi đầu vào. Việc tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 6, cho thấy các nhà băng đang "đua" thiết lập mặt bằng lãi suất mới. Với kỳ hạn 12 tháng, số nhà băng để mức lãi trên 8%/năm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Kỳ vọng mới cho thị tường bất động sản?

Theo giới chuyên gia, vai trò quan trọng nhất của việc hạ lãi suất ở bối cảnh hiện tại chính là hồi phục thanh khoản thị trường bất động sản. Bởi thanh khoản của thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản sẽ chuyển động theo làn sóng hạ lãi suất.

Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng, mức điều chỉnh lãi suất còn “khiêm tốn” so với nhu cầu mong muốn của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp nên thanh khoản toàn thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét.

Lãi suất giảm là lực đẩy giúp thanh khoản thị trường tốt hơn
Lãi suất giảm là lực đẩy giúp thanh khoản thị trường tốt hơn.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ khi nào lãi suất trung bình giảm xuống mức 8% thì khi đó thị trường bất động sản mới có phản ứng tích cực, thanh khoản mới bắt đầu đi lên. Bởi 8% là con số nằm trong khả năng chi trả lãi vay của nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư chấp nhận sử dụng đòn bẩy tài chính.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay: "Lãi suất cao và nguồn cung tài chính hạn chế khiến những người mua bất động sản không bằng tiền của mình phải đi huy động vốn gặp khó khăn. Như vậy, những người mua với góc độ nhà đầu tư không thể tham gia vào bất động sản khiến cho cầu về một số phân khúc hạn chế. Việc giảm lãi suất của các ngân hàng được kỳ vọng đem tới tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tôi cho rằng chính sách quan trọng nhất giai đoạn này là gỡ khó về pháp lý, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư bất động sản".

Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị mong muốn về việc Nhà nước nên có quy định, điều kiện vay vốn riêng cho ngành, xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của các doanh nghiệp.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/05/2024