Ngân hàng vẫn là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho ngành BĐS

Khó khăn trong ngành BĐS và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay vẫn chưa được giải quyết, và điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu…

Theo khối phân tích VNDIRECT, mặc dù không có "quy định/văn bản chính thức" nào liên quan đến việc thắt chặt dòng tín dụng vào thị trường BĐS, nhưng cho vay BĐS đã chậm lại với mục đích kìm hãm đà tăng nóng của thị trường này kể từ năm 2021. Theo Thông tư 08/2020, tỷ lệ tối đa lấy vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% từ ngày 1/10/2022 trở đi; và giảm còn 30% từ ngày 1/10/2023. Do cho vay BĐS thường là các khoản vay trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ không để dư nợ cho vay BĐS tăng lên quá mạnh trong danh mục tín dụng.

Nguồn: VNDIRECT
Nguồn: VNDIRECT

Do vay vốn từ ngân hàng đã trở nên khó khăn hơn, thị trường TPDN đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ kể từ 2020-2021 như một kênh dẫn vốn thay thế cho nguồn vốn từ ngân hàng đối với các doanh nghiệp BĐS. Theo HNX, cuối 2022, giá trị TPDN của BĐS chiếm 35% trong tổng giá trị TPDN được phát hành.

Kể từ Q2/2022, Chính phủ đã bắt đầu giám sát chặt chẽ thị trường TPDN, đặc biệt là sửa đổi Nghị định 153. Trong ngắn hạn, thị trường đã chứng kiến hàng loạt vụ điều tra, trong đó có nhiều trường hợp phát hành sai mục đích/sai quy định, và một số lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ. Điều này đã làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với các tổ chức phát hành và dẫn đến sự “tẩy chay” đối với thị trường TPDN. Do đó, các chủ đầu tư đã thật sự gặp khó khăn trong việc huy động qua kênh TPDN. Tổng giá trị phát hành TPDN đã giảm rất mạnh 63% so với cùng kỳ (svck) và con số này là 78% svck đối với TPDN BĐS.

Mặt khác, lãi suất cho vay đã tăng rất mạnh trước bối cảnh vĩ mô khó khăn, đặc biệt trong nửa cuối 2022. Cùng với giá nhà ở ở mức cao, nhu cầu mua nhà đã sụt giảm đáng kể và dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nguồn cung căn hộ mới ở TPHCM và Hà Nội trong Q4/22 lần lượt sụt giảm 81%/38% svck, dẫn đến lượng tiêu thụ giảm mạnh 80%/63% svck (CBRE).

TPDN gặp khó khăn và doanh số ký bán suy yếu đã khiến cho các chủ đầu tư rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền một cách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lên khả năng trả nợ và theo đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản cũng như là rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong năm nay. Nhắc lại, dù ngân hàng đã hạn chế cho vay BĐS, đây vẫn là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho ngành BĐS khi cho vay BĐS chiếm ~21% tín dụng hệ thống tính đến cuối 2022.

Bên cạnh vấn đề của thị trường BĐS, VNDIRECT cũng nhận thấy một vấn đề khác liên quan đến việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Các DN Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các DN. Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các DN đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn hạn chế trong khi thị trường TPDN gần như đã đóng băng.

Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023. Nghị định 8/2023 mới ban hành được kỳ vọng sẽ giảm bớt một phần những khó khăn nói trên, khi điều luật cho phép các trái phiếu đã phát hành được đàm phán gia hạn thêm thời gian và nới lỏng một số điều kiện phát hành. Những chính sách này nếu được triển khai sẽ giúp giảm áp lực thanh khoản cho các DN BĐS trong ngắn hạn.

VNDIRECT kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12% trong 2023 do thị trường BĐS kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng… Cuối cùng, thanh khoản hạn hẹp (dù đã có phần cải thiện) cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% và cung tiền tăng rất chậm 0,05% so với cuối năm 2022.

Nguồn: VNDIRECT

Bancassurance không còn là “con gà đẻ trứng vàng” trong 2023

Đa phần các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng mạnh phí dịch vụ từ hoạt động banca trong giai đoạn 2020-2022 khi mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đã liên tục đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm qua ngân hàng.

Đối với mảng nhân thọ (phần lớn phí banca của ngân hàng đến từ mảng này), doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua, từ 20% tổng phí khai thác mới trong năm 2018 lên đến 40% vào năm 2021.

Trong 2023, VNDIRECT kỳ vọng tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động banca của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, và theo đó, là nhu cầu mua bảo hiểm.

Tiếp đó, các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động banca giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.

Liên quan đến những thương vụ hợp tác banca gần đây và có thể diễn ra trong thời gian tới, VPB và LPB đã ký hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền lần lượt với AIA và Dai-ichi trong năm 2022. VPB đã ghi nhận 5,5 nghìn tỷ đồng phí trả trước từ thương vụ này trong Q1/22. Trong trường hợp LPB, chúng tôi cho rằng ngân hàng này có thể đã bắt đầu ghi nhận một phần phí trả trước trong Q4/22. Tuy nhiên con số này chưa được LPB công bố chính thức.

Đối với các ngân hàng khác theo khối phân tích VNDIRECT, chỉ có HDB được kỳ vọng sẽ ký hợp đồng banca mới trong năm – nếu xảy ra có thể sẽ ảnh hưởng tốt đến lợi nhuận và cổ phiếu của ngân hàng này.