ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ ba, 14h12 27/02/2024

Big Tech gia nhập thị trường tài chính, các ngân hàng Châu Á phải đẩy nhanh số hóa

(KDPT) - Big Tech tham gia vào thị trường tài chính đã làm tăng thêm tính cạnh tranh và thúc đẩy các ngân hàng chiếm lấy thị phần trong nhiều lĩnh vực. Trước bối cảnh này, các dịch vụ tài chính ở Châu Á đang chịu tác động khá lớn.

Big Tech tích cực gia tăng sức ảnh hưởng của mình trong dịch vụ tài chính trên toàn cầu. Nổi bật là những cái tên lớn toàn cầu như Apple, Amazon, Meta và trong khu vực như Tencent, Alibaba hay Grab. Những “ông lớn” công nghệ đang tận dụng nguồn lực khổng lồ và chuyên môn công nghệ để gia tăng sức ảnh hưởng trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, sự hợp tác với các công ty fintech sẽ giúp họ xây dựng và phát triển được các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo, thuận tiện cho người tiêu dùng. Song, đây cũng là áp lực lớn đè lên các ngân hàng trong khu vực, thúc đẩy họ nhanh chóng chuyển đổi kỹ thuật số để duy trì sức cạnh tranh.

Big Tech tận dụng nguồn lực khổng lồ và chuyên môn công nghệ để gia tăng sức ảnh hưởng trong lĩnh vực tài chính. (Ảnh minh họa)

Sự gia nhập của Big Tech khiến các ngân hàng ngày càng cạnh tranh hơn về thị phần trong nhiều lĩnh vực như thanh toán, đầu tư, cho thay, bảo hiểm… Big Tech có ưu điểm là các sản phẩm cốt lõi được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng, làm đơn giản hóa việc quản lý tài chính.

Thêm vào khả năng cung cấp giá thành cạnh tranh hơn, dịch vụ sáng tạo cùng trải nghiệm cá nhân hóa nhiều sản phẩm ngân hàng truyền thống. Có thể nói, sự tham gia của Big Tech vào dịch vụ tài chính chính là chất xúc tác thúc đẩy các ngân hàng truyền thống nỗ lực để đổi mới.

Công nghệ hỗ trợ ngân hàng số

Big Tech đang thể hiện được sức ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của ngân hàng số tại Đông Nam Á. Ở các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines, cơ quan quản lý của họ gần đây đã cấp phép ngân hàng số mới cho một số tập đoàn công nghệ. Các ngân hàng này có hiệu suất cao khi tận dụng công nghệ để cung cấp ra những dịch vụ mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, với mức giá thấp hơn so với ngân hàng truyền thống.

Các công ty công nghệ đang có lợi thế trong lĩnh vực này nhờ sở hữu nguồn vốn công nghệ khổng lồ cùng lượng dữ liệu thu thập từ người tiêu dùng có thể được sử dụng để phát triển các dịch vụ siêu cá nhân hóa.

Big Tech đang gia nhập vào không gian ngân hàng số một cách mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh hai “ông lớn” công nghệ Trung Quốc là Alibaba và Tencent, thì một công ty Big Tech khác cũng cho thấy sự thành công trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại Châu Á là Kakao của Hàn Quốc. Kakao là công ty mẹ của Kakao Bank - một trong những ngân hàng kỹ thuật số ghi nhận lợi nhuận sớm nhất khu vực.

Tại thị trường Đông Nam Á, có thể kể đến những cái tên chủ chốt đang tham gia vào lĩnh vực dịch vụ tài chính là Sea Group, Grab và GoTo.

Big Tech đang gia nhập vào không gian ngân hàng số một cách mạnh mẽ, có thể tiếp tục gây ảnh hưởng tới các ngân hàng truyền thống trong thời gian ngắn. Bởi, họ có đủ nguồn lực và chuyên môn để phát triển và cung cấp nhiều dịch vụ tài chính thuận tiện với giá cả phải chăng hơn so với các ngân hàng truyền thống. Nhiều nhà băng sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn chuyển đổi số dịch vụ của mình hoặc hợp tác cùng một công ty công nghệ để tránh bị bỏ lại phía sau.

Thay đổi thị trường thanh toán, cho vay

Bên cạnh ngân hàng số, các công ty công nghệ lớn cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như thanh toán, cho vay, thậm chí là bảo hiểm. Ví dụ, một trong những nhà cung cấp thanh toán lớn nhất Châu Á - Ant Group - chi nhánh dịch vụ tài chính của Alibaba và gã “khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc - Tencent cũng là một công ty lớn trong lĩnh vực thanh toán.

Về lĩnh vực cho vay, nhà bán lẻ trực tuyến hỗ trợ công nghệ toàn cầu Amazon triển khai chương trình cho vay đối với các nhà buôn của mình; Alibaba triển khai chương trình cho vay dành cho những doanh nghiệp nhỏ; Ant Group áp dụng các khoản vay vi mô đối với hàng tỷ người tiêu dùng bán lẻ.

Các nhà băng buộc phải đổi mới và thích ứng để gia tăng sức cạnh tranh với các Big Tech. (Ảnh minh họa)

Những chương trình cho vay này được đánh giá là thuận tiện, giá cả phải chăng hơn so với những lựa chọn cho vay của ngân hàng truyền thống, mang đến trải nghiệm cho vay liền mạch ngay khi người tiêu dùng cần.

Bên cạnh đó, sự gia nhập vào lĩnh vực tài chính của Big Tech đã tạo thêm cơ hội mới cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Song, cũng đặt ra một số thách thức thực tế đối với ngành ngân hàng truyền thống. Các nhà băng buộc phải đổi mới và thích ứng để gia tăng sức cạnh tranh với các Big Tech có nguồn vốn dồi dào này.

Dịch vụ tài chính tại Đông Nam Á chịu ảnh hưởng như thế nào?

Các công ty công nghệ sử dụng phạm vi tiếp cận và quy mô rộng của họ để khiến các dịch vụ tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn với những người dùng thường bị loại khỏi hệ thống tài chính. Ví dụ, ngân hàng Maya ở Philippines đã đăng ký 1 triệu khách hàng chỉ trong 5 tháng từ khi vừa ra mắt, họ tận dụng công nghệ để khách hàng mở tài khoản ngân hàng nhanh chóng, dễ dàng mà không cần duy trì số dư tối thiểu.

Các công ty công nghệ cũng tận dụng được khả năng phân tích dữ liệu để cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa. Đơn cử như Amazon Lending sử dụng dữ liệu từ nền tảng riêng để đánh giá uy tín tín dụng và nhu cầu tín dụng, để cho ra một dịch vụ cho vay ngắn hạn dành cho người bán hàng trên Amazon.

Có thể thấy, Big Tech giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ tài chính. Đối với những “ông lớn” công nghệ như PayPal, Amazon, Google hay kể cả công ty phát trực tuyến như Netflix đều phải thông báo tới khách hàng trước khi thực hiện thanh toán chỉ bằng cú nhấp chuột và trong khoảng thời gian phù hợp./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024