ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ tư, 11h00 28/02/2024

"Đốt đuốc" tìm ngân hàng có lãi suất huy động từ 6%/năm

(KDPT) - Trong xu thế giảm lãi suất huy động của các nhà băng, với người gửi thông thường, để có lãi suất 6%/ năm không khác gì mò kim đáy bể. Dự báo, tình hình chưa thể ấm lên trong ngắn hạn.
Bí quyết thu về lợi nhuận cao nhất khi gửi tiết kiệm qua ngân hàng số Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn cơ hội trong năm 2024

"Đốt đuốc" tìm nơi gửi lãi cao

Ngược về thời điểm cách đây 1 năm, vào tháng 1/2023 lãi suất huy động của các ngân hàng đều neo ở mức cao. Thậm chí, có lúc có ngân hàng còn tung ra gói lãi suất huy động lên tới 11-12%/ năm.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Từ tháng 2/2023 các ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất huy động. Đến cuối năm, lãi suất chỉ còn phân nửa so với đầu năm và tình trạng giảm còn tiếp diễn sang 2 tháng đầu năm 2024. Mặc dù ghi nhận một số ngân hàng như Sacombank, Techcombank, ACB có nhích nhẹ lãi suất huy động ngắn hạn nhưng cũng chỉ là tia sáng hiếm hoi, bởi ngay sau đó các ngân hàng này cũng hạ lãi suất hoặc đi kèm các điều kiện khác.

Theo thống kê, hiện hầu hết các ngân hàng đều duy trì mức lãi suất huy động dưới 6%, thậm chí dưới 5%.

Đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cao nhất thị trường hiện nay được VietBank, BaoViet Bank và Nam A Bank duy trì theo hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến lĩnh lãi cuối kỳ là 5,3%/năm.

Thấp hơn một chút có thể kể tới OceanBank (5,1%/năm) và CBBank (5,8%/năm). Tuy nhiên đây cũng là nhóm các ngân hàng thuộc dạng "Top" về lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng. Bởi cũng ở kỳ hạn này, tại SHB, Dong A Bank, HDBank, Viet A Bank, VPBank, Sacombank, LPBank và Saigonbank chỉ đang niêm yết ở mức 5%.

Ở thời điểm cuối tháng 2/2024, lãi suất huy động ở kỳ hạn 1-2 tháng tại các ngân hàng dao động từ 2-3%/năm. Cá biệt, mức lãi suất niêm yết kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank và Agribank chỉ 1,7%/năm, thấp nhất hệ thống.

Đối với kỳ hạn 6 tháng, trên thị trường đã không còn ngân hàng nào duy trì mức lãi suất trên 5%/năm. Ở kỳ hạn tiền gửi từ 9-11 tháng, lãi suất phổ biến từ hơn 4%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất cao nhất chỉ ở mức nhỉnh 5%/năm. Đối với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng, các ngân hàng áp dụng lãi suất từ 4,7-5,5%/năm.

Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay là 10,15%/năm nhưng ở kỳ hạn dài và đòi hỏi giá trị tiền gửi lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất tại Dong A Bank vẫn giữ ở 7,5%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với khoản gửi từ 200 tỷ đồng.

Tương tự, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống hiện được niêm yết tại ABBank với mức 10,15%/năm. Mức lãi suất trên áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên trên một khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng giám đốc ngân hàng.

PVcomBank cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 10%/năm cho tiền gửi kỳ hạn gửi 12 và 13 tháng với số dư tiền gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Tại HDBank, mức lãi suất cao nhất 8,2%/năm được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tối thiểu từ 300 tỷ đồng.

Tại MSB đang có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,5%/năm. Lãi suất này áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng với hạn mức từ 500 tỷ đồng đối với các tài khoản tự động gia hạn từ 1/1/2018. BaoVietBank, lãi suất tiết kiệm cao nhất khách hàng được hưởng lên tới 6,2%/năm, với kỳ hạn 60 tháng.

Lãi siết tiền gửi tiết kiệm bằng VND cao nhất trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 5% kể cả với kỳ hạn dài.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ cao nhất trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 5% kể cả với kỳ hạn dài.

Dự báo hết quý II lãi suất mới "ấm dần lên"

Việc các ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động thấp đã phản ánh nhu cầu tín dụng chững lại.

Trước mắt, lãi suất huy động sẽ "không có cửa" trở lại thời kỳ hoàng kim ở mốc 11-12%. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024. Còn lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75-1%.

Về triển vọng tăng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024.

Dự báo thận trọng hơn, PGS TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học kinh tế TP.HCM - đưa ra dự báo, khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1 đầu năm.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế”, ông Sơn nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/09/2024