ISSN-2815-5823

Ưu và nhược điểm của chính sách 10 ngày nghỉ phép khi “không vui”

(KDPT) - Việc chọn được một công ty tốt với nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn luôn là mục tiêu mà mọi người hướng đến. Trong đó, chính sách ngày nghỉ phép luôn được chú ý hơn cả.

Tại Trung Quốc, chuỗi siêu thị Pang Dong Lai mới đây đã gây chú ý khi đưa ra chính sách “nghỉ phép khi không vui”. Theo đó, các nhân viên làm việc tại đây sẽ có quyền được nghỉ 10 ngày phép bất cứ lúc nào nếu như họ cảm thấy tinh thần không được thoải mái. Chính sách này đã được áp dụng tại siêu thị này từ tháng 3 vừa qua.

Yu Dong Lai - Chủ tịch của chuỗi siêu thị này cho biết ai cũng sẽ có những lúc không vui, đừng mang tâm trạng đó đến chỗ làm. Loại nghỉ phép này sẽ không cần quản lý phê duyệt mà nhân viên chỉ cần báo lại là được, nếu như quản lý từ chối có nghĩa họ đang vi phạm quy định.

Ngay khi chính sách này được đưa ra các nhân viên của siêu thị cảm thấy rất hào hứng, vì họ được quan tâm đến cảm xúc cá nhân. Họ cũng cho biết nếu tâm trạng không ổn định thì đi làm cũng không đạt được hiệu quả như mong đợi mà chỉ ở mức hoàn thành. Vì thế, chính sách “nghỉ phép không vui” được nhiều người đón nhận như một liều thuốc chữa lành ngắn hạn.

Đây là điều hiếm gặp trên thị trường lao động vì các nhân viên thường đã có chế độ nghỉ phép cố định nên việc có thêm 10 ngày “nghỉ phép không vui” khiến họ cảm thấy bản thân được tôn trọng hơn và được doanh nghiệp quan tâm mọi lúc, mọi nơi.

Chính sách “nghỉ phép khi không vui” đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên thị trường, khi những nhân viên đồng tình ủng hộ còn một bộ phận lãnh đạo lại cho rằng không cần thiết đến chế độ này. (Ảnh minh họa)
Chính sách “nghỉ phép khi không vui” đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên thị trường, khi những nhân viên đồng tình ủng hộ còn một bộ phận lãnh đạo lại cho rằng không cần thiết đến chế độ này. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì chính sách này cũng đang vấp phải rất nhiều tranh cãi. Bên phe ủng hộ cho rằng đây là quy định rất tốt để động viên tinh thần nhân viên, giúp họ có thời gian cải thiện sức khỏe tinh thần. Nhưng một số chuyên gia lại lo ngại sẽ có nhân viên dựa vào lý do này để nghỉ làm vô tổ chức, ngay cả khi tinh thần ổn họ vẫn nói là không vui để xin nghỉ.

Trong đó, giáo sư  Art Markman - Phó Giám đốc Điều hành về Các vấn đề Học thuật tại Đại học Texas (Mỹ) nhận xét việc “nghỉ phép khi không vui” chưa chắc đã là giải pháp hữu ích với các nhân viên đang làm việc. Nghỉ ngơi ngắn hạn có thể hữu ích nếu như bạn bị căng thẳng trong công việc, nên cần thời gian để thư giãn và hồi phục. Tuy nhiên, nếu như đang có một dự án quan trọng cần hoàn thành nhanh thì việc nghỉ một ngày có thể gây thiệt hại lớn.

Trong những nghiên cứu cách đây 100 năm đã chỉ ra rằng con người vẫn luôn suy nghĩ về những nhiệm vụ đang làm, vì vậy, việc nghỉ giữa chừng có thể làm cho bạn bị đứt mạch suy nghĩ hoặc khó hoàn thành các công việc đang thực hiện dở.

Ông cũng đã đưa ra ví dụ là hiệu ứng Ovsiankina đây hiện tượng tâm lý nói về sự thôi thúc của con người và hoàn thành những nhiệm vụ dang dở đang làm. Giáo sư Markman cũng đã cảnh báo khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi nghĩa là bạn đang dần rơi vào trạng thái kiệt sức, không thể làm việc hoặc bắt đầu cảm thấy lo lắng đối với khối lượng công việc quá nhiều.

Do đó, người lao động sẽ cần được nghỉ ngơi khi làm trong một môi trường không được đối xử một cách tốt nhất, do đó, có thể làm ảnh hưởng xấu đến mặt cảm xúc. Cho nên, trong trường hợp này thì việc “nghỉ phép không vui” cũng không thể mang lại hiệu quả như mong muốn mà chỉ làm mất thời gian của cả hai bên.

Nếu như một nơi làm việc có kỳ vọng không thực tế với nhân viên, quản lý độc đoán hoặc có văn hóa độc hại thì việc chờ đợi vào vài ngày nghỉ phép có thể làm thay đổi được vấn đề là điều rất khó xảy ra. Ông cũng nhấn mạnh cách tốt nhất là đội ngũ quản lý cần cam kết tạo ra một môi trường làm việc với yêu cầu cao, sự tôn trọng dành cho các nhân viên của mình để họ có thể thoải mái làm việc.

Đối với trường hợp có một dự án lớn cần hoàn thành nhanh chóng thì nhân viên có thể dành ra hơn 50 giờ/tuần để hoàn thành công việc. Nhưng với cường độ công việc như vậy sẽ dẫn đến việc kiệt sức và không thể hoàn thành công việc hiệu quả. Do đó, ông đánh giá thời gian làm việc lý tưởng cho mỗi nhân viên là 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần.

Đối với những nhân viên đang rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc lo âu kéo dài thì ông đưa ra lời khuyên nên đến gặp bác sĩ, thay vì nghĩ rằng những ngày nghỉ khi không vui có thể giải quyết được vấn đề này. Bởi lẽ, sức khỏe tinh thần còn quan trọng hơn sức khỏe thể chất rất nhiều.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có những quy định và chế độ khác nhau để giữ chân người lao động giữa lúc thị trường đang cạnh tranh khốc liệt. (Ảnh minh họa)
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những quy định và chế độ khác nhau để giữ chân người lao động giữa lúc thị trường đang cạnh tranh khốc liệt. (Ảnh minh họa)

Giáo sư đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giải quyết tận gốc các vấn đề và lý do dẫn đến tình trạng bản thân không được vui, thay vì chỉ dùng các phương pháp tạm thời khiến cho tình trạng tái đi tái lại nhiều lần. Ví dụ như tại Mỹ đã có Chương trình Hỗ trợ Người lao động (Employee Assistance Program - EAP) chuyên nhận tư vấn và trợ giúp mọi người giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có những quy định và chế độ khác nhau để giữ chân người lao động giữa lúc thị trường đang cạnh tranh khốc liệt. Đối với nhiều người chế độ “nghỉ ngày không vui” là một cách để giải tỏa, khích lệ nhân viên vào những ngày tinh thần của họ không được ổn định thì một ngày nghỉ cũng là điều quan trọng.

Nhưng đây cũng chỉ là phương pháp tạm thời chứ không phải là một phương án dài lâu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tính đến trường hợp nếu như một nhân viên nghỉ có ảnh hưởng gì không, nhiều nhân viên cùng nghỉ thì có ảnh hưởng gì không. Quy định đưa ra để mọi người cùng thực hiện nhưng cũng không được ảnh hưởng đến kết quả công việc./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024