ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ hai, 20h20 04/03/2024
API

Xu hướng mua sắm giải trí sẽ dẫn đầu trên thị trường thương mại

(KDPT) - Tại Việt Nam, số lượng người dùng mạng xã hội trong những năm gần đây khá đông đảo. Đây cũng là động lực thúc đẩy phát triển xu hướng thương mại điện tử mới - hình thức mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Vào giai đoạn hậu Covid-19, thị trường tiêu dùng hiện đại có những bước tăng trưởng vượt bậc với sự xuất hiện của shoppertainment. Điều này vừa là động lực sáng tạo quan trọng cho các chủ cửa hàng, vừa tạo sức ép lớn đối với hoạt động kinh doanh truyền thống.

Nội dung giải trí đa dạng trong hoạt động thương mại

Mới đây, “Báo cáo Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại Châu Á - Thái Bình Dương” do Accenture thực hiện và TikTok công bố, cho thấy nhu cầu sử dụng các nền tảng nội dung đang ngày càng phổ biến hơn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ưu thế lớn của điều này là điểm đến duy nhất mà người dùng có thể vừa khám phá thông tin, khám phá nội dung, vừa mua sắm trên cùng một ứng dụng mà không cần đổi giao diện, thiết bị hay nền tảng khác trong quá trình tìm kiếm và mua sắm.

Nhu cầu sử dụng các nền tảng nội dung đang ngày càng phổ biến hơn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo, chỉ số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok đã tăng 1,9 lần so với những công cụ tìm kiếm truyền thống. Nhiều dự báo về sự gia tăng của xu hướng này trong khu vực trong vòng 1-2 năm tới khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm và giải trí trên nền tảng sáng tạo nội dung số.

Chị Hà Mi (quận Hà Đông) cho hay, chị thường xuyên bị thu hút bởi những phiên livestream khi đang lướt mạng xã hội, cứ thấy rẻ là đặt mua hàng ngay.

“Cứ mỗi lần lướt TikTok là lại thấy gợi ý các phiên livestream bán hàng với nhiều deal hời. Người live còn test trực tiếp sản phẩm để người dùng yên tâm, nên mỗi lần lướt mạng là ít nhất chốt được một đơn. Mình cảm thấy giá cả hợp lý, chất lượng và chăm sóc khách hàng cũng tốt nên không ngại xuống tiền”, chị Mi nói.

Những người trẻ như chị Mi ngày càng có nhu cầu lớn hơn về việc mua sắm, nhất là muốn trải nghiệm giải trí ngay tại nơi mua hàng. Có thể thấy, một tín hiệu thể hiện rõ nét nhất về sự phổ biến và lan rộng của “mua sắm giải trí” trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử là sự gia tăng ngày một nhanh của hình thức livestream và video ngắn sáng tạo. Điều này giúp tăng tính tương tác giữa người mua và người bán, đồng thời tạo không gian mua sắm gần gũi, lôi cuốn, liền mạch với trải nghiệm mua sắm giải trí.

Sự gia tăng ngày một nhanh của hình thức livestream và video ngắn sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Theo khảo sát người tiêu dùng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng của Công ty nghiên cứu thị trường và truyền thông toàn cầu - Nielsen cho thấy, người mua hàng online đa phần là người trẻ, tuổi trung bình là 31. Trong đó có 64% người được hỏi cho biết họ mua hàng trong “vô thức” khi xem livestream.

TikTok công bố báo cáo về hành vi mua sắm của người dùng tại Việt Nam trong mùa Lễ hội 2023, cho thấy có tới 69% người dùng ưu tiên xem video ngắn để tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ; 84% trong số này bị thuyết phục để mua sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu.

Nhưng để người mua “chốt đơn” nhanh, các nhà bán hàng liên tục ra mã giảm giá theo từng thời điểm. Điều này thể hiện rõ nhất trong những phiên livestream, bởi khi thị trường đang cực kỳ cạnh tranh thì bên nào tung deal hời hơn thì bên đó sẽ nắm phần thắng.

Người bán nào cũng cần thay đổi

Thị trường đang có sức ép lớn, các cửa hàng bán lẻ truyền thống bị đẩy vào tình cảnh lao đao khi người mua đã dồn hết lên “chợ” TikTok, Facebook, Zalo... để mua sắm.

Chị Phương - chủ một cửa hàng mỹ phẩm online cho hay, ngay chính chị và nhiều người bạn khác cũng phải thay đổi để ra được đơn, tiêu thụ được hàng.

“Ban đầu mình vừa kinh doanh nhỏ lẻ tại một cửa hàng đi thuê, vừa đăng bài trên Facebook. Dù bỏ ra kha khá chi phí để duy trì vận hành tại cửa hàng nhưng tình trạng buôn bán vẫn phải cầm chừng. Năm ngoái, mình mò mãi mới biết cách dùng TikTok Shop rồi tập tành livestream. Cứ kiên trì vài tháng thì tỷ lệ ra đơn cũng được cải thiện dù vẫn chưa thể cao như trước dịch. Các cửa hàng truyền thống phải học hỏi nhiều hơn thì mới theo kịp nhu cầu khách hàng”, chị Phương nói.

Theo thống kê từ một chương trình kích cầu cuối năm, từ ngày 11/12/2023 - tối ngày 15/12/2023 đã có 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành, tạo ra 18.200 đơn hàng, doanh thu đạt 4,2 tỷ đồng, tiếp cận 81,6 triệu người. Đây chính là minh chứng về xu hướng của thị trường đang dần thay đổi, từ đó đòi hỏi người bán hàng phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực bán hàng trực tuyến và tận dụng tiềm năng phát triển của phương thức bán hàng mới trong những năm tới đây.

Người bán hàng phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực bán hàng trực tuyến và tận dụng tiềm năng phát triển của phương thức bán hàng mới. (Ảnh minh họa)

Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Phi và Trung Á của TikTok - ông Shant Oknayan cho biết: “Ranh giới giữa mua sắm và những hoạt động khác ngày càng khó phân định hơn. Vì vậy, điều quan trọng nhất với các thương hiệu là cung cấp nội dung giúp người tiêu dùng mua những gì họ muốn và theo cách họ muốn”.

Năm 2023, tổng số nhà bán hàng giảm hơn 1% so với năm 2022, tương đương với 10.000 gian hàng trực tuyến đóng cửa, chủ yếu là nhà bán nghiệp dư nhỏ lẻ.

Chuyên gia từ Metric đánh giá, thị trường thương mại điện tử trong những năm tới sẽ hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn, dần trở thành sân chơi chính của các doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp có sự đầu tư kỹ lưỡng về chiến lược kinh doanh. Do đó, nếu các doanh nghiệp, nhà bán hàng nhỏ lẻ không chủ động chuẩn bị, không thay đổi cùng xu hướng chung thì sẽ sớm bị thị trường đào thải.

Trong thời đại bùng nổ nội dung giải trí, shoppertainment sẽ là một công cụ quan trọng để các nhà bán hàng tận dụng để thoát khỏi khủng hoảng trong kinh doanh truyền thống. Về dài hạn, việc tích cực phát triển xu hướng này có khả năng kích thích thị trường thương mại điện tử trong nước tăng trưởng mạnh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024