ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Thứ tư, 15h42 15/11/2023

Áp lực bơm 800.000 tỷ ra thị trường trong 2 tháng cuối năm

(KDPT) - Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay, ngành ngân hàng cần phải bơm ra thị trường 800.000 tỷ đồng trong 2 tháng còn lại. Có thể nói đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Tăng trưởng tín dụng mới đạt một nửa mục tiêu

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/10, tín dụng cho vay đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, khi hơn 2/3 chặng đường đã qua, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt được một nửa mục tiêu đề ra.

Tín dụng tăng chậm là thực tế đã được ghi nhận ngay từ đầu năm 2023, có cải thiện đôi chút vào quý III/2023, nhưng lại chậm lại trong tháng đầu quý IV/2023. “Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn” - Điều này đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định tại báo cáo mới đây trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV.

Theo Chủ tịch HĐQT FiinGroup Nguyễn Quang Thuận, tăng trưởng tín dụng thấp cũng là hệ quả của việc tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng; đầu tư, tiêu dùng giảm sút; khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. “Chẳng hạn như ngành dệt may, doanh thu của ngành này chịu tác động tiêu cực bởi sự sụt giảm mạnh về cầu ở các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu. Biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay thu hẹp do chi phí đầu vào tăng, trong khi giá đầu ra giảm vì cầu yếu” - ông Thuận đánh giá.

Thực tế, trong tháng 7 và 8, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, vẫn khan hiếm khách vay, do đó ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng tín dụng.

Ngay Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng từng chia sẻ khó khăn của ngân hàng khi "Ngân hàng lên gặp doanh nghiệp mà doanh nghiệp lại cứ xua tay không cần vốn, không vay thì làm thế nào tháo gỡ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa hay không tiêu thụ được nhưng cần có lộ trình cách thức để tạm trữ, làm sao vẫn tiêu thụ được thời gian tới…".

tính đến 31/10, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.
Tính đến 31/10, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Ảnh minh họa.

Lời giải nào cho đầu ra của dòng tiền?

Thực trạng ngân hàng thừa tiền đã được đề cập nhiều. Không hẳn doanh nghiệp không cần tiền, thậm chí các doanh nghiệp bất động sản rất khát vốn, nhưng ngân hàng và doanh nghiệp vẫn khó "gặp nhau". Theo ước tính, trong 2 tháng cuối năm, ngành ngân hàng cần bơm ròng gần 800 nghìn tỷ đồng tín dụng thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 14%. Có thể nói, đây là áp lực rất lớn đối với ngành ngân hàng.

Để "thông tắc dòng tiền", thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 14 hội nghị, cuộc họp bàn; 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức.

Một trong những nguyên nhân khiến tiền không tới được doanh nghiệp được các chuyên gia kinh tế đánh giá, là do doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng do không có tài sản bảo đảm, thế chấp. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp thời gian qua cũng không có nhu cầu vay vốn do không có đơn đặt hàng, việc kinh doanh trầm lắng. Đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu vay và đủ điều kiện vay thì mức lãi suất hiện tại vẫn còn cao, gây tâm lý e ngại. Dẫn đến câu chuyện ngân hàng huy động được nhiều vốn nhưng lại "ế" tiền, không thể cho vay.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam đề xuất: "Doanh nghiệp cần cải thiện được vốn chủ sở hữu, cần phải tăng lên và có giải pháp chính sách dành riêng cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phải khác với các khoản vay thông thường để cho các điều kiện vay và các khoản đối ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giảm hơn so với các doanh nghiệp có tiềm lực, vốn điều lệ tốt".

TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho rằng, cần có giải pháp, cách tiếp cận khác thì mới gỡ được vấn đề. Tôi mong NHNN, hệ thống ngân hàng can đảm, tiếp cận doanh nghiệp không phải theo nghĩa đánh giá triển vọng, khó khăn bằng con số, mà bằng xu hướng, bằng tiềm năng.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân đã đề xuất 4 giải pháp tháo gỡ thực trạng ngân hàng thừa tiền trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khát vốn:

Thứ nhất, chúng ta phải có một cách nào đó để bơm vốn vào cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì cách đây một năm quỹ này thực hiện rất kém nhưng bây giờ làm việc rất tốt, có thể giúp nhóm này vượt qua khó khăn.

Thứ hai, nếu được Quốc hội cho phép phải mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho ngân hàng vay.

Thứ ba, tiếp tục giảm lãi suất.

Thứ tư, nới tiêu chuẩn Basel III và Basel IV, tức giảm các điều kiện cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc thù của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đánh giá, từ nay đến cuối năm rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% như đã đặt ra. Tuy nhiên, theo thường lệ, cuối năm là thời điểm các hoạt động sản xuất kinh doanh bùng nổ, do đó có thể sẽ thúc đẩy tín dụng. Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý có những chính sách mới, đột phá, hỗ trợ thị trường thì khi đó, tín dụng mới có sự tăng trưởng bứt phá hơn.

Dự báo của các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ chỉ đạt khoảng hơn 12% trong năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, sản xuất gặp khó khăn.

Ở chiều ngược lại, tiền vẫn đổ vào ngân hàng như là một kênh trú ẩn an toàn của người dân. Còn ngân hàng "ôm" tiền mà không bơm được ra nền kinh tế để phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo T.S Nguyễn Trí Hiếu, đây là nút thắt và là vấn đề cần giải quyết ở hiện tại.

Chứng khoán Maybank cho rằng, dựa trên tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2023 cùng với dự đoán về xu hướng lãi suất cho vay (sẽ giảm đáng kể từ cuối quý III) và dự đoán về sự phục hồi kinh tế hình chữ U, tổ chức này kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể đạt cao nhất khoảng 12% cho năm 2023.

Còn Công ty Chứng khoán BSC dự báo triển vọng nền kinh tế dần trở nên khả quan hơn về cuối năm và tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt khoảng 12%.

BSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong năm 2024 sẽ cải thiện lên khoảng 13-14% với kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì, quy mô giải ngân đầu tư công gia tăng nhờ chi phí vốn và áp lực đáo hạn nợ Chính phủ tương đối thấp và thị trường bất động sản dần ấm lên.

"Hiện nay dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng Ngân hàng Nhà nước cũng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp song song với những giải pháp từ phía ngân hàng. Đó là xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi thì sẽ tiếp cận được tín dụng. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và tổ công tác cũng như Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng đã nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý.

Khi những yếu tố về pháp lý được tháo gỡ thì chắc chắn là tín dụng cũng sẽ được tăng theo quá trình này".

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/05/2024