Bắc Ninh chủ động hoàn thành hiệu quả mục tiêu kép
Những điểm sáng kinh tế
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tỉnh (GRDP) đạt 7,45% so với cùng kỳ. Trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng có mức tăng cao nhất với 8,86%; khu vực nông, lâm, thủy sản, tăng 7,59%; khu vực dịch vụ, tăng 2,61%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm, tăng 3,29%. Điểm đáng ghi nhận nhất là tỉnh đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa tập trung chống dịch, nhưng vẫn duy trì ổn định sản xuất không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu làm ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả nước.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, với phương châm không để bị động, bất ngờ, các cấp chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở đã chủ động “tấn công” dịch bệnh, xây dựng các kịch bản điều hành phát triển kinh tế, trên tinh thần giải quyết kịp thời các vướng mắc, hỗ trợ tối đa cho DN và công nhân lao động, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 56/TB-UBND ngày 26-5-2021 về việc bố trí cho công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy, kết quả đã có gần 780 DN đăng ký hoạt động với gần 130.000 lao động.
Tỉnh cũng thành lập 40 Tổ công tác đi kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch cho hơn 450 doanh nghiệp, hoàn thiện các thành phần hồ sơ về công tác phòng, chống, dịch Covid-19 như: Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại nơi làm việc; Kế hoạch phòng, chống dịch; Đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch tại cơ sở; Các quy định về phòng, chống dịch của doanh nghiệp; Quyết định thành lập Tổ an toàn Covid-19 tại doanh nghiệp; Cam kết của người lao động tại nơi làm việc, nơi cư trú; Cam kết của doanh nghiệp trong thực hiện phòng, chống dịch. Cách làm này không chỉ bảo toàn nguồn lực lao động, mà còn giúp Bắc Ninh kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để đại dịch làm gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Đây là giải pháp “chưa từng có tiền lệ” trúng và đúng của Bắc Ninh nhằm mục tiêu giữ an toàn cho người lao động cũng như cộng đồng, tạo đà cho sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò động lực tăng trưởng công nghiệp của tỉnh với mức tăng 10,93%, với các nhóm ngành quan trọng đóng góp như: ngành sản xuất đồ uống tăng mạnh với 32,22%; nhóm ngành sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu, tăng 18,94%; nhóm ngành sản xuất xe có động cơ, tăng 26,76%; nhóm sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, tăng 19,9% và nhóm công nghiệp điện tử máy tính và sản phẩm quang học (chiếm đến gần 80% giá trị sản xuất toàn ngành) cũng tăng 11,11%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,79%.
Cùng với công nghiệp, sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Cây lúa vụ xuân tiếp tục được mùa, năng suất bình quân vụ xuân toàn tỉnh ước đạt 66,2 tạ/ha, tăng 2% so với vụ xuân năm trước; sản lượng rau các loại đạt 18,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ; chăn nuôi tiếp tục có sự tái đàn sau dịch khá ngoạn mục, đến giữa tháng 6 toàn tỉnh có 269 nghìn con lợn, tăng 12,3% so với cùng kỳ, đàn gia cầm có 5.611,6 nghìn con, tăng 9,2% so với cùng kỳ, sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất bán đạt 43,7 ngìn tấn, tăng 39,9% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 18,9 nghìn tấn…Về giải ngân vốn đầu tư cũng có nhiều tiến bộ, toàn tỉnh đã đầu tư giải ngân đạt trên 26.842 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước thực hiện giải ngân đạt 3.711 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đạt 29.437 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng bán lẻ hàng hóa đạt 23.210 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; các dịch vụ phục vụ người dân và DN trong tình hình dịch Covid-19 cũng tăng ấn tượng như: Dịch vụ Bưu chính, chuyển phát, 6 tháng đầu năm đạt 123 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải đạt 1.761 tỷ đồng, tăng khá cao 29,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu hàng hóa cũng tăng trưởng ấn tượng, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh xuất khẩu ước đạt 19,1 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với mặt hàng chủ lực là điện thoại và linh kiện đạt 15,1 tỷ USD, chiếm 79,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,66 tỷ USD, chiếm 19,2%, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thị trường giao thương truyền thống đầy lạc quan như: Hoa Kỳ; Trung Quốc;thị trường EU; thị trường ASEAN; Hàn Quốc; Nhật Bản tiếp tục được duy trì và phát triển tốt.
Các ngành sản xuất và dịch vụ tăng trưởng tốt đã tạo lực kéo để thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn gặt hái được nhiều kết quả, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh ước đạt 16.011 tỷ đồng, đạt 57,5% dự toán năm, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 12.511 tỷ đồng, bằng 56,1%, tăng 4,8%; thu hải quan ước đạt 3.500 tỷ đồng, bằng 63,4%, tăng 18,6%. Một số khoản thu nội địa có số thu đạt trên 50% dự toán và tăng cao so cùng kỳ năm trước là: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất…
Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 9.837 tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển bao gồm cả chi từ nguồn năm 2020 chuyển sang, chi tạm ứng theo hợp đồng, nguồn thu tiền sử dụng đất 5.497 tỷ đồng; chi thường xuyên 4.337 tỷ đồng. Các lĩnh vực có tỷ lệ chi đạt cao so với dự toán gồm: sự nghiệp y tế do hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; quản lý hành chính, an ninh, quốc phòng do huy động lực lượng tham gia chống dịch. Một số lĩnh vực chi tiến độ đạt chậm như sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt 35% dự toán, giáo dục đào tạo đạt 40% dự toán do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chi các đề án đang trong giai đoạn triển khai.
Bên cạnh các chỉ số tăng trưởng tốt như trên, số DN thành lập mới cũng là điểm sáng đáng ghi nhận của kinh tế 6 tháng đầu năm. Toàn tỉnh có gần 1.110 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 12.167 tỷ đồng, giảm 1% về số DN, tăng 39,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10,96 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; thu hút đầu tư nước ngoài cũng có kết quả khá, toàn tỉnh cấp mới 56 dự án với số vốn đăng ký đạt 351,4 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những kết quả tích cực, dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực tới các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, cụ thể: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đạt 2.294 tỷ đồng, giảm 4,39% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 3.933 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ, riêng du lịch giảm 41,6% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa đạt 15,9 triệu tấn, giảm 7,3% so với cùng kỳ, hàng hóa luân chuyển đạt 804,6 triệu tấn.km, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách đạt 5,5 triệu lượt khách, giảm 30,8% so với cùng kỳ, hành khách luân chuyển đạt 255,1 triệu lượt khách.km, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp, bảo đảm an ninh, an toàn và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường gắn kết ý Đảng, lòng dân.
Nước rút cho những tháng cuối năm
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đặt ra trong nửa năm còn lại, cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần đồng lòng tập trung chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt các giải pháp để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, “không ngăn sông cấm chợ”, mà “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với hoạt động người dân và DN, không để đứt gãy nguồn cung ứng cả trong nước và quốc tế. Tạo điều kiện để DN trong nước nhất là DN vừa và nhỏ tiếp cận nhanh với các chính sách vay vốn ưu đãi để tái sản xuất sau dịch. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đi đôi với việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước vào những lĩnh vực vừa có hiệu quả trước mắt vừa lâu dài. Tập trung mọi cố gắng cho việc tiêu thụ hàng hoá đáp ứng cả cầu trong nước và cầu nước ngoài, đặc biệt là nông sản. Thực hiện nghiêm Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021 để hỗ trợ cho DN. Cùng với đó, cần có những giải pháp quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh sau khi dịch bệnh được khống chế, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh.
Chính phủ cần có chính sách tài khóa trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ các lĩnh vực, các ngành đang gặp khó khăn, theo hướng cả kích cung đi liền với kích cầu, bình ổn giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để ổn định kinh tế vĩ mô.
ThS. KHỔNG VĂN THẮNG
Phó Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh