Bán hàng đa cấp và những trò lừa đảo tinh vi
Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác, đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống. Do đó hàng hóa mua theo phương thức này sẽ có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các loại hình giao dịch khác.
Hiện nay tại Việt Nam chỉ có 22 doanh nghiệp BHĐC đăng ký và được phép hoạt động hoạt động theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về BHĐC (danh sách các doanh nghiệp BHĐC luôn được cập nhật trên website: vcca.gov.vn). Các tổ chức hay doanh nghiệp khác không có tên trong 22 doanh nghiệp nêu trên nếu có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp thì đều là những hành vi vi phạm pháp luật và hoạt động trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.
Thế nào là doanh nghiệp BHĐC hợp pháp?
Doanh nghiệp BHĐC hợp pháp là doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận và hoạt động theo quy định của pháp luật về BHĐC. Khi người dân có các giao dịch với các doanh nghiệp này thì sẽ có các hợp đồng bằng văn bản có dấu pháp nhân của doanh nghiệp. Đây là căn cứ để ghi nhận một cá nhân là người tham gia BHĐC, là việc giao kết hợp đồng tham gia BHĐC với doanh nghiệp hợp pháp. Do vậy, trong mọi trường hợp người tham gia cần ký hợp đồng bằng văn bản và phải lưu giữ 01 bản chính đã ký với doanh nghiệp BHĐC để có cơ sở yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong quá trình hoạt động BHĐC.
Khi người dân tham gia vào hệ thống BHĐC, doanh nghiệp BHĐC hợp pháp sẽ tổ chức cho người tham gia BHĐC được tham gia miễn phí chương trình đào tạo cơ bản của doanh nghiệp, bao gồm các nội dung quan trọng như: các quy định pháp luật về BHĐC; các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động BHĐC; các nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia BHĐC, quy tắc hoạt động và kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp BHĐC hợp pháp không yêu cầu người tham gia phải đóng một khoản tiền nhất định (như phí đào tạo, mua cẩm nang kinh doanh, thẻ thành viên, đồng phục, nộp phí tuyển dụng, khoản đầu tư ban đầu vào doanh nghiệp…) hay phải mua gói sản phẩm để được ký hợp đồng tham gia BHĐC
Ngoài ra, trong tất cả quá trình hoạt động BHĐC, doanh nghiệp BHĐC hợp pháp sẽ luôn cung cấp cho người tham gia những giấy tờ tài liệu hợp pháp, hóa đơn chứng từ rõ ràng có dấu pháp nhân và chữ ký của đại diện doanh nghiệp.
Để tránh các rủi ro khi gặp các doanh nghiệp BHĐC trái phép, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tiền, mua bán hàng hóa, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) khuyến cáo người tham gia cần xác định rõ đối tượng giao dịch với mình là doanh nghiệp BHĐC chứ không phải bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác (kể cả các cá nhân là nhân viên, quản lý của doanh nghiệp BHĐC). Do đó, tất cả các chứng từ, bằng chứng khi giao dịch cần thể hiện đối tượng thực hiện giao dịch với mình chính là doanh nghiệp BHĐC (phải có dấu xác nhận của doanh nghiệp trên các tài liệu, chứng từ hay hóa đơn giao dịch để tránh việc các doanh nghiệp này thoái thác hoặc không thừa nhận các giao dịch trên khi có tranh chấp với người tham gia BHĐC).
Dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp BHĐC bất chính
Thực tế thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình tổ chức hoạt động có hành vi hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.Dấu hiệu nhận diện của hành vi bán hàng đa cấp bất chính thường được thể hiện như: Yêu cầu người tham gia BHĐC phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào hệ thống
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống, xem như là chi phí gia nhập. Chi phí này có thể được yêu cầu dưới nhiều hình thức khác nhau như: Yêu cầu nộp tiền để làm thủ tục; Yêu cầu nộp tiền đặt cọc; Yêu cầu mua một lượng hàng nhất định (thường là sản phẩm với giá đắt hơn giá thị trường hoặc gói sản phẩm theo mức giá cố định); Yêu cầu nộp tiền làm thẻ thành viên; Yêu cầu nộp tiền mua tài liệu đào tạo…
Việc thu được khoản tiền này từ người bị dụ dỗ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính sẽ đạt được 02 mục tiêu chính: Thu được một khoản tiền từ người bị dụ dỗ mà không mất chi phí gì. Nếu sau đó người này có không tiếp tục tham gia dụ dỗ người khác thì cũng khó có thể đòi lại được khoản tiền này. Đồng thời khiến người mất tiền bị lệ thuộc vào công ty, dẫn đến tình thế buộc phải lôi kéo, dụ dỗ nhiều người khác tham gia để bản thân được hoàn lại tiền.
Doanh nghiệp BHĐC trái phép cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Theo đó mỗi người tham gia vào hệ thống đa cấp bất chính thường sẽ mất một khoản tiền chi phí ban đầu. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp trích một phần để trả công cho người giới thiệu. Các doanh nghiệp đa cấp bất chính vẫn gọi đây là hoa hồng. Tuy nhiên, hoa hồng này không phải là thành quả của hoạt động bán hàng mà xuất phát từ tiền của người mới bị dụ dỗ tham gia. Do đó, nếu được giới thiệu tham gia hệ thống bán hàng đa cấp nào có chính sách trả hoa hồng cho việc tuyển dụng, bạn cần đề phòng bởi đó là dấu hiệu của bán hàng đa cấp bất chính.
Những trò lừa đảo tinh vi của doanh nghiệp BHĐC bất chính
Qua tổng hợp thông tin trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) ghi nhận một số doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thực hiện tuyển dụng nhân viên (đối tượng tập trung chủ yếu là sinh viên) nhưng có nhiều biểu hiện trái pháp luật.
Hoạt động của các doanh nghiệp này có những biểu hiện chung như sau: Đầu tiên, những doanh nghiệp này đăng các nội dung quảng cáo trên phương tiện Internet (như website về việc làm, zalo, facebook…) về việc tuyển dụng nhân sự với các tiêu chí rất chung chung, dễ đáp ứng nhưng lại “rất hấp dẫn” về thu nhập, ví dụ như: Tuyển nhân viên kinh doanh: lương 10 triệu/tháng không cần kinh nghiệm và bằng đại học, thời gian làm việc linh động; Tuyển cộng tác viên online: làm ca 4 tiếng/ngày thu nhập 6 triệu/tháng chưa kể hoa hồng… Đối tượng của những đoạn quảng cáo này hướng đến thường là những người đang tìm kiếm việc làm hoặc các bạn sinh viên muốn đi làm thêm;
Sau khi nộp hồ sơ xin việc, các ứng viên được hẹn phỏng vấn nhưng thực chất để các nhân viên của doanh nghiệp tiếp cận hỏi han về hoàn cảnh gia đình, làm thân và lấy sự tin tưởng của người đang tìm việc. Tiếp đến, những nhân viên này vẽ vời một tương lai tươi sáng thu nhập hàng trăm triệu một tháng cùng những chuyến du lịch, đào tạo tại nước ngoài làm cho các ứng viên ham thích và muốn tham gia. Sau đó, nhân viên tuyển dụng bằng nhiều các biện pháp kể cả dụ dỗ và ép buộc người xin việc nộp các khoản tiền rất lớn với nhiều lý do (như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh…) hoặc bị yêu cầu mua một gói sản phẩm ban đầu để đầu tư hay “gia nhập” doanh nghiệp; Sau khi đã nộp tiền, người tham gia/người được tuyển dụng có thể nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để khuyến khích họ tuyển thêm người khác hoặc chính họ tiếp tục nộp thêm tiền có vị trí kinh doanh với mức hoa hồng cao hơn. Thực chất công việc của họ chỉ là tuyển được thêm người, bán hàng hóa với mức giá cao vô lý hoặc nộp thêm nhiều tiền nữa lên cấp bậc. Nếu không làm các các công việc trên thì họ cũng không nhận thêm được bất kỳ các khoản thu nhập nào. Trường hợp muốn khiếu nại về các khoản phí đã nộp, nạn nhân thường không có các chứng từ giao dịch với doanh nghiệp, các biên lai hay phiếu thu nộp tiền đều không có dấu của doanh nghiệp, do đó người tham gia sẽ trắng tay vì không có cơ sở pháp lý nào để đòi lại khoản tiền mình đã đóng vào đó.
Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải hàng hóa có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước những hành vi BHĐC trái phép. Trong trường hợp có những thắc mắc hoặc phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp như các biểu hiện nêu trên, người dân hoặc người tham gia bán hàng đa cấp hãy cung cấp thông tin, chứng cứ đến: Cục CT&BVNTD – Bộ Công Thương (Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Địa chỉ Email: [email protected]; Điện thoại: 024.2220.5002) để Cục CT&BVNTD có căn cứ xem xét và xử lý các hành vi vi phạm. Mọi thông tin của người khiếu nại và tố cáo đều được bảo mật theo quy định pháp luật.
TRƯỜNG MINH