ISSN-2815-5823

Cần sớm ban hành chính sách mới về thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao

(KDPT) - Việc ban hành chính sách mới về thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao là hết sức cần thiết và cấp bách.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao để thích ứng với bối cảnh mới. Việc sớm áp dụng chính sách này sẽ có lợi hơn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, mục tiêu xây dựng chính sách này nhằm bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; đồng thời phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước là ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đây là phản ứng cần có, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động với việc các nước áp dụng chính sách thuế mới, qua đó, tác động tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Cần sớm ban hành chính sách mới về thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Nhiều nước trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh, duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Báo cáo "Dòng vốn FDI: Bền bỉ đối mặt với thách thức" do Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa công bố cho biết, tỷ trọng FDI toàn cầu của khu vực ASEAN đã tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008 và tăng tốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây. ASEAN thu hút mức cao kỷ lục, gần 17% vốn FDI toàn cầu trong năm 2022 (tương đương khoảng 230 tỷ USD), gần gấp đôi so với bốn năm trước.

Cũng theo báo cáo, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy nhanh việc di dời chuỗi cung ứng sang nơi khác, trong đó ASEAN nhờ vào địa lý lân cận và các tiêu chuẩn cơ bản được cải thiện, đã hiển nhiên nổi lên như một điểm đến thay thế" và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được hưởng lợi chính.

Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện - một mốc lịch sử mở ra cơ hội có tính chất chiến lược cho Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, đây là điều kiện rất tốt để Việt Nam có thể tận dụng tốt chiến lược friend-shoring của Mỹ, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển toàn diện nhằm đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Mới đây, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Hàng loạt chuyến viếng thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh gần đây cũng cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang thực sự quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế chung nhận định, việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay nhằm bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; đồng thời phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước là ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nếu không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì Việt Nam gặp nhiều khó khăn cho việc mời gọi đại bàng (các tập đoàn lớn) đến "làm tổ".

Kết quả khảo sát PCI-FDI 2022 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (thực hiện tại 1.282 doanh nghiệp FDI) cho thấy, có gần 83% số doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng; 1/4 doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Phân theo hệ thống ngành nghề, kết quả khảo sát có gần một nửa (49,5%) số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và chế tạo; 39% trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại; 7% trong lĩnh vực xây dựng. Xét theo ngành thì phần lớn, doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành bán buôn - bán lẻ. Các ngành khác có mật độ doanh nghiệp FDI lớn là sản xuất chế biến kim loại đúc sẵn, cao-su, nhựa và sản phẩm điện tử, máy tính.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, bình quân vốn đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian qua khoảng 15 - 16 triệu USD/dự án. Tuy số dự án đầu tư vào Việt Nam tăng nhưng tổng vốn đăng ký lại giảm, do các dự án đầu tư quy mô lớn giảm./.

BẢO LINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024