ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 11h03 15/10/2023

Chuyển đổi số - Cuộc đua sống còn

(KDPT) - Chuyển đổi số đang diễn ra nhanh mạnh trên toàn thế giới như một cuộc đua sống còn. Nhưng cơ hội lại chia đều và mỗi doanh nghiệp đều có thể giành chiến thắng, miễn là biết thay đổi nhận thức và có đủ quyết tâm.

Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 (CMCN 4.0) với hạt nhân là công nghệ số. Ba cuộc CMCN trước đây được cho là nối tiếp nhau, còn cuộc CMCN 4.0 lần này được cho là nảy nở từ cuộc CMCN 3.0. Các chuyên gia cũng đánh giá, nếu ba cuộc cách mạng công nghiệp trước diễn ra với tốc độ tuyến tính thì cuộc CMCN 4.0 diễn ra theo một hàm số mũ, tức là sẽ rất nhanh và tác động tới tất cả các lĩnh vực, thậm chí là cả lĩnh vực trí tuệ, nhận thức của con người, chứ không riêng gì lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật.

Điều đó cho thấy nó vừa là cơ hội, vừa là thách thức; nếu biết nắm bắt thời cơ, chuyển đổi kịp thời và phù hợp sẽ nắm bắt được cơ hội, thích ứng được sự thay đổi và tạo ra sự thay đổi để tạo được bước tiến nhảy vọt; ngược lại nếu chậm chân không theo kịp xu hướng, thì không phải chỉ bị tụt hậu mà là bị gạt khỏi cuộc chơi.

Chuyển đổi số - Cuộc đua sống còn
Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Xu hướng tất yếu

Nhìn lại lịch sử phát triển của xã hội loài người và ba cuộc CMCN trước đây, có thể nói cuộc CMCN 4.0 lần này vừa là xu hướng, vừa là bắt buộc, nhưng cũng là cơ hội bứt phá và mọi doanh nghiệp đều bình đẳng như nhau trước cuộc thay đổi mang tính bước ngoặt lớn của nhân loại này.

Chuyển đổi số - Cuộc đua sống còn
Chuyển đổi số là xu hướng chung trên thế giới mà mọi quốc gia đã và đang hướng đến. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Nói xu hướng bởi nó là xu thế phát triển của xã hội, tuần tự từ thấp lên cao, không thể cưỡng lại. Còn nói bắt buộc bởi cũng như các cuộc CMCN trước, các cách thức sản xuất bắt nguồn từ các cuộc CMCN tiến bộ vượt bậc so với trước đó nên tất yếu mang lại năng suất và hiệu quả cao hơn hẳn, do đó nếu doanh nghiệp không thay đổi sẽ bị tụt hậu và không cạnh tranh được. Hơn nữa, cuộc CMCN 4.0 lần này còn tạo ra sự thay đổi cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo ra sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của hầu hết các ngành trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, nó thay đổi từ nền tảng cho đến phương thức hoạt động, từ nhà sản xuất, kênh phân phối cho đến khách hàng, người tiêu dùng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không tự thay đổi có nghĩa là tự loại mình ra khỏi hệ thống, ra khỏi cuộc chơi.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Ở phạm vi rộng, chuyển đổi số là xu hướng chung trên thế giới mà mọi quốc gia đã và đang hướng đến. Do đó, nếu doanh nghiệp đứng ngoài cuộc thì cũng có nghĩa là tự loại mình khỏi sân chơi toàn cầu.

Ở phạm vi trong nước, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020 đã xác định: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Điều đó có nghĩa, chuyển đổi số cũng là xu hướng tất yếu và bắt buộc ở Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp nào đứng ngoài công cuộc chuyển đổi này cũng đồng nghĩa với tự loại mình khỏi sân chơi trong nước.

Một điều dễ hiểu là, khi mà từ Chính phủ đến các doanh nghiệp và mọi người tiêu dùng đều hoạt động trên nền tảng số, thì không doanh nghiệp nào có thể hoạt động, tồn tại được nếu đứng ngoài nền tảng ấy.

Cuộc đua sống còn

Tuy nhiên, như bất cứ sự thay đổi nào, cuộc CMCN 4.0 lần này vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Theo báo cáo về khởi nghiệp của Topica Founder Institute (TFI), các startup tại Việt Nam phát triển đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau nhưng đều lấy công nghệ làm nền tảng; và TFI rút ra kết luận: Khởi nghiệp song hành cùng với sự phát triển bùng nổ của kỷ nguyên kỹ thuật số.

Không nói xa xôi, từ những ứng dụng đơn giản, từ những áp dụng sơ khai cho đến việc thâm nhập sâu vào công nghệ, chuyển đổi số đã và đang diễn ra nhanh chóng và bao phủ đến toàn bộ đời sống xã hội.

Vậy tại sao các doanh nghiệp startup lại song hành với kỹ thuật số, lấy công nghệ số làm nền tảng?

Ở đây có hai vấn đề: Đó là chiến lược đi tắt và khả năng thành công. Những điều này dựa trên đặc thù của CMCN 4.0. Theo các chuyên gia, có 2 nội dung chủ yếu của một cuộc CMCN mới, đó là công nghệ gì và chuyển đổi gì. Với CMCN 4.0 thì công nghệ là công nghệ số và chuyển đổi chủ yếu là chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hoạt động, vận hành của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số. Và, một điểm khác biệt mang tính thay đổi về chất của cuộc CMCN 4.0 lần này là ở chỗ, ba cuộc cách mạng đã qua là máy móc thay lao động chân tay, còn cuộc CMCN 4.0 là thông minh hóa, là máy móc thay lao động trí óc.

Từ đó, ta có thể rút ra hệ quả: Các cuộc CMCN trước đây đều dựa trên máy móc cụ thể, hữu hình, như CMCN 1.0 dựa trên cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và động cơ hơi nước, CMCN 2.0 dựa trên động cơ điện và sản xuất dây chuyền, CMCN 3.0 dựa trên máy tính và tự động hóa, còn CMCN 4.0 lại dựa trên công nghệ số “vô hình”, và đặc biệt là dựa trên việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên tri thức khổng lồ được tích lũy với tốc độ khủng khiếp theo “cấp hàm số mũ”.

Điều này dẫn đến sự khác biệt về cả hạ tầng và vốn đầu tư.

“CMCN 4.0 không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình sản xuất, mà còn tác động đến quá trình kinh doanh, dịch vụ, quản lý và quản trị, làm thay đổi cách chúng ta sống và làm việc”.

GS. Klaus Martin Schwab
Kỹ sư và nhà kinh tế người Đức

Các cuộc CMCN trước đây, hầu như toàn bộ công nghệ mới được chứa đựng trong máy móc thiết bị. Vì vậy nó đều dựa trên nền tảng hạ tầng là cơ sở vật chất cụ thể, hữu hình như ở trên đã nói như nhà xưởng, máy móc với diện tích rộng, cồng kềnh thuộc sở hữu riêng của từng doanh nghiệp. Điều đó kéo theo sự đầu tư lớn, không những cần nguồn tài chính khổng lồ mà còn là nguồn nhân lực cũng rất lớn, thủ tục quy trình phức tạp và tất yếu thời gian cũng không thể ngắn.

Tuy nhiên, đối với CMCN 4.0, hạ tầng chủ yếu lại là nền tảng số và dữ liệu, chỉ có một tỷ trọng nhỏ nằm trong máy móc hữu hình mà chủ yếu là các máy tính và thiết bị đầu cuối. Trong khi đó, nền tảng số là môi trường mạng dùng chung theo từng cấp độ, Big data – dữ liệu lớn là do toàn nhân loại sản sinh ra hầu hết cũng lại là dùng chung, kết nối vạn vật… Vì vậy, một mặt từng doanh nghiệp không cần đầu tư lớn; mặt khác, quan trong hơn là mọi doanh nghiệp đều có quyền tiếp cận, sử dụng nền tảng, tài nguyên như nhau và càng nhiều người dùng, công nghệ càng phát triển thì mức phí càng rẻ. Nói cách khác, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, đều có cơ hội phát triển như nhau trước chuyển đổi số.

Với phương thức truyền thống và công nghệ truyền thống, hầu hết các lĩnh vực truyền thống đều đã được các doanh nghiệp chiếm lĩnh. Một doanh nghiệp đi sau muốn thu hẹp khoảng cách là không dễ, bắt kịp đã khó, vượt lên càng khó hơn.

Chuyển đổi số - Cuộc đua sống còn
Công nghệ số đặt trên nền tảng hoàn toàn mới, cách vận hành hoàn toàn mới lại mở ra những cơ hội mới. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, đứng trước chuyển đổi số, với công nghệ mới, phương thức vận hành, thậm chí là cả phương thức tư duy mới hoàn toàn…, mọi doanh nghiệp gần như đều có điểm xuất phát bằng nhau. Chính vì vậy, cộng với chi phí đầu tư ban đầu không lớn như các phương thức truyền thống, bất cứ doanh nghiệp nào bắt đầu khởi nghiệp cũng có thể vượt lên, thậm chí là dẫn đầu, dẫn dắt, trên cả phương diện là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hay doanh nghiệp chỉ ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số thành công. Còn doanh nghiệp đang hoạt động cũng hoàn toàn có thể sử dụng chuyển đổi số làm công cụ, phương tiện để thu hẹp khoảng cách, đuổi kịp và vượt lên.

Tất nhiên ở đây phải hiểu là chỉ đề cập đến nội dung “chuyển đổi số”, tức là chuyển sang số hóa, cũng có nghĩa chỉ thay đổi cách thức sản xuất, cách thức kinh doanh, cách thức quản trị, vận hành, còn hạ tầng sản xuất thực ra vẫn là hạ tầng cũ, chỉ có điều toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm và lưu thông, bán hàng cho đến hậu mãi, chăm sóc khách hàng… đều là dựa trên nên tảng số. Hãy ví dụ đơn giản thế này: Số hóa lĩnh vực vận tải không phải là sẽ vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng… phương tiện số, mà là hạ tầng đường xá, bến bãi vẫn là đường xá, bến bãi hiện có, phương tiện máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy… đều là phương tiện hiện nay vẫn chạy… Chỉ có điều, cách thức quản trị, quản lý, vận hành thực hiện trên nền tảng số; đơn giản như bán vé qua mạng, điều hành qua mạng, thậm chí là xe tự lái được điều khiển hoặc thiết lập lộ trình sẵn trong không gian mạng…

Chính vì điểm xuất phát như nhau, nên ngay cả khả năng thành công cũng chia đều cho tất cả các doanh nghiệp. Bởi công nghệ số đặt trên nền tảng hoàn toàn mới, cách vận hành hoàn toàn mới và lại mở ra những cơ hội mới tiếp theo, nên không thể dựa trên lợi thế thâm niên, kinh nghiệm để giành chiến thắng. Thậm chí, thói quen tư duy và làm việc cũ còn là vật cản của chuyẻn đổi số thành công.

Nhân tố con người mang tính quyết định

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là chuyển đổi số không có trở ngại.

Thách thức về con người: Bất cứ cuộc CMCN nào cũng đều đòi hỏi một lực lượng lao động thích ứng với nó. Mà cuộc thay đổi lần này không chỉ nằm và chủ yếu không phải nằm ở kỹ năng lao động, mà lại nằm ở nhận thức và tư duy. Bởi vậy, nó đòi hỏi một thế hệ lao động mới hoàn toàn thay đổi về chất. Lực lượng lao động là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả, nhân tố then chốt lại là ở người đứng đầu.

“Công cuộc chuyển đổi số như đứng trên vai người khổng lồ. Mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp đều có thể rút ngắn các giai đoạn phát triển bằng cách đi thẳng vào công nghệ số, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí vốn, đặc biệt là tiết kiệm chất xám…, giống như một cách đi tắt đón đầu”.

Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng kết: “Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng”. Thói quen là của con người; nhận thức cũng là của con người.

Như vậy, cả khó khăn và thách thức lớn nhất của công cuộc chuyển đổi số không phải là tài chính hay máy móc, công cụ, phương tiện mà chính là con người, trong đó nhân tố quyết định là người đứng đầu. Đầu tiên là nhận thức, sau đó là quyết tâm và cuối cùng là hành động. Bởi không có chuyển biến về nhận thức về tầm quan trọng và tính chất sống còn của công cuộc chuyển đổi số sẽ không có đủ quyết tâm, mà không đủ quyết tâm sẽ không đủ hành động quyết liệt đến cùng. Trong khi chuyển đổi số là cuộc cách mạng mang tính triệt để, cách mạng nửa vời tất yếu sẽ thất bại.

Thách thức về sự thích ứng: Không những cần thích ứng với sự thay đổi gần như tận gốc rễ và căn bản, mà còn là và quan trọng là thích ứng với sự thay đổi tiếp theo. Có thể nói, suy cho cùng đây là cuộc cách mạng về tư duy, về trí tuệ và đặc biệt là máy móc hóa trí tuệ, nên một khi đã bước vào cuộc cách mạng này thì nó sẽ diễn ra rất nhanh và tiếp tục có sự thay đổi rất nhanh mà không ai có thể đoán định trước được nó sẽ diễn ra như thế nào.

Ngay cả những bộ phim hay truyện viễn tưởng táo bạo nhất có lẽ cũng không thể theo kịp sự phát triển của công nghệ số với những ý tưởng mới và sản phẩm mới của trí tuệ nhân tạo và hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Bởi những bộ phim hay truyện viễn tưởng cũng chỉ là sự tưởng tượng của đầu óc con người, còn những sản phẩm của trí tuệ nhân tạo lại phát triển theo hàm số mũ, nên sẽ tạo ra những sự bất ngờ có thể vượt ngoài sức tưởng tượng của con người tư duy theo lối truyền thống. Cái mà hôm nay là hoàn toàn mới mẻ, thì ngay ngày mai đã có thể trở thành lạc hậu và bị thay thế, không phải chỉ là sản phẩm mà là ngay cả phương thức vận hành hay cách tiếp cận, thậm chí ngay cả cách thức tư duy hay logic thông thường cũng có thể bị thay thế. Bởi vậy, bước vào cuộc cách mạng số là bước vào một vòng quay trí tuệ với tốc độ càng ngày càng nhanh. “Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có” (FSI).

Chuyển đổi số - Cuộc đua sống còn
Dây chuyền sản xuất ô tô tại Nhà máy ô tô VinFast.

Các nhà khoa học đánh giá, Thuyết tương đối của Albert Einstein, đặc biệt là Thuyết tương đối rộng, đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về vũ trụ, và thậm chí đã giúp hình thành nên một thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay.

Công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… có thể cũng vậy, nhưng là hướng vào cuộc sống và hoạt động của con người. Nó là cuộc đua sống còn hay cơ hội bứt phá còn tùy thuộc vào nhận thức và hành động của mỗi doanh nghiệp. Nhưng có điều chắc chắn, đây là xu thế không thể cưỡng lại.

Có thể nói, công cuộc chuyển đổi số như đứng trên vai người khổng lồ. Mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp đều có thể rút ngắn các giai đoạn phát triển bằng cách đi thẳng vào công nghệ số, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí vốn, đặc biệt là tiết kiệm chất xám…, giống như một cách đi tắt đón đầu. Từ bước ngoặt về nhận thức dẫn đến những thay đổi về chất trong quản trị, vận hành, cách thức tạo ra sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng…, mở ra trường kinh doanh hoàn toàn mới và cơ hội phát triển mang tính bước ngoặt./.

BÙI VĂN DOANH

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024