Chuyên gia DXS - FERI: Dự báo đến cuối năm, số lượng môi giới bất động sản chỉ còn lại tối đa 20-30% so với cuối năm ngoái
Ở một chia sẻ mới đây, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services Trịnh Thị Kim Liên cho biết, đã tròn 1 năm kể từ khi thị trường bất động sản rơi vào khó khăn. Nhiều doanh nghiệp môi giới đã bị bỏ lại phía sau, thậm chí có công ty chỉ còn sếp mà không có nhân viên. Ở chiều ngược lại thì cũng có một số doanh nghiệp với tiềm lực tài chính mạnh đang đẩy mạnh hoạt động, tuyển dụng nhân sự nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ môi giới bất động sản chuyển sang nghề khác là chiếm phần lớn với tỷ lệ rất cao. Cụ thể, theo số liệu của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Đất Xanh Services (DXS - FERI), đến cuối tháng 6/2023, số lượng môi giới trên thị trường đã giảm 60% - 70% so với cuối năm 2022.
Bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services. |
Bà Liên cũng cho biết, theo khảo sát của DXS thì có 10% môi giới sẵn sàng rời ngành trong năm nay, 19% người được hỏi trả lời rằng hoạt động nghề môi giới bất động sản song song với việc tìm thêm công việc khác để ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, có 36% môi giới đã nghỉ việc trả lời sẽ trở lại với nghề khi thị trường hồi phục; còn đến 52% người được hỏi có câu trả lời rằng chưa có ý định trở lại ngành bất động sản trong năm 2023.
“Dự báo đến cuối năm 2023, số lượng môi giới còn lại tối đa 20-30% so với cuối năm 2022”, bà Liên chia sẻ.
Thực trạng “ảm đạm” của thị trường bất động sản, cũng như sự khó khăn đối với nhân viên môi giới còn được thể hiện qua số liệu khảo sát của VARS. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ, chỉ còn 1.744 đơn vị.
Đáng chú ý, hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các địa phương trên cả nước. Số lượng môi giới hoạt động chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Trên thị trường, thanh khoản sụt giảm và sự mất niềm tin của nhà đầu tư, người mua nhà đối với bất động sản được thể hiện rõ nét. Thị trường truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án trên thị trường tại hầu hết các địa phương đều trong tình trạng “đắp chiếu”, chờ phê duyệt. Đơn cử như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh...
Chính điều này đã khiến kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp môi giới đều sụt giảm. Số liệu từ VARS cho thấy, có hơn 90% doanh nghiệp môi giới là hội viên của VARS ghi nhận doanh thu quý I/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm tới 20 - 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70 - 80%.
Khó khăn trên cũng buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Dữ liệu từ 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất (tính tại thời điểm ngày 31/12/2022) cho thấy, có tới 6 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm 2022. Tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý II/2022.
Về quỹ lương, có tới hơn 40% doanh nghiệp môi giới được khảo sát cho biết họ buộc phải cắt giảm lương nhân sự 10 - 20%. Hơn 44% số doanh nghiệp được khảo sát phải thực hiện biện pháp cắt giảm quy mô nhân sự, để không phải cắt giảm lương.
VARS dự báo, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay.