ISSN-2815-5823

Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Việt Nam cần làm gì để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thật sự phát triển?

(KDPT) – Chủ đề của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tôi rất trăn trở với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: cho đến nay vẫn chưa định hình đầy đủ và thật rõ; phải làm sao để nó phát triển nhanh, bền vững, mang lại tầm thế quốc tế mới cho nước ta trong những năm tới.

Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng:
» Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
» Mong đợi một chiến lược đổi mới và phát triển đất nước

Trước hết chúng ta cần nhận thức rõ thêm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mang lại một nền kinh tế phát triển vững vàng, phải phù hợp với xu thế thời đại và mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Song, như chúng ta thấy, một thành tố quan trọng bậc nhất góp phần nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua là khu vực kinh tế tư nhân. Điều đó thực tế khẳng định rất sớm nhưng nhận thức về nó lại tiến triển rất chậm. Mãi sau 35 năm chuyển sang kinh tế thị trường mở cửa hội nhập, chúng ta mới đạt đến nhận thức rằng kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng. Nhận thức về vai trò, sứ mệnh lịch sử của các tập đoàn kinh tế tư nhân còn khó khăn và chậm hơn nữa.

Thử hỏi nếu như nền kinh tế của Việt Nam chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nó có thể đủ sức cạnh tranh quốc tế, nhất là trong điều kiện hiện đại không? Nền kinh tế nước ta có thể thoát khỏi tình trạng tụt hậu phát triển để trở nên hùng mạnh không? Tôi chưa thấy cường quốc kinh tế nào mà lại không có các tập đoàn kinh tế hùng mạnh của chính mình. Nền kinh tế Việt Nam phải có “các con đại bàng của Việt Nam”, mang thương hiệu, bản sắc riêng của người Việt Nam. Để lớn lên thật, nền kinh tế của ta không thể dựa vào “các con đại bàng nước ngoài”.

Tại thời điểm hiện nay, có thể diễn đạt điều to tát nói trên bằng một thực tế cụ thể, hiển nhiên: phải có các tập đoàn kinh tế mạnh, chủ yếu là các tập đoàn tư nhân, để xây dựng các chuỗi sản xuất của chính Việt Nam và cho Việt Nam. Mặc dù quan điểm này chưa được đưa vào văn kiện đường lối của Đảng nhưng Chính phủ và Quốc hội đã bắt đầu đặt vấn đề theo hướng này. Đó thực sự là một cú đột phá xuất phát tốt, tuy muộn.

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, rất hay là chúng ta cũng đã có nhận thức khác về FDI, rằng phải thu hút FDI trình độ cao, đẳng cấp, chất lượng tốt. Khi đó, yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp nước ngoài mà chúng ta cần thu hút là phải liên kết được với doanh nghiệp Việt Nam, “kéo” doanh nghiệp Việt Nam lên và cùng với doanh nghiệp Việt thành công. Nhưng muốn vậy, doanh nghiệp trong nước phải lớn lên, có tiềm lực mạnh tương xứng với nhu cầu liên kết. Lâu nay, dường như ta quên mất điều căn bản đó, dẫn tới một tình trạng lạ kỳ là một nền kinh tế thị trường “nhị nguyên” rời rạc, ít liên kết phát triển.

Có nghĩa là tới đây, dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào, vấn đề mấu chốt của phát triển là Nhà nước, Chính phủ phải có các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam lớn lên đúng kiểu, như một lực lượng, một tập hợp sức mạnh.

Điều quan trọng nhất là chất lượng của doanh nghiệp, đồng nghĩa với hệ thống quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp đủ tầm thời đại. Lực lượng doanh nhân cần phải lớn mạnh. Không thể manh mún, nhỏ lẻ, chỉ cần “đủ sống” là có thể sống trong thời đại cạnh tranh quốc tế khốc liệt ngày nay. Phải lớn mạnh để có thể nâng cao quản trị, cạnh tranh quốc tế. Có doanh nghiệp tốt mới có nhân công tốt, mới có thể đưa ra đòi hỏi Chính phủ cải thiện chính sách tốt. Chúng ta đòi doanh nghiệp nước ngoài vào phải đàng hoàng, nhưng doanh nghiệp trong nước thì sao? Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, nhưng phải đúng tầm thời đại. Không thể giữ mãi cấu trúc xin – cho, hành là chính. Muốn thay đổi cấu trúc này, xã hội, thị trường, doanh nhân đặt ra những vấn đề để Chính phủ “tự” kiến tạo.

Đó là về doanh nghiệp. Tuy nhiên muốn doanh nghiệp lớn mạnh thì trước tiên Nhà nước phải thay đổi. Chính phủ kiến tạo chính là mục tiêu của sự thay đổi đó. Chính phủ kiến tạo đơn giản là Chính phủ phục vụ doanh nghiệp, cởi trói cho doanh nghiệp, chứ không phải là Chính phủ “quản”, “trói” và “tận thu” doanh nghiệp. Chính phủ đó phải thiết kế lại hệ thống chính sách, loại bỏ cơ chế xin – cho, làm sao để doanh nghiệp đỡ bị “hành”, giảm chi phí “bôi trơn”. Để những lực lượng cản trở thị trường bớt đi, thị trường đỡ bị méo mó.

Thương hiệu ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup là niềm tự hào của người Việt Nam.

Thế nào là phục vụ doanh nghiệp? Lâu nay Nhà nước chỉ tập trung lo đạt tốc độ tăng trưởng cao, coi đây là mục tiêu tối cao; lạm phát, bất ổn tính sau. Bây giờ phương trình đặt đảo lại: muốn có tăng trưởng cao lâu bền thì phải có nền tảng vĩ mô vững, giữ được lạm phát thấp và ổn định. Thành tích tốt của kinh tế Việt Nam mấy năm vừa rồi cơ bản là nhờ “phép đảo” đơn giản đó. Chính phủ đã dốc sức kiềm chế lạm phát, vì giá cả ổn định là điều quan trọng nhất với doanh nghiệp.

Làm được điều đơn giản nhưng rất căn bản như vậy đã xoay chuyển toàn bộ cấu trúc tăng trưởng kinh tế. Chúng ta phải nhớ kỹ bài học sơ đẳng quan trọng bậc nhất này.

Ngoài ra, quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế thời gian qua cũng có nhiều điều chưa ổn. Tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, phục vụ rất tốt cho mục tiêu “ăn xổi”, làm giàu “dễ” của các nhóm lợi ích gắn với quyền lực phân bổ các nguồn lực quốc gia. Cơ sở sinh tồn của đất nước ta là tài nguyên, nếu chỉ lo tăng trưởng, khai thác tài nguyên quá mức thì dẫn đến hàng loạt hệ lụy, thậm chí mang tính thảm họa. Những trận lũ lụt có sức tàn phá ghê gớm các tỉnh miền Trung đói nghèo thời gian vừa rồi là một ví dụ. Mỗi khi lũ lụt đi qua nhà cửa, tài sản của người dân lại trôi theo dòng nước lũ. Nền kinh tế và cuộc sống của người dân lại trở về “mo”. Ta phát triển tại một vùng đặc thù mà không lo bảo vệ những gì làm được thì phải hỏi cách phát triển như vậy có ổn không chứ, phải đặt vấn đề tìm kiếm một cách phát triển khác đi chứ. Với cách phát triển như bây giờ thì đến bao giờ người dân miền Trung mới thoát khỏi xuất phát điểm nghèo khó, để vươn lên cùng với miền Bắc và miền Nam đây? Có lẽ phải lo giữ nhà cửa, bảo vệ tài sản cho người dân, để gió thổi không đổ, lũ cuốn không trôi, là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và mang tính đặc thù của phương thức phát triển kinh tế của miền Trung chăng?

Về vấn đề phát triển công nghệ, có nhiều chuyện phải bàn, rất thú vị. Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh một điểm quan trọng nhưng lại chưa được chú ý đúng mức. Đó là hiện tượng – xu hướng mấy năm gần đây, khi Việt Nam đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy kinh tế số – mạng, khuyến khích ứng dụng nhanh công nghệ cao, trong nền kinh tế và đời sống, đã xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng việc nắm được nhanh và sớm thành tựu công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đánh bạc qua mạng, đầu tư kinh doanh đa cấp, lừa đảo qua mạng,… cũng phát triển ồ ạt. Người dân bị lừa nhiều, đa số là dân nghèo, những người mong mỏi, khát khao thoát nghèo nhưng lại cả tin và ít hiểu biết về công nghệ.

Nói vậy để thấy trong giai đoạn thời đại công nghệ biến chuyển nhanh, dễ có những khoảng chênh lệch phát triển để tạo ra các “bẫy sập”, rủi ro rất lớn. Để hạn chế những rủi ro này, đi liền với những nỗ lực lúc đẩy “tiến nhanh vào thời đại công nghệ cao, kinh tế số”, cần phải tăng cường xây dựng khung thể chế, pháp luật để vận hành và điều hành hiệu quả nền kinh tế, bảo vệ hiệu quả người dân. Hô hào, thúc đẩy tiến nhanh phải gắn liền với việc nâng cao năng lực cho người dân và phải tạo hệ thống bảo vệ họ.

Bài học có vẻ không quá quan trọng nhưng thực sự nó rất có ý nghĩa. Đi sau, đi theo dễ bị lừa lắm. Và chân lý này không chỉ đúng cho các cá nhân đâu. Nó còn đúng ở tầm doanh nghiệp và quốc gia nữa.

Tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh cần phải tập trung ưu tiên cao đó cho việc chuẩn bị năng lực công nghệ cho người dân, cho xã hội. Yêu cầu đó dẫn tới đòi hỏi cấp bách phải có những chính sách thúc đẩy việc nâng cao trình độ công nghệ cho người dân, xây dựng hệ thống luật mới để bảo vệ người dân. Trí tuệ đang và sẽ trở thành nguồn tài nguyên quý giá bậc nhất của Việt Nam. Vì vậy xây dựng một đạo luật sở hữu trí tuệ đúng tầm, đáp ứng yêu cầu của thời đại phải là một nhiệm vụ cần được quan tâm đặc biệt.

Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất sự phát triển khoa học – công nghệ (KHCN). Lĩnh vực KHCN hiện nay cơ bản đang “được nhà nước nuôi”. Tất nhiên, có một số doanh nghiệp lớn cũng làm khoa học, như Vingroup chẳng hạn. Nhưng còn mới mẻ và ít ỏi lắm. Nền khoa học của nước ta cơ bản vẫn đang tiến hành nghiên cứu theo kiểu “hành chính sự nghiệp”. Khó mà có khoa học đích thực theo kiểu đó. Vì thế mà cho đến nay, nền tảng kinh tế vẫn chưa được đặt trên nền tảng công nghệ và được dẫn dắt bởi nó.

Chỉ khi nào chúng ta coi định hướng phát triển KHCN là linh hồn của chiến lược phát triển kinh tế thì lúc đó mới bắt đầu nói đến Cách mạng công nghiệp 4.0 hay nền kinh tế số một cách thực chất.

Nghĩa là phải thay đổi tư duy, phải biết mang cái “bình hoa khoa học công nghệ” đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển, phải coi chiến lược phát triển KHCN là trục chính của mục tiêu phát triển kinh tế nói riêng và đất nước nói chung. Nói thì dễ như vậy, nhưng làm thế khó lắm. Nền kinh tế và tư duy của chúng ta vẫn “nặng căn” với đất cát, với xi măng sắt thép lắm.

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, THÀNH VIÊN TỔ TƯ VẤN KINH TẾ CỦA THỦ TƯỚNG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/01/2025