ISSN-2815-5823

Khai thác thế mạnh địa phương cải thiện đời sống nhân dân

(KDPT) - Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã có sự chuyển biến tích cực, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Phóng viên Tạp chí Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên để tìm hiểu cách làm của địa phương này.

PV: Phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân một cách bền vững là việc nói dễ khó làm. Ông nhận định thế nào về điều này?

Ông Hoàng Văn Sinh: Tiên Yên là một trong những huyện nghèo của Quảng Ninh. Chúng tôi xác định cần phát huy thế mạnh là các sản phẩm vốn có của địa phương để phát triển kinh tế. Song song với đó là giữ gìn môi trường. Vì thế, các bạn thấy đấy, đến Tiên Yên rất sạch.

Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Hoàng Văn Sinh.

Năm nay chúng tôi tập trung thực hiện chủ đề của Quảng Ninh là “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”. Ngoài phát triển kinh tế, chúng tôi quan tâm tới nhà ở cho nhân dân (nhất là những hộ yếu thế). Đến nay 80% phần việc xây mới và sửa chữa nhà cho các hộ gia đình theo đối tượng này đã hoàn thành theo kế hoạch. Tiên Yên tập trung cho vấn đề nước sạch (theo tiêu chuẩn Bộ Y tế) nông thôn.

Đến nay gần 80% nước sạch được cung cấp. Công trình xử lý nước thải với công suất hơn 900 khối/ngày đêm, xử lý 90% nước thải của hệ thống sắp được đưa vào khánh thành.

Ngoài bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường, xử lý nước thải, Tiên Yên còn quan tâm phát triển kinh tế rừng, bảo tồn được các khu rừng ngập mặn với diện tích lớn nhất các huyện khu vực Đông Bắc. Chúng tôi tiếp tục phát triển kinh tế rừng (rừng có 650km2, chiếm xấp xỉ hơn 80% diện tích toàn huyện). Mỗi năm Tiên Yên khai thác 60km2 cây keo (1ha thu nhập 70-80 tr/ha, chu kỳ 5 năm).

PV: Ông có nói đến việc phát huy các sản phẩm vốn có của địa phương để phát triển kinh tế. Ông hãy chia sẻ về cách làm của Tiên Yên?

Ông Hoàng Văn Sinh: Chúng tôi nhận thấy phát triển sản phẩm OCOP là cách giúp người dân thoát nghèo bền vững. Sản phẩm OCOP cũng giúp chúng tôi giữ gìn được rừng và môi trường sống trong lành. Vấn đề là lấy sản phẩm gì để làm OCOP? Tiên Yên đặt ra vấn đề phải tìm các sản phẩm thế mạnh của địa phương, trên cơ sở văn hóa truyền thống chứ không làm sản phẩm mà mình không có.

Gà Tiên Yên là sản phẩm chúng tôi nghĩ đến đầu tiên và đã được triển khai thành công. Thương hiệu gà Tiên Yên giờ đây rất được yêu thích. Mỗi năm, con gà mang về thu nhập không dưới 300 tỷ đồng cho Tiên Yên. Năm 2022, Tiên Yên có gần 1 triệu con gà thành phẩm. Thậm chí, đợt dịch Covid-19 đầy khó khăn, số lượng đàn gà giảm nhưng giá gà thậm chí ngày càng tăng. Ngoài gà, Tiên Yên còn một sản phẩm nuôi chủ lực nữa là tôm. Tiên Yên có 10 xã và 1 thị trấn thì gà được nuôi ở 5 xã vùng cao còn tôm được nuôi ở 5 xã ven biển.

Đến nay Tiên Yên có 18 sản phẩm OCOP đã được gắn sao và sắp tới dự kiến có thêm 33 sản phẩm nữa. Trứng vịt biển Đồng Rui, mật ong, bánh gật gù, kẹo lạc hồng... cũng được nhiều người tìm đến mỗi khi về Tiên Yên.

PV: Trong khi nhiều nơi gặp thất bại với sản phẩm tương tự nhưng phố đi bộ lại khá thành công ở Tiên Yên, theo ông đó là nhờ đâu?

Ông Hoàng Văn Sinh: Thực tế, Tiên Yên không có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Để thu hút du khách, năm 2016, Ban thường vụ huyện ủy Tiên Yên đã lên ý tưởng về việc xây dựng điểm đến thể hiện được những bản sắc vốn có của địa phương. Chúng tôi nghĩ đến phố cổ và đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm thực hiện phố đi bộ. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi lấy ý kiến người dân, xin đóng góp từ các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ về cách thức vận hành, duy trì phố đi bộ. Cuối cùng sản phẩm du lịch Phố đi bộ Tiên Yên ra đời trên cơ sở lấy ý tưởng dựa vào hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố làm chủ đạo.

Hội thi chế biến ẩm thực gà Tiên Yên do thầy cô giáo các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện trực tiếp chế biến.

Năm 2017, sản phẩm du lịch Phố đi bộ Tiên Yên ra đời và hoạt động vào cuối tuần. Để phố đi bộ hấp dẫn, tháng nào chúng tôi cũng tổ chức sự kiện ở đây. Chẳng hạn ngày 8/3 phố lấy điểm nhấn theo chủ đề phụ nữ; ngày truyền thống một số ngành nghề cũng được tổ chức tại phố đi bộ thay vì ở các cơ quan, công sở... Những tuần không có ngày lễ đặc biệt thì các câu lạc bộ tự do đăng ký tham gia đóng góp.

Ngoài ra, Phố đi bộ của Tiên Yên thu hút các đoàn du khách thập phương, đặc biệt từ huyện Bình Liêu sang chơi. Có lẽ một phần nhờ chúng tôi chia phố thành các đoạn phố ẩm thực, trình diễn văn hóa... Trên phố cũng duy trì 3 sân khấu phục vụ cho các đối tượng khác nhau gồm: một sân khấu chính, một dành cho thanh niên và một cho tất cả nhân dân tự do trình diễn nghệ thuật, hát karaoke...

PV: Theo ông trong quá trình triển khai các hoạt động ở địa phương, Tiên Yên gặp khó khăn gì nhất?

Ông Hoàng Văn Sinh: Khó khăn đầu tiên của Tiên Yên là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Bởi vì muốn du khách biết đến Tiên Yên thì không gì bằng họ phải được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa giàu đẹp của chúng tôi. Thế nhưng, Tiên Yên nằm ở vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, đi lại khá khó khăn. May mắn là, thời gian qua, Nhà nước quan tâm, cả hệ thống chính trị đồng lòng nên con đường đến với “Tiên Yên” đã ngắn đi khá nhiều.

Tuy nhiên, đặc trưng địa hình miền núi lại nằm ở ven biển, bị chia cắt nhiều bởi sông ngòi nên cơ sở hạ tầng của Tiên Yên vẫn cần tiếp tục được đầu tư với hy vọng đi lại thuận tiện, bảo đảm thời gian, sức khỏe cho khách đến.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine