ISSN-2815-5823

Khởi nghiệp sáng tạo: Mơ hồ sẽ thất bại

95% doanh nghiệp start-up thất bại

(KDPT) – Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để khởi nghiệp sáng tạo (start-up) phát triển. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp start-up Việt Nam lại thất bại hoặc tồn tại lay lắt vì nhiều lý do. Một trong số đó, theo PGS. TS. ĐINH TRỌNG THỊNH (Học viện Tài chính), là giới trẻ Việt đang mơ hồ về start-up. Họ thường lầm tưởng giữa việc bắt đầu một công việc và bắt đầu đầu tư vào công nghệ là khởi nghiệp sáng tạo.

>>> Nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt PhilippRoesler: Đây là thời điểm để startup Việt Nam phát triển mạnh mẽ

>>> Khởi nghiệp: Vốn hay ý tưởng mới mang lại lợi thế?

>>> Lý do Singapore hấp dẫn startup thế giới

– Ông nhận định gì về phong trào start-up của Việt Nam hiện nay?

– Khởi nghiệp sáng tạo là yếu tố tất yếu, đặc biệt là tại quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Vấn đề start-up tại Việt Nam những năm gần đây được Nhà nước, Chính phủ quan tâm, đầu tư. Theo đó, nhiều vườn ươm khởi nghiệp, quỹ khởi nghiệp… được thành lập để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển, nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xứng tầm quy mô và mang bản sắc riêng của Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách giúp cho start-up đứng vững và hoạt động hiệu quả chưa thực sự nhiều. Ngoài ra, từ chính sách đến thực tiễn là một khoảng cách lớn. Quá trình thực hiện chính sách về khởi nghiệp ở các địa phương vẫn hời hợt, mang tính phong trào, chưa có hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể. Đa số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng. Họ vẫn phải “tự bơi tự lớn”. Hệ lụy là trên 95% dự án khởi nghiệp ở Việt Nam thất bại. Một phần nhỏ còn lại hoạt động thoi thóp. Số start-up khởi nghiệp thành công và số doanh nghiệp gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 0,1% trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp.

– Đâu là nguyên nhân khiến số đông các start-up thất bại, thưa ông?

– Nguyên nhân thất bại thì có nhiều. Khó khăn, rào cản đối với các start-up ở mỗi địa phương “muôn hình vạn trạng”, nhưng tựu chung họ vẫn chưa nhận được quan tâm, hỗ trợ xứng tầm. Từ khâu hoạch định chính sách đến thực thi, sự quan tâm tới sart-up vẫn còn quá ít, chưa cụ thể, các quỹ hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp của Việt Nam cũng chưa lớn…

Nhiều bạn trẻ nhìn thấy cơ hội và tổ chức kinh doanh một cách tự phát. Đa số họ chưa có kinh nghiệm quản trị kinh doanh, ít kiến thức và hiểu biết xã hội cũng như pháp lý và những yêu cầu nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập. Mặc dù vậy, các start-up này cũng ít nhận được hỗ trợ, tư vấn pháp lý, thiếu chia sẻ kinh nghiệp, hoạt động cụ thể… khi khởi nghiệp ra sao để tránh thất bại.

Một nguyên nhân lớn khác, là do giới trẻ Việt đang quá mơ hồ về start-up. Họ thường lầm tưởng giữa việc bắt đầu một công việc và bắt đầu đầu tư vào công nghệ là khởi nghiệp sáng tạo. Việc nhầm lẫn giữa những khái niệm này sẽ khiến mục tiêu kinh doanh bị chệch khỏi định hướng ban đầu. Điều này cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của các start-up. Điều đầu tiên với các start-up có thể thành công là họ phải có sự tích luỹ “vốn liếng”. Vốn liếng ở đây bao gồm cả tri thức, kỹ năng lãnh đạo, quản trị kinh doanh, kinh nghiệm về thương trường và tài chính, hiểu biết về công nghệ… Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng thì start-up sẽ khó thành công.

Tiếp đó là hiện nay chưa có cơ quan thẩm định các dự án khởi nghiệp sáng tạo một cách chất lượng khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn chưa mấy hứng thú, tin tưởng các start-up Việt…

Tăng liên kết, bớt đợi hỗ trợ

– Có ý kiến cho rằng, điểm yếu mang tính cố hữu của doanh nghiệp Việt, trong đó có các start-up là chuyển đổi chậm và thiếu tính liên kết, ông nhận định gì về ý kiến này?

– Những năm gần đây, phong trào start-up tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau, khiến các start-up chưa có môi trường phát triển thuận lợi nhất.

Liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn tới thành công cũng như tồn tại và phát triển của doanh nghiệp start-up, vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp vô cùng lớn trong vấn đề liên kết này. Các doanh nghiệp đi trước phải tích cực hơn trong khâu kết nối, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm để hạn chế rủi ro cho các start-up.

Những hiệp hội doanh nghiệp phải là “người kết nối” giữa start-up với nhà quản lý. Từ đó, tạo điều kiện giúp những doanh nghiệp này chuyển đổi nhanh, theo kịp xu thế, nhằm tạo hướng đi bền vững cho doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh. Thực hiện tốt hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp có thể tạo ra những doanh nghiệp xứng tầm. Nếu để các start-up tự ăn tự lớn thì việc phát triển vô cùng khó khăn.

– Theo ông để nâng cao tỷ lệ thành công, giúp các start-up đứng vững và phát triển, Việt Nam cần thực hiện những giải pháp nào ?

– Startup không phải là có gì bán nấy. Nếu chỉ có ý tưởng tốt và vốn lớn mà thiếu trình độ quản lý thì cũng rất khó để thành công. Theo tôi, thời điểm hiện tại, điều quan trọng nhất là tạo một hệ sinh thái start-up phù hợp, sự liên hệ vững mạnh của nhiều thành tố, bao gồm doanh nhân, nhà nghiên cứu, chính phủ và những nhà đầu tư mạo hiểm… Thực tế, rất ít start-up tiếp cận được gói tín dụng, bởi thiếu hệ thống thẩm định, đánh giá chất lượng dự án. Ngoài vấn đề khát vốn, việc mở rộng hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các startup phát triển vô cùng quan trọng. Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò định hướng, “mở đường” cho các start-up phát huy sức mạnh tối đa. Ngoài ra, cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho hoạt động start-up.

Khởi nghiệp ở kỷ nguyên hội nhập kinh tế quốc tế trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi người khỏi nghiệp phải nhanh, chớp được thời cơ. Do đó, Chính phủ cùng với các hiệp hội doanh nghiệp cần tăng cường giúp start-up Việt có được hành trang tốt nhất, xóa bỏ rào cản về hạn chế tri thức, kinh nghiệm thương trường, tăng cường khả năng chuyển đổi, liên kết… để start-up không phải con thiêu thân lao vào thương trường.

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không nên trông chờ vào những ưu đãi, hỗ trợ mà phải tự học tập, đẩy mạnh liên kết, tìm kiếm cơ hội mới để vươn mình lớn mạnh…

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn: daibieunhandan.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024