Nhà đầu tư đang "ôm đất chờ thời"?
“Ôm đất” vùng ven chờ thời
Những diễn biến tại thị trường bất động sản phía Nam đã cho thấy điều này khi bên cạnh các nhà đầu tư cố để ra được hàng, giảm giá sâu hoặc bán bằng mọi giá thì có không ít nhà đầu tư đất nền vùng ven nếu không bị cán cân tài chính đè nặng hay chưa quá “đuối”, lựa chọn “gồng mình” giữ đất chờ thị trường phục hồi thay vì thỏa hiệp. Cũng không ít người vì rao mãi không thoát được hàng nên chấp nhận tiếp tục giữ đất.
Minh chứng cho điều này là theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), từ đầu năm đến nay, giá và giao dịch mua bán đất nền đang có xu hướng giảm mạnh. Giá bán gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Hiện thị trường giao dịch ảm đạm, làn sóng cắt lỗ gia tăng với nhóm đầu tư ngắn hạn và loại hình BĐS không phục vụ nhu cầu thực. Dự báo đất nền ở những vùng phát triển quá mức và giá đã tăng quá mạnh trong năm 2022 sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023 để điều chỉnh về mức phù hợp. Ngược lại, những vùng chưa có nhiều dự án sẽ có khả năng tăng giá.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, đất nền rao bán tại nhiều địa phương có động thái giảm 20-30% ở các giao dịch thứ cấp và ít nhất 5-10% ở nguồn hàng sơ cấp nếu so với thời điểm đầu năm 2022, mức giảm phổ biến từ 100 triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi nền, thậm chí có nơi giảm sâu gần 40-50% với khu vực từng sốt ảo như Tây Nguyên, Bình Phước…
Số liệu cũng chỉ ra, trung bình 62% người dùng đang có nhu cầu mua bất động sản nhưng phải từ bỏ kế hoạch mua nhà hoặc chưa quyết định xuống tiền mua vì tài chính không đủ, không dám đi vay mua nhà lúc này và chọn chờ đợi bất động sản giảm giá sâu để tìm cơ hội. Trong khi đó, ở nhóm khách hàng đầu tư, 36% chọn giữ lại tài sản chờ thị trường phục hồi, chỉ có 31% nhà đầu tư chấp nhận hạ giá, bán cắt lỗ để thoát hàng lúc này. Yếu tố chính khiến người mua nhà lo ngại chưa xuống tiền lúc này là lãi vay đối với lĩnh vực bất động sản đang khá cao, tiềm ẩn nguy cơ biến động lãi suất.
Các chuyên gia cũng dự báo đất nền ở những vùng phát triển quá mức và giá đã tăng quá mạnh trong năm 2022 sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023 để điều chỉnh về mức phù hợp. Ngược lại, những vùng chưa có nhiều dự án và tốc độ đô thị hoá cao sẽ có khả năng tăng giá.
Trên thực tế, phần nhiều người mua bất động sản ở vẫn đang duy trì tâm lý chờ đợi giá giảm sâu, chờ lãi vay giảm xuống dưới 10% mới tính đến chuyện mua vào.
Nhà đầu tư “xuống tiền” với đất đấu giá
Bên cạnh những nhà đầu tư đang “sẵn hàng” thì cũng có không ít người đã bắt đầu “xuống tiền” với loại hình đất đấu giá để tìm kiếm cơ hội.
Điển hình như UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở (tổ chức ngày 01/7/2023) tại Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn Thắng đối với 17 lô đất ở tại Khu tái định cư thôn Tân Thắng và thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát.
Theo đó, 17 lô đất nói trên có tổng giá khởi điểm khoảng 15,1 tỷ đồng và có giá trúng đấu giá khoảng 16,6 tỷ đồng.
Trong đó có một cá nhân trú tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định trúng đấu giá cùng lúc 7 lô đất, với giá trúng đấu giá chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm.
Bên cạnh đó còn có một cá nhân khác trú tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cũng trúng đấu giá cùng lúc 3 lô đất, với tổng giá trúng đấu giá cao hơn so với tổng giá khởi điểm là 690 triệu đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở (tổ chức ngày 22/6/2023) tại Công ty Đấu giá Hợp danh Kiểu Việt đối với 06 lô đất ở tại Khu Đô thị mới Long Vân (Khu A2), phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn. 6 lô đất nói trên có tổng giá khởi điểm khoảng 10,3 tỷ đồng và có tổng giá trúng đấu giá khoảng 10,4 tỷ đồng.
Trong đó có một cá nhân trú tại thành phố Quy Nhơn đã trúng đấu giá 2 lô đất, với tổng giá trúng đấu giá bằng với tổng giá khởi điểm.
Động thái này cho thấy nhà đầu tư cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới nên đã quyết định “xuống tiền” ở thời điểm này để chờ đợi.