ISSN-2815-5823

Nợ liên bang của Mỹ vượt mốc sau Thế chiến thứ hai

(KDPT) – Việc chính phủ Mỹ vay nợ tăng vọt trong bối cảnh kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 đã đặt quốc gia này vào tình thế chưa từng thấy kể từ Thế chiến thứ hai. Dự báo vào năm 2023, nợ liên bang của Mỹ sẽ cao hơn mức nợ kỷ lục vào thời Thế chiến thứ hai.

Nợ liên bang, là một phần của nền kinh tế, đạt 98% trong năm tài chính 2020. Nhiều nhà kinh tế đang thúc đẩy các nhà lập pháp bổ sung nhiều hơn nữa để đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của quốc gia.

Ngày 2/9, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết, số nợ của chính phủ Hoa Kỳ đã tăng gần vượt quá quy mô nền kinh tế của quốc gia trong năm tài chính 2020 và được dự kiến ​​sẽ vượt quá vào năm tới, bởi cuộc suy thoái do Covid-19 làm giảm nguồn thu thuế, thúc đẩy chi tiêu của chính phủ và đòi hỏi các khoản vay liên bang cao kỷ lục.

Báo cáo của CBO đã nhấn mạnh tình hình hỗn loạn vào năm 2020, cho thấy nợ do công chúng nắm giữ đã lên tới 98% quy mô nền kinh tế trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9. Các nhà dự báo trước đó đã kỳ vọng Mỹ sẽ đạt mức đó vào cuối thập kỷ, cảnh báo thâm hụt tăng cao sẽ tiêu tốn ngân sách liên bang và làm giảm đầu tư tư nhân.

Nhưng Covid-19 đã làm đảo ngược những dự đoán đó, khiến ngay cả những nhà kinh tế lâu năm có sự thận trọng về tài khóa cũng thúc giục các nhà lập pháp tiếp tục vay nhiều hơn trong thời điểm hiện tại, để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, trong khi sự phục hồi hiện đang chậm lại.

Maya MacGuineas, chủ tịch của Ủy ban về Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB) ở Washington, trong nhiều năm đã thúc đẩy các nhà lập pháp thực hiện các bước để giảm thâm hụt và nợ đã cho biết: “Chúng ta nên suy nghĩ và lo lắng nhiều hơn về sự thâm hụt khủng khiếp này”.

Sự lo ngại thâm hụt bao trùm về việc Washington chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết, đặc biệt là đối với các thành viên của Đảng Cộng hòa. Các nhà lập pháp đã bỏ phiếu theo kế hoạch của đảng này vào năm 2017 để thông qua việc cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa khẳng định sẽ tự trả nhưng thay vào đó đã làm tăng thêm thâm hụt. Thâm hụt ngân sách đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 tấn công, tăng 17% so với năm 2018 khi việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu tiếp tục buộc chính phủ phải vay nặng lãi.

Ảnh minh họa.

Đại dịch đã đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy giảm tăng trưởng hàng quý mạnh nhất trong gần 75 năm, làm tăng thâm hụt trong quá trình tăng trưởng này. Với hàng triệu người mất việc và các doanh nghiệp đóng cửa, nguồn thu từ thuế đã giảm ở chính phủ liên bang, cùng với các bang.

Quốc hội và ông Trump đã nhanh chóng thông qua gói 3 nghìn tỷ USD dùng cho chi tiêu liên bang mới để giúp các doanh nghiệp và cá nhân trụ vững sau sự suy giảm kinh tế đột ngột. Tất cả những yếu tố đó đều đòi hỏi chính phủ phải vay một khoản tiền lớn.

Ngày 2/9, CBO cho biết thâm hụt từ sự chênh lệch giữa chi tiêu và thu thuế cùng các khoản thu khác, dự kiến ​​sẽ đạt 3,3 nghìn tỷ USD cho năm tài chính 2020. Con số này cao gấp ba lần so với năm tài chính 2019.

Sự chênh lệch đó càng trở nên trầm trọng hơn khi chính phủ Mỹ đã vay thêm trong những thập kỷ qua. Vào cuối năm tài chính, văn phòng ngân sách dự đoán, tổng số nợ mà công chúng nắm giữ sẽ vào khoảng 20,3 nghìn tỷ USD. Dự kiến, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ​​chỉ hơn 20,6 nghìn tỷ USD cho năm tài chính 2020.

Do đại dịch tấn công nền kinh tế quá nhanh trong năm nay, các nhà lập pháp đã chạy đua để vay tiền nhanh hơn, khi tỷ lệ nợ phải mất hai năm mới có thể tăng lên một mức tương tự. Nợ tính theo phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội đã tăng từ 39% vào cuối năm tài chính 2008 lên gần 61% vào cuối năm 2010.

Lần gần nhất số nợ liên bang lớn hơn tổng sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia xảy ra vào năm 1946, ngay sau khi chiến tranh kết thúc.

Những điều tồi tệ trong tài chính không chỉ giới hạn ở nhu cầu vay của Hoa Kỳ. Trong một báo cáo riêng biệt được công bố, CBO đã cập nhật dự báo về khả năng thanh toán của Quỹ Ủy thác An sinh Xã hội (SSTF), cho thấy quỹ này sẽ hết tiền nhanh hơn so với dự báo trước đó của CBO vào tháng 6.

Các ước tính mới cho thấy quỹ sẽ cạn kiệt vào năm 2031, sớm hơn một năm so với dự kiến ​​trước đó, buộc phải cắt giảm lợi ích ngay lập tức, trừ khi các nhà lập pháp can thiệp. Quỹ tín thác bảo hiểm của bệnh viện Medicare hiện đang trên đà cạn kiệt tiền vào năm 2024, thay vì năm 2026.

Vào tháng 3, chính phủ Hoa Kỳ đã bổ sung hàng nghìn tỷ USD, bằng cách giảm thuế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và lớn, hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân có thu nhập thấp và trung bình, trợ cấp bổ sung cho người thất nghiệp.

Những biện pháp đó đã được ủng hộ rộng rãi, vì hàng triệu công nhân thất nghiệp và các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Hầu hết các nhà kinh tế tiếp tục kêu gọi chi tiêu bổ sung, vì các ca mắc mới Covid-19 không có dấu hiệu giảm.

Loretta Mester, chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Cleveland, người đã cảnh báo về các khoản thâm hụt trước đó, cho rằng những dự báo của riêng bà về sự phục hồi kinh tế một phần là do tiếp tục hỗ trợ tài chính, và nếu không có nó, Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn để vượt qua sau thời gian đóng cửa do đại dịch.

Trong một dấu hiệu khác, cổ phiếu đã tăng vào ngày 2/9, với S&P 500 tăng 1,5% để thiết lập một kỷ lục tốt nhất của chỉ số này kể từ ngày 6/7/2020.

Các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa, đã viện dẫn những lo ngại về nợ như một lý do để chậm trễ việc chuyển sang gói hỗ trợ kinh tế mới trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan tràn. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ trong Hạ viện đã soạn thảo và thông qua một đề nghị trị giá 3 nghìn tỷ USD cho một gói giải cứu mới trong tuần này, nhưng họ đã không đạt được do lo ngại về thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng cao.

BÍCH NGA



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine