ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ sáu, 14h38 23/02/2024

Phát triển lĩnh vực Fintech: Những vấn đề tồn đọng tại thị trường Việt Nam

Sự phát triển vượt bậc của hàng loạt công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ tài chính (Fintech) đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp những năm qua. Song cũng có không ít thách thức được đặt ra trong quá trình triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Fintech là gì?

Công nghệ thông tin và mạng Internet đang ngày càng phát triển vượt bậc, thậm chí đang lan rộng tới hầu hết các khu vực trên thế giới và mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Trong đó không thể thiếu một ngành kinh tế hiện đại như tài chính - ngân hàng. Các ứng dụng công nghệ thông tin giống như làn sóng mới làm thay đổi hệ thống phương thức cung ứng và vận hành của dịch vụ tài chính vốn đang hoạt động từ hàng trăm năm nay.

Fintech dùng để chỉ các công ty sử dụng internet, công nghệ điện toán đám mây, phần mềm mã nguồn mở nhằm nâng cao các hoạt động tài chính, ngân hàng, đầu tư...

Theo cách hiểu được thống nhất rộng rãi: Fintech là việc áp dụng các công nghệ, đổi mới, sáng tạo và hiện đại cho lĩnh vực tài chính, nhằm mang tới cho khách hàng các giải pháp/dịch vụ tài chính minh bạch, hiệu quả và thuận tiện với chi phí thấp hơn so với các dịch vụ tài chính truyền thống.

Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của Fintech bao gồm và liên quan tới thanh toán kỹ thuật số, cho vay số, đầu tư số, tiền số, bảo hiểm số (insurtech), các dịch vụ tài chính ngân hàng số khác. Các chủ thể được hướng tới là Chính phủ, các định chế tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, các công ty phát triển công nghệ, và các công ty khởi nghiệp Fintech.

Thị trường Fintech tại Việt Nam

Thị trường Fintech tại Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, sự đa dạng sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư. Từ năm 2017, Fintech chính thức xuất hiện tại Việt Nam, nhưng phải tới những năm 2020-2021, thị trường mới chứng kiến sự phát triển vượt bậc của những công ty khởi nghiệp Fintech trong lĩnh vực này.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam, trong năm 2021, số lượng công ty Fintech tăng gấp 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong đó, có khoảng 70% là các công ty khởi nghiệp.

Ví điện tử làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt tại Việt Nam.

Xu hướng chính trên thị trường Việt Nam là liên kết và hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng - đây cũng là xu hướng chủ đạo trong những năm qua. Hợp tác giữa Fintech và ngân hàng chiếm hơn 90% số lượng các doanh nghiệp này. Với lĩnh vực trung gian thanh toán, 100% các công ty Fintech do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động đều có đối tác là các ngân hàng.

Tại những lĩnh vực khác, sự hợp tác này cũng rất bền chặt dựa trên các lợi ích riêng của từng bên, nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, lợi ích tốt và tiết kiệm chi phí hơn cho khách hàng.

Thời gian qua dù lĩnh vực này đã có những bước phát triển mạnh mẽ, song thị trường Fintech ở Việt Nam hiện nay vẫn còn trong giai đoạn phát triển. So với những thị trường trong khu vực, số lượng công ty Fintech tại Việt Nam chưa nhiều.

Tại Việt Nam, Fintech chưa thực sự phát triển vì hệ sinh thái này chưa có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan nhà nước, tổ chức tài chính, công ty phát triển công nghệ, công ty khởi nghiệp Fintech…). Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý trong quản lý lĩnh vực này chưa thống nhất, đồng bộ.

Những vấn đề cần khơi thông trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam

Việt Nam có lợi thế là lực lượng dân số trẻ đông đảo, khả năng nắm bắt xu thế nhanh. Hơn nữa, các nhà đầu tư quốc tế ngày càng quan tâm hơn tới Việt Nam, nên tiềm năng phát triển Fintech là rất lớn. Phải kể đến như những tập đoàn công nghệ FPT, Viettel, VNPT… rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp về công nghệ tài chính trong nước. Song, những thách thức đối với sự phát triển Fintech tại Việt Nam vẫn còn hiện hữu, như:

Thứ nhất, Việt Nam còn hạn chế về trình độ, năng lực công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng để phát triển Fintech nên các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực này còn sơ khai, chưa đa dạng, sáng tạo để cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ truyền thống.

Một số lĩnh vực phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ bảo mật. Chưa kể, khách hàng trên hệ thống không có ý thức bảo mật thông tin cá nhân.

Thứ hai, chưa hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với sự phát triển của mô hình mới. Do đó rủi ro sẽ hiện hữu đối với các công ty Fintech và người tiêu dùng dịch vụ. Khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này còn sơ khai, chủ yếu là các đề án mang tính vĩ mô.

Tại Việt Nam, chưa có khuôn khổ quy định rõ ràng về bản chất và tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; Chưa đáp ứng được mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, thông tin cá nhân; Những quy định về thanh toán còn chưa đồng bộ.

Chưa đáp ứng được mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính.

Thứ ba, Việt Nam hiện vẫn chưa có các công ty Fintech quy mô lớn, chưa có chính sách thuế ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Từ đó đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của ngành đầu tư tài chính, khiến cơ hội lợi nhuận ít hơn.

Thứ tư, sự liên kết giữa các chủ thể tham gia (cơ quan quản lý, các định chế tài chính, các công ty phát triển công nghệ và các công ty Fintech, người tiêu dùng dịch vụ tài chính) trong hệ sinh thái Fintech chưa chặt chẽ vì chưa có những cơ chế phối hợp và các chương trình đào tạo, liên kết cho thị trường.

Thứ năm, ngành công nghệ tài chính còn đang tiềm ẩn những rủi ro, thách thức như: Rủi ro tài chính và công nghệ, rủi ro về bảo mật thông tin, khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi cung cấp dịch vụ tài chính cho các thị trường, các tổ chức và các vùng địa lý sẽ làm rủi ro tài chính dễ lây lan, phạm vi thiệt hại cũng lớn hơn. Việc làm cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ FinTech cởi mở hơn qua hệ thống trực tuyến thì cũng tích lũy các rủi ro liên quan tới sự phụ thuộc vào công nghệ và an ninh mạng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024