Theo đó, trong thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực theo Chương trình, Kế hoạch đã đề ra, đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu. Vùng Đông Nam của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày, đến nay đã hình thành KCN cơ khí ô tô tại KKT mở Chu Lai và KCN dệt may tại KCN Tam Thăng.

KKT mở Chu Lai có tiềm năng phát triển một khu vực liên kết các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ theo định hướng của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, tỉnh đã xây dựng đề cương đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai xây dựng đề án hình thành và phát triển Trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica, đề xuất dự án xây dựng đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bắc Thăng Bình theo mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp khai thác và chế biến sâu Silica.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 3.676 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng là 8.925 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỷ đồng.

Đối với vùng Tây của tỉnh, thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 07/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, tỉnh tập trung bố trí hỗ trợ kinh phí để phát triển các CCN tại khu vực miền núi với 89,264 tỷ đồng; phát triển các nhà máy chế biến gỗ từ rừng trồng (hiện có 14 nhà máy chế biến, trong đó có 07 nhà máy đang hoạt động) và có hơn 10 doanh nghiệp lớn thu mua và chế biến dược liệu…

Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm; ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi với tổng vốn hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng các điểm du lịch 02 năm (2019 - 2020) là 16,396 tỷ đồng, cùng với đẩy mạnh xúc tiến dự án hỗ trợ đầu tư phát triển các làng nghề hiện có, xúc tiến quảng bá các điểm du lịch,… đã góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Phát triển công nghiệp năng lượng hợp lý gắn với bảo vệ môi trường, từ năm 2018 đến nay, đã đưa vào vận hành 11 công trình thủy điện thuộc quy hoạch với tổng công suất thiết kế 259,4 MW.

Trong giai đoạn 2018 – 2022, mặc dù chịu tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng ngành công nghiệp tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2018 - 2022 tăng 6,3%/năm. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 100.405 tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với năm 2018. Tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2018 - 2022 tăng 9%/năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp toàn tỉnh năm 2022 đạt 21.910 tỷ đồng (giá so sánh 2010), gấp trên 1,37 lần so với năm 2018.

Ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Các nhóm ngành sản xuất thực phẩm - đồ uống; dệt may - da giầy; sản xuất và lắp ráp ô tô và sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tiếp tục tăng trưởng, có mức tăng cao hơn mức bình quân toàn ngành công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm năng lượng mặt trời, hiện nay đã có 1.412 hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư lắp đặt với tổng công suất lắp đặt là 164.529,88 kWp.

Từ năm 2018 đến nay, đã thành lập mới thêm 03 KCN với tổng diện tích 1.134 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.403 tỷ đồng và đang tập trung giải phóng mặt bằng (gồm: KCN Tam Thăng mở rộng; KCN Thaco Chu Lai, KCN An An Hòa). Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 3.676 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng là 8.925 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỷ đồng (đạt 47% tổng vốn đăng ký đầu tư). Đã có 10/14 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 53%.

Cùng với đó, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được thúc đẩy phát triển thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công với các hỗ trợ về đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề, phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp...

Xét tặng nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về làng (có 15 nghệ nhân và thợ giỏi được công nhận); bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (có 90 sản phẩm được công nhận cấp tỉnh; 17 sản phẩm được công nhận cấp khu vực; 03 sản phẩm được công nhận cấp quốc gia); tổ chức triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó có 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao, trong đó có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 45 làng nghề (42 làng nghề; làng nghề CNTTCN còn hoạt động); trong đó, có 37 nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận (có 03 làng nghề không còn hoạt động). Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động làng nghề là 3.258 hộ, giải quyết 6.495 lao động.