Trên cơ sở đề án về phía Việt Nam, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, có diện tích 15.854ha (gồm thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh và các xã: Tân Thành, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập và Tân Hợp (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Về phía Lào, khu vực Khu thương mại biên giới Đensavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu) có chiều dài 19km dọc theo sông Sê Pôn và tuyến Đường 9, chiều rộng khoảng 1km, gồm 13 bản.

Quang cảnh khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Khi triển khai xây dựng, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan sẽ dựa trên mô hình hai nước hai khu kinh tế, có sự thống nhất về cơ chế, chính sách. Cụ thể, hai bên cùng xây dựng một khu kinh tế thương mại xuyên biên giới đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước, có sự kết nối về hạ tầng và chính sách nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình.

Trong quá trình hoạt động, sẽ tiến hành xây dựng "hàng rào cứng" đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như: khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn, khu công nghiệp; thực hiện một số chính sách ưu đãi chung, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan, thu hút đầu tư.

Giai đoạn 2023 - 2030, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan sẽ tập trung quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và hình thành 1 khu công nghiệp có quy mô từ 100-200ha tại Khu thương mại biên giới Đensavan; quy hoạch các địa điểm thuận lợi dọc tuyến Quốc lộ 9 trong phạm vi Khu thương mại biên giới Đensavan và khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để các doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho bãi, trung chuyển hàng hóa. Đặc biệt, sẽ thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại khu kinh tế này để rút kinh nghiệm áp dụng cho các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

Dự kiến, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phát triển dịch vụ logistics và hình thành khu công nghiệp sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để kinh doanh, sản xuất. Từ đó, sẽ tạo công ăn việc làm cho đông đảo công nhân lao động trong khu vực Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo cũng như trên toàn tỉnh Quảng Trị. Như vậy, đề án này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế vĩ mô, mà trong đó, còn có ý nghĩa trọng tâm về khía cạnh việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng thị trường lao động, đời sống người dân ở khu vực này.

Được biết, chủ trương về nghiên cứu thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại qua biên giới trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đã được Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước đưa vào văn bản Thỏa thuận của hai nước để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tại Kế hoạch số 14-KH/TW, ngày 03/02/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “triển khai thực hiện Thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Lào năm 2023” đã giao nhiệm vụ cho Ban cán sự đảng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện.

Theo ông Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) cho hay, việc xây dựng thí điểm Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, cần phải đề xuất với cấp có thẩm quyền phối hợp làm việc với các đơn vị liên quan nước bạn Lào ký hiệp định để cụ thể hóa trách nhiệm, thời gian, phân công công việc cụ thể một cách đồng bộ, hợp lý, song song với hai bên để đề án sớm được thực thi một cách thuận lợi.