ISSN-2815-5823
AN NHIÊN
Thứ năm, 15h01 02/11/2023

Vì sao người mua nhà vẫn “ngại” vay ngân hàng dù lãi suất đã giảm?

(KDPT) - Mặc dù so với thời điểm đầu năm, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã giảm 1-3%, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa muốn tiếp cận vốn ngân hàng để mua nhà vì nhận thấy mức này vẫn còn cao, vượt khả năng trả nợ.

Lãi suất vay mua nhà dưới 10%

So với thời điểm đầu năm 2023, lãi suất cho vay mua nhà của nhiều ngân hàng ở thời điểm hiện tại đã về mức dưới 10%. Điển hình như ngân hàng BIDV có mức lãi suất hấp dẫn chỉ 7,8%/năm, Vietcombank và Agribank có lãi suất chỉ 8%/năm, Vietinbank là 8,2%/năm. Các ngân hàng thương mại tư nhân cũng có lãi suất giảm mạnh để “bơm vốn” cho người mua nhà. MBBank có lãi suất cho vay chỉ 7,5%/năm; HDBank là 8,2%/năm; Techcombank, Eximbank, ACB, TPBank, MSB đều có lãi suất 8,5%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất dưới 10%/năm của các ngân hàng chỉ áp dụng trong năm đầu tiên, thậm chí là chỉ áp dụng được trong 3 - 6 tháng, lãi suất thả nổi sau đó sẽ dao động từ 10,5 - 12%/năm. Nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân sẽ dao động trong khoảng từ 12 - 15%/năm.

Mặc dù từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất nhưng việc triển khai các gói vay lại gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, nhìn chung lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng đã hạ nhiệt, nhưng tỷ lệ người dân vay vẫn rất thấp.

Cụ thể, Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy tín dụng đổ vào mảng bất động sản đang tăng nhưng chủ yếu là cho vay kinh doanh bất động sản, còn dự nợ cho vay cá nhân tăng rất chậm, thậm chí giảm.

Đơn cử như tại VPBank, tín dụng kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9/2023 tăng 45% lên 98.192 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Trong đó, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà chỉ tăng 6,6%, tỷ trọng giảm so với trước.

Còn tại Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cuối tháng 9 tăng 47,2%, chiếm tỷ trọng gần 35% tổng dư nợ tín dụng (tăng so với tỷ trọng 26,4% cùng kỳ năm ngoái). Dư nợ cho vay cá nhân giảm tới 9,2%...

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 8 cũng cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng hơn 26.000 tỷ đồng so với tháng trước. Tuy nhiên, vốn tín dụng chủ yếu tăng đối với chủ đầu tư dự án bất động sản, trong khi phân khúc khách hàng cá nhân vay mua nhà lại rất thấp.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, mức lãi suất cho vay bất động sản dù đã giảm nhưng vẫn cao, trong khi thu nhập người dân giảm. Do vậy, cơ hội chi trả tiền gốc và mức lãi suất như hiện nay nếu vay mua nhà vẫn chưa phù hợp. Trong khi, việc lãi suất liên tục hạ được đánh giá sẽ có tác động đến thị trường bất động sản.

Nhiều động thái quyết liệt của Thủ tướng trong việc yêu cầu tăng cho vay bất động sản, điều tiết để giảm lãi suất cho vay bất động sản là tin vui cho thị trường, giúp tăng trưởng tín dụng, kéo dòng tiền chảy vào thị trường nhiều hơn và người mua nhà được tiếp cận mức lãi suất cho vay bất động sản thấp hơn. Gỡ nút thắt về vốn cho thị trường hiện nay, tạo điều rất tốt cho phục hồi kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Người mua nhà vẫn còn “đắn đo”

Theo một số ngân hàng, sở dĩ nhu cầu tín dụng bất động sản tiêu dùng của cá nhân hiện ở mức thấp là do kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì vậy, dù có nhu cầu về nhà ở song ngân hàng khó có thể kích cầu tín dụng mua bất động sản trong giai đoạn hiện tại. Mặt khác, thị trường nhà đất vẫn trầm lắng, nên khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn mua nhà, mà kỳ vọng giá nhà cũng như lãi suất sẽ giảm thêm.

Theo kết quả khảo sát trong khoảng 1.000 người của Batdongsan.com.vn, nhóm đối tượng có nhu cầu mua nhà được hỏi có cần sử dụng đòn bẩy tài chính không, có hơn 73% cần vay vốn ngân hàng để mua, chỉ 27% là không đi vay. Trong số người cần vay vốn mua nhà, 41% có nhu cầu vay dưới 30% giá trị sản phẩm, 30% phải vay từ 30 - 70% giá trị ngôi nhà.

Cùng với đó, khi bàn về kỳ vọng lãi suất vay bất động sản trong năm 2023 - 2024, khoảng 44% người cho rằng mức lãi suất cho vay mua nhà dưới 8% là hợp lý để họ có thể xoay sở tài chính. Họ kỳ vọng lãi suất sẽ giảm xuống mức đó trong năm 2024. Còn 33% người mua nhà chấp nhận đi vay nếu lãi suất vay dao động từ 8 - 10%, và chỉ có khoảng 14% đồng ý với mức lãi suất từ 10 - 13%.

Muốn mua một căn chung cư cũ 64 m2, giá 2,2 tỷ đồng trên đường Phạm Văn Đồng, nhưng anh T (TP Thủ Đức) lại lo lắng khi nghĩ đến việc vay ngân hàng.

Người mua nhà vẫn “đắn đo” việc vay ngân hàng dù lãi suất đã giảm (Ảnh minh họa).
Người mua nhà vẫn “đắn đo” việc vay ngân hàng dù lãi suất đã giảm. (Ảnh minh họa)

Anh cho biết nếu mua căn này phải vay ngân hàng thêm một tỷ đồng. Với mức lãi suất ưu đãi năm đầu là 8,5% một năm, những năm sau lên 11-12%. Theo đó, số tiền anh phải trả gốc lãi hơn 18 triệu đồng mỗi tháng. “Việc vay vốn này tương đối áp lực khi tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 40 triệu đồng một tháng. Nếu trừ các khoảng sinh hoạt phí sẽ khó xoay xở trả nợ”, anh T chia sẻ.

Không chỉ người có nhu cầu mua nhà còn đắn đo khi lãi suất vẫn còn ở mức cao, mà đối với doanh nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng cũng rất khó khăn do công tác hoàn tất thủ tục pháp lý dự án còn nhiều bất cập.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay nằm ở vấn đề pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Việc vay vốn để triển khai dự án đều gặp nút thắt ở khâu pháp lý. Nếu không hoàn tất xong pháp lý thì doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn vay. Đây cũng là câu chuyện chung của toàn thị trường bất động sản hiện nay.

“Ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa tìm thấy nhau, dù ngân hàng “thừa tiền” còn doanh nghiệp thì cần tiền. Hiện đa số các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn vì “sức khỏe” tài chính đã suy yếu”, ông Đính nhấn mạnh.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/12/2024