Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo đổi mới hàng đầu trong khu vực
Những tín hiệu tốt từ chỉ sổ đổi mới sáng tạo của Việt Nam
Mục đích của “Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới” hằng năm của Liên hợp quốc góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững; thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người; kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước; khu vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư; khu vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và xã hội.
Để hưởng ứng sự kiện quan trọng này, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản số 1217/BKHCN-ƯDCN đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đoàn thể Trung ương; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024.
Các nội dung được triển khai để hưởng ứng Ngày sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024 bao gồm: tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024; lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới phù hợp với cơ quan, đơn vị; phổ biến sâu rộng về nội hàm, vai trò, vị trí của đổi mới sáng tạo trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024 sáng 19/4, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, tại Việt Nam, với sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của các tổ chức, bạn bè quốc tế, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ngày càng hoàn thiện.
Từ năm 2017, Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (thường được gọi tắt là GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hằng năm đã được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, bên cạnh các kết quả đạt được, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, nhằm góp phần trực tiếp vào tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nêu rõ, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào vốn và lao động sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là mục tiêu dài hạn, cần sự vào cuộc, sự chung tay góp sức của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội trong ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực
Theo bà Paluline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc - Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam, sức mạnh của đổi mới sáng tạo có tiềm năng thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững.
“Trong những mục tiêu còn lại cũng như trong các năm tiếp theo, Việt Nam cần phải thúc đẩy thực hiện để đạt được các mục tiêu và trong quá trình đó thì đổi mới sáng tạo truyền cảm hứng cho các hành động cũng như các công nghệ xanh - công nghệ mà có thể giảm lượng khí thải carbon cũng như việc tăng cường tính bền vững của môi trường, giúp cải thiện cuộc sống”, bà Paluline Tamesis cho hay.
Chủ đề năm nay là ‘INSPIRE – Truyền cảm hứng’, phản ánh rõ vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nuôi dưỡng trí tuệ sáng tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trao quyền cho thanh niên trong các lĩnh vực Đổi mới sáng tạo như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tuy nhiên, đổi mới không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực công nghệ cao mà cần mang tính bao trùm bằng cách tạo điều kiện phát triển cho các nhà đổi mới cấp cơ sở, người dân tộc thiểu số và thanh niên”.
Hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Hành trình để chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 cũng như khát vọng của Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 phụ thuộc nhiều vào việc giải phóng, tạo điều kiện để thúc đẩy sáng tạo đổi mới. Đó sẽ là công cụ cốt lõi để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực”, bà Pauline Tamesis chia sẻ.
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thông qua các đề án, chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo được coi là động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nghiên cứu về đổi mới sáng tạo. Để đạt được các mục tiêu, thời gian tới cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách phát triển đổi mới sáng tạo, giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tiễn.
Năm 2024 là năm thứ ba Bộ KH&CN tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và ĐMST thế giới với mục tiêu tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thúc đẩy hoạt động ĐMST; Thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia với sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước; khu vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư; khu vực nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và xã hội./.
- Ninh Bình đứng thứ 16 về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương
- Hà Nội dẫn đầu bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)
- Việt Nam lần đầu có Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương