Ưu tiên phúc lợi giữ chân lao động

Ngành ngân hàng đang đứng trước cơ hội bứt phá nhờ chuyển đổi số. Bên cạnh đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khoá quyết định.

Giám đốc Khu vực miền Tây Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) Hoàng Thanh Lâm chia sẻ: “Tôi tâm đắc với triết lý kinh doanh trên nền tảng chữ tín, trách nhiệm với cán bộ nhân viên, với cộng đồng cùng những lộ trình thăng tiến phát triển nhân sự rõ ràng của Vietbank”.

Vietbank luôn gắn bó đồng hành cùng khách hàng

Bản thân ông Hoàng Thanh Lâm là một cán bộ kỳ cựu của Vietbank từ những ngày đầu thành lập vào năm 2007. Đến nay, Vietbank bước vào tuổi 16, ông Lâm vẫn tiếp tục gắn bó với Vietbank ở cương vị Giám đốc Khu vực miền Tây của ngân hàng này.

Theo ông Lâm, những giá trị của Vietbank càng được khẳng định trong năm 2022 vừa qua, khi nền kinh tế và ngành ngân hàng Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Vietbank đã có những quyết sách chủ động và linh hoạt để giữ vững hoạt động theo định hướng phát triển an toàn bền vững, đảm bảo kết quả kinh doanh ổn định; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên.

“Vietbank tiếp tục ưu tiên duy trì chế độ phúc lợi, lương thưởng đầy đủ cho cán bộ, nhân viên; điều chỉnh tăng lương 1 lần trong năm 2022, mỗi cán bộ, nhân viên đều được nhận đủ 13 tháng lương và nhận thưởng kinh doanh theo đánh giá xếp loại thi đua. Lương tháng 1 năm 2023 cũng được chi sớm trước 2 tuần so với định kì để tạo sự khích lệ. Đặc biệt, đối với những cán bộ, nhân viên có thâm niên công tác 5, 10, 15 năm cũng được ngân hàng tri ân bằng hiện kim…” - ông Hoàng Thanh Lâm chia sẻ.

Trên thực tế, dù đơn vị nào cũng biết giải pháp dùng chính sách phúc lợi để giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, đây là những nỗ lực rất lớn không phải đơn vị nào cũng làm được. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, những chính sách đó sẽ tạo thêm động lực cho cán bộ nhân viên Vietbank như ông Lâm gắn bó cũng như đồng hành cùng khách hàng tốt hơn.

Nhân lực là yếu tố then chốt

Bài toán về nhân lực ngành ngân hàng trong chuyển đổi số không phải của riêng Vietbank. Theo dự báo của Navigos Group, nhu cầu nhân lực ngành tài chính ngân hàng tiếp tục tăng cao trong những năm tới.

Tính riêng nhu cầu nhân lực cấp cao, giai đoạn 2020 - 2025 được dự báo tăng 20% mỗi năm; tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, con số này chiếm tỷ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số việc làm cần tuyển hàng năm. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bên cạnh đặt ra yêu cầu phải chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực của ngành ngân hàng có thể coi là kim chỉ nam để các ngân hàng có những bước đi phù hợp.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT - Quyền Tổng Giám đốc Vietbank

Quay trở lại với Vietbank, những con số về lương, thưởng có thể coi là kết quả của một năm nỗ lưc trong kinh doanh. Tuy nhiên, theo Quyền Tổng Giám đốc Vietbank Nguyễn Hữu Trung, nguồn nhân lưc mới là yếu tố then chốt đem lại sự phát triển cho ngân hàng từ khi thành lập cách đây 16 năm. “Chúng tôi luôn đưa cán bộ nhân viên của chúng tôi lên hàng đầu. Đây là tài sản quý giá nhất của Vietbank trong định hướng phát triển của ngân hàng. Bởi chúng tôi quan niệm, sự thành công và phát triển của Vietbank đến ngày hôm nay, cũng là do các cán bộ nhân viên của chúng tôi mang lại”.

Ông Trung chia sẻ thêm, năm 2023, Vietbank tiếp tục hoạt động theo hướng an toàn bền vững và đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định. Vietbank sẽ tập trung vào việc nâng cao chuẩn mực hoạt động và hiệu quả quản trị điều hành; nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu giá trị cho khách hàng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với cơ chế đãi ngộ nhân tài. Cùng với đó, Vietbank sẽ chú trọng phát triển hệ khách hàng truyền thống theo định hướng bán lẻ; đồng thời quan tâm cung ứng vốn cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà Chính phủ ưu tiên, sẵn sàng đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế” - Quyền Tổng Giám đốc Vietbank chia sẻ.

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề trong xã hội. Phát triển ngân hàng số đã không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu, buộc các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong các nghiệp vụ và giao dịch tài chính. Trong bối cảnh đó, vấn đề nguồn nhân lực được xem là nền tảng phát triển bền vững cho các ngân hàng, tổ chức tài chính. Để có thể thích ứng được yêu cầu rất cao của cuộc CMCN 4.0, đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số.