ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ ba, 15h20 27/02/2024
API

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thị trường bán lẻ có còn tiềm năng?

Cover image
(KDPT) - Sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng dẫn tới những chuyển đổi trong thái độ và hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Từ đó đòi hỏi thị trường bán lẻ nội địa phải thay đổi để thích nghi và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nhìn lại một năm 2023, nhìn chung thị trường hàng hóa vẫn rất đa dạng, dồi dào và phong phú, giá thành có thời điểm biến động mạnh vì chịu tác động của giá xăng dầu bán lẻ trong nước, nhất là vào quý III/2023.

Cung hàng hóa nội địa và hàng hóa nhập khẩu năm qua khá dồi dào, cùng với sức mua trong nước chưa hoàn toàn hồi phục, cơ cấu tiêu dùng có một số thay đổi theo xu hướng an toàn, tiết kiệm, tiêu dùng xanh.

Do đó, dù thị trường bán lẻ trong nước cho thấy sự sôi động nhưng rõ ràng lại không có sự đột biến như những năm trước đó.

Dù thị trường bán lẻ trong nước năm 2023 khá sôi động, nhưng không có sự đột biến. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, không thể phủ nhận thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng cần được khai thác. Vì vậy, năm 2024 và những năm tới đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có những dự án phát triển chuỗi bán lẻ theo quy mô khác nhau, từ mini shop, các trung tâm thương mại cho tới các đại siêu thị. Những chuỗi bán lẻ đang ngày càng mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội - Bà Hoàng Nguyệt Minh nhận định, kể từ giai đoạn sau đại dịch Covid-19, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự quan tâm lớn của các thương hiệu quốc tế dành cho Việt Nam là sự gia tăng về tiêu dùng nội địa.

Giám đốc Savills Hà Nội còn cho rằng, một yếu tố quan trọng khác giúp thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng hấp dẫn là so với những thị trường lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế hiện diện tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Qua đó, đây chính là một cơ hội lớn cho những thương hiệu muốn mở rộng thị trường, nhất là khi họ bắt đầu những bước tiến đầu tiên.

Theo nhìn nhận của bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dự báo trong năm 2024, khu vực dịch vụ vẫn là điểm sáng. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi những chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chẳng hạn: Bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, ngành vận tải hàng không, dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính… Nhiều dự báo về sự ổn định của các ngành dịch vụ phi thị trường.

Về thị trường bán lẻ trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế dự báo thị trường bán lẻ nội địa là “miếng bánh béo” cho các nhà bán lẻ. Nguyên nhân là thu nhập bình quân của người Việt đang cao hơn, số lượng tầng lớp trung lưu tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam trên 70% - thuộc loại cao so với những quốc gia trong khu vực.

Tại Việt Nam hiện nay, trung bình cứ 100.000 dân thì cần một đại siêu thị và một trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần một siêu thị cỡ trung; cứ 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi trong khu vực. Điều này chính là yếu tố tiềm năng, là điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp phân phối có cơ hội mở rộng thị phần và có dư địa phát triển.

Các trung tâm thương mại, đại siêu thị ngày càng xuất hiện nhiều hơn, phân bố trên toàn quốc. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), đại diện các doanh nghiệp cho biết, nền kinh tế thế giới trong năm 2024 được nhận định sẽ chưa thể phục hồi. Trong bối cảnh này, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Anh Đức, để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, cần phải có các giải pháp căn cơ, dài hơi. Kể từ đầu năm 2024, trên thị trường chung có rất nhiều giải pháp được đưa ra, từ quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ nội địa nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Song, vẫn còn những vướng mắc gây cản trở sự thúc đẩy này. Trong đó, rào cản lớn từ số lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới bức tranh bán lẻ hiện nay.

Nhằm thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển bền vững hơn, theo ông Anh Đức, quy mô ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay khoảng 140 tỷ USD, ngành bán lẻ sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng nếu có các chính sách tích cực.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong hiệp hội bán lẻ, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ kéo dài đến hết năm, nhưng việc kéo dài quá lâu có thể dẫn tới “lờn”, làm mất đi công dụng kích cầu.

Do đó cần đưa ra các giải pháp khác, tác động và hỗ trợ trực tiếp tới nhà sản xuất, nhà phân phối để giúp họ duy trì hoạt động và phát triển. Nhà nước nên có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để khuấy động được thị trường.

Bên cạnh đó, các chính sách phải được hoạch định rõ ràng, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi để giúp các doanh nghiệp tồn tại. Đồng thời, cung cầu nguồn nguyên liệu cần được quy hoạch tổng thể trên bình diện quốc gia để tránh sự cạnh tranh giữa các nguồn cung trong nước và phát huy được giá trị cốt lõi.

Ngoài ra, các ngành, các hiệp hội cần liên kết chặt chẽ để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế, thay vì để cạnh tranh cục bộ trong từng ngành. Chẳng hạn, ngành du lịch và thương mại nên hợp lực để cùng nhau phát triển.

Để thực hiện những nội dung này, cần tới “bàn tay” vĩ mô nhằm tái cấu trúc giúp các doanh nghiệp quản trị rủi ro và tránh rơi vào khủng hoảng./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/05/2024