Cụ thể, TS Đinh Thế Hiển đánh giá Việt Nam có sự khác biệt so với các nước khác về các kênh đầu tư sinh lời. Trong khi, tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển, kênh rót vốn qua tín thác, qua các quỹ đầu tư khá phát triển thì tại Việt Nam, đây là hình thức chưa phổ biến.

“Trong thời gian tới, các kênh đầu tư cá nhân phổ biến tại Việt Nam vẫn là bất động sản, vàng, USD, tiết kiệm, chứng khoán… Trong số đó, bất động sản vẫn chiếm ưu thế hơn cả. Tại Việt Nam, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt và phù hợp với nhà đầu tư cá nhân trong nhiều năm tới”.

Lý giải về điều này, TS Hiển cho rằng, ngoài tỷ suất lợi nhuận tốt thì bất động sản vẫn là kênh dễ tiếp cận với số đông nhất. Một số kênh như chứng khoán hay tự kinh doanh thường đòi hỏi kiến thức nhất định về lĩnh vực.

TS Đinh Thế Hiển.
TS Đinh Thế Hiển.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà bất động sản lại được các chuyên gia đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư cá nhân trong những năm tới. Thực tế, trong những năm qua, giá nhà tại Hà Nội và TP.HCM đã tăng khoảng 21-33 lần trong giai đoạn 2002-2020, gấp 4 lần tốc độ tăng giá của vàng trong cùng thời kỳ.

Nhìn rộng ra thì giá bất động sản tại Việt Nam vẫn ở mức trung bình so với các nước khác.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan cho biết, giá nhà tại một số đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM rơi vào khoảng 2.000 USD/m2, vẫn ở mức rất thấp nếu so với các nước trong khu vực như Australia, Hong Kong, Singapore…

Theo ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services, khi quyết định xuống tiền mua bất động sản, nhà đầu tư không nên đặt nặng vấn đề phân khúc, loại hình và khu vực. Thay vào đó, các yếu tố cần được lưu tâm sẽ là giá, khẩu vị rủi ro, khả năng thanh toán và tính thanh khoản.

Nhu cầu nhà ở của người dân Việt Nam vẫn tăng cao

Có thể nói khi nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao sẽ là động lực kích thích nguồn cầu và thanh khoản của thị trường tăng lên.

Theo số liệu từ Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất khu vực Đông Á. Mỗi năm, theo tính toán, các đô thị Việt Nam tăng thêm bình quân 1-1,3 triệu người, kéo theo nhu cầu lớn về chỗ ở. Tỷ lệ đô thị hóa đã đạt gần 42%, nhưng thấp hơn nhiều các nước khác như Hàn Quốc (90%), Nhật Bản (80%), Trung Quốc (60%)…

Theo Savills Hà Nội, với việc thu nhập của người dân ngày càng cải thiện, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh khiến nhu cầu về nhà ở cũng tăng mạnh. Đây được coi là động lực quan trọng cho nguồn cầu bất động sản, khiến càng nhiều người coi đây là kênh đầu tư mà xã hội luôn cần đến.

Thu nhập tăng cũng kích thích nhu cầu mua bất động sản của người dân.
Nhu cầu về nhà ở của người dân tăng sẽ là động lực kích thích nguồn cầu và thanh khoản của thị trường tăng.

“Với dân số khoảng 100 triệu dân, đặc biệt dân số trẻ trong độ tuổi 10-24. Việt Nam đang và sẽ có nhu cầu lớn về nhà ở trong tương lai. Tại Hà Nội, tỷ lệ đô thị hóa sẽ tăng từ 49% hiện tại lên mốc 62% vào năm 2025, kéo theo nguồn cầu tăng thêm lên tới hàng trăm nghìn căn hộ”, Savills Hà Nội đánh giá.

Số liệu khảo sát từ Batdongsan.com.vn cho thấy, không chỉ người chưa có nhà đất muốn sở hữu bất động sản, những người đã sở hữu 3 bất động sản trở lên vẫn có nhu cầu mua thêm. Số này chiếm tới 87% người được hỏi. Tương tự, với người đã sở hữu 1-2 bất động sản, nhu cầu tiếp tục mua tài sản chiếm lần lượt 66-79%. Phần lớn đều có nhu cầu mua để đầu tư.

Tuy nhiên, bất động sản là tài sản lớn, suất đầu tư thường cao hơn các kênh khác nên các nhà đầu tư thường có xu hướng cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng, ít khi thiếu căn cứ.