Bầu Đức thu 30 tỷ mỗi tháng nhờ tương ớt
Vườn ớt trồng từ cuối năm ngoái cũng lần đầu mang về doanh thu xấp xỉ 93 tỷ đồng. Mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 60%. Hiện, HAGL Agrico tiếp tục mở rộng vùng trồng tại các nông trường có thổ nhưỡng phù hợp như Rattanakiri (Campuchia), Hàm Rồng, Lơ Pang (Gia Lai)… lên 1.000 hecta.
Giai đoạn đầu năm, HAGL Agrico không phát sinh doanh thu bán bò, trong khi cùng kỳ nguồn thu này khoảng 196 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết, đặc điểm ngành chăn nuôi cần vốn lưu động lớn để đầu tư nhưng tình hình tài chính của công ty vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Do đó, công ty chủ động cắt giảm quy mô và duy trì đàn bò ở mức đủ cung cấp phân hữu cơ cho trồng trọt.
Nguồn thu thiểu số còn lại đến từ bán hàng hoá, mủ cao su và cung cấp một số dịch vụ khác. Bên cạnh tăng trưởng doanh thu, chi phí như bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng bị đội lên đáng kể. Việc xoá sổ tài sản hoạt động không hiệu quả cũng khiến chi phí khác tăng đột biến, lên gần 103 tỷ đồng và kéo lợi nhuận sau thuế còn vỏn vẹn 21 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I, tổng nguồn vốn của công ty đạt 28.825 tỷ đồng, giảm gần 3.460 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả (phần lớn là vay dài hạn ngân hàng và công ty mẹ) chiếm hơn 60% trong cơ cấu nguồn vốn.
Dù kiểm toán viên nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do tồn đọng nhiều khoản nợ vay lớn trong báo cáo tài chính năm ngoái, nhưng HAGL Agrico vẫn tự tin sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu châu Á về sản xuất trái cây trong giai đoạn 2023-2026.
PV