ISSN-2815-5823

Kế hoạch phát triển tuyến đường bộ ven biển tại đồng bằng sông Cửu Long

KDPT) – Để mở rộng không gian phát triển kinh tế phía Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra ý kiến và đồng ý kết luận về nghiên cứu, đầu tư tuyến đường bộ ven sông tại vùng ĐBSCL.

Cần đầu tư tuyến đường bộ ven biển cho ĐBSCL.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhằm phát triển kinh tế thủy sản, du lịch, năng lượng, đô thị và công nghiệp, cần thiết phải đầu tư một trục đường bộ ven biển ở vùng này.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận đồng ý về nguyên tắc cho tiến hành việc nghiên cứu, đầu tư tuyến đường bộ ven biển vùng ĐBSCL theo quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam (đã được phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010). Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xác định nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác Ban kinh tế Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre mới đây, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre cho biết, khu vực ĐBSCL có tiềm năng rất lớn trong phát triển về hướng Đông, tức là phát triển kinh tế biển.

Toàn cảnh buổi làm việc diễn ra ở tỉnh Bến Tre vào ngày 20/7.

Tuy nhiên, việc định hướng đầu tư để khai thác tiềm năng của kinh tế biển vẫn chưa được tập trung, cần phải nghiên cứu để có sự đầu tư trong dài hạn, nhằm khai thác lợi thế phát triển về hướng Đông, kinh tế biển giúp ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre đề xuất, về mặt giao thông, nên đầu tư một trục đường bộ ven biển để vừa mở không gian phía Đông, vừa phát triển kinh tế thủy sản, du lịch, năng lượng, đô thị và công nghiệp. “Nếu chúng ta đầu tư đường ven biển này, có thể theo quyết định 129 của Chính phủ về đường bộ ven biển Việt Nam, thì ngay bây giờ nên có một định hướng”. Ông Mãi cho biết, trong 5-7 lần trung hạn sắp tới sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra.

Tuyến đường giao thông ven biển này sẽ giữ vai trò như đê bao phía ngoài để bảo vệ ĐBSCL trước nước biển dâng, xâm nhập mặn, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. “Việc này cần nguồn lực đầu tư rất lớn nên phải cộng hết các nguồn lực vào, và phải có tầm nhìn xa cho 30 hay 50 năm sau”, ông Mãi cho biết khi trao đổi với các địa phương khác trong vùng như: Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng…, đều nhận được sự đồng thuận rất lớn.

“Riêng với tỉnh Bến Tre, trong 5 năm tới (2021-2025), địa phương dự định sẽ làm đường ven biển nhằm mở rộng không gian phát triển của địa phương về phía biển, làm việc với Thủ tướng, chúng tôi có đề nghị sẽ xin đưa vào quy hoạch nghiên cứu cảng nước sâu một trung tâm điện khí và một cảng chuyên dùng cho điện khí”, Bí thư Bến Tre cho biết thêm và nói rằng địa phương cũng có đề nghị hỗ trợ làm đường ven biển này.

PHƯƠNG DUNG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/10/2024