ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ hai, 18h00 19/02/2024

Lạm phát Mỹ tăng vọt đẩy chứng khoán toàn cầu tụt dốc

Mỹ thông báo mức lạm phát đã cao hơn dự báo, điều này khiến các chỉ số chứng khoán phố Wall và Châu Á giảm đáng kể. Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm của FED theo đó lại càng mơ hồ.

Ngày 13/2, Bộ Lao động Mỹ cho biết, lạm phát hàng năm của nước này đã tới 3,1% trong tháng đầu năm 2024, giảm từ mức 3,4% vào tháng 12/2023. Ở thời điểm này, thị trường đang đợi lạm phát giảm còn 2,9%. Song việc lạm phát tại Mỹ cao hơn dự kiến có thể khiến đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 3 sẽ không diễn ra.

Đồng USD tăng mạnh

Tại phố Wall, chỉ số S&P 500 giảm 1,4% xuống 4.953,17 điểm vì các nhà đầu tư trì hoãn dự báo về thời điểm FED tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024. Gần 90% cổ phiếu trong S&P 500 đã hạ giá - mức giảm lớn nhất đối với chỉ số này kể từ đợt hồi phục mạnh vào tháng 10/2023. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq lần lượt giảm 1,4% và 1,8% so với ngày hôm trước.

Kết quả từ cuộc bầu cử tổng thống Indonesia cũng là thông tin mà các nhà phân tích chú ý. Đây là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và sở hữu nguồn cung tài nguyên chiến lược như nickel cho xe điện.

Tại Châu Á, chỉ số Nikkei 225 chuẩn của Nhật Bản giảm 0,7% xuống 37.703,32 điểm; S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,7% xuống 7.574,70 điểm; Kospi của Hàn Quốc giảm 1,1% xuống 2.623,19 điểm; Sensex của Ấn Độ giảm 0,7% và SET ở Bangkok giảm 0,6%...

Việc lạm phát tăng cao tại Mỹ khiến người dân ở nhiều nước ồ ạt mua đồng USD, đẩy đồng tiền Châu Á xuống mức thấp.

Tỷ giá đồng USD đang tăng cao so với các đồng tiền Châu Á.

Đơn cử, đồng YEN nhật có thời điểm giảm còn 150,88 YEN đổi 1 USD - mức thấp nhất trong 3 tháng. Đồng BATH Thái cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Đồng WON Hàn Quốc hạ xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng. Đồng RINGGIT Malaysia giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10.

Lạm phát tăng vượt mức tại Mỹ khiến cho các ngân hàng trung ương tại các nước Châu Á phải hoãn lại chính sách nới lỏng tiền tệ.

Thị trường Trung Quốc mở rộng

Thị trường Hồng Kông và Macao là 2 thị trường đầu tiên hoạt động lại ở Trung Quốc mở rộng (Đại lục, Macao, Hồng Kông), trong khi các sàn giao dịch đại lục ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Quyến vẫn còn nghỉ lễ.

Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường chứng khoán Hồng Kông (HKEX) ghi nhận phiên giao dịch ngày 14/2 khá yếu. Nguyên nhân được chỉ ra là nền kinh tế thiếu sức sống ở Hồng Kông và Đại lục, cũng như các nhà đầu tư toàn cầu mất khẩu vị với chứng khoán Trung Quốc mở rộng.

HKEX ghi nhận kết quả không tốt ngay từ 2 tháng đầu năm

Chỉ số Hang Seng Index (HIS) mở cửa phiên với mức giảm hơn 1,1% xuống 15.579,41 điểm so với trước kỳ nghỉ. Đóng cửa phiên tăng 0,8%, đạt 15.879,38 điểm sau khi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Tencent Holdings, Alibaba Group Holding và Meituan hồi phục.

HIS theo dõi 82 cổ phiếu blue-chip, chủ yếu đến từ đại lục, năm qua đã giảm 13,8% và là một trong những chỉ số ghi nhận kết quả tệ nhất Châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này có chuỗi thua lỗ kéo dài 4 năm kể từ khi ra mắt vào năm 1969. Dù đã phục hồi khiêm tốn ngay trong ngày nhưng HIS vẫn giảm 6,9% kể từ đầu năm 2024.

Trong ngày giao dịch trở lại, CEO Nicolas Aguzin của HKEX thừa nhận rằng, môi trường vĩ mô tiếp tục phức tạp. Vì vậy, thị trường chứng khoán Hồng Kông cần điều hướng trước những thách thức ngắn hạn trong khi chờ đợi nắm bắt những cơ hội trung và dài hạn. “... Nhưng điều đó sẽ chỉ xuất hiện trong tương lai”, vị CEO nói.

Trước kỳ nghỉ Tết, CEO Nicolas Aguzin thông báo rằng ông sẽ từ chức vào ngày 29/2. Trước đó, ông không có ý định gia hạn hợp đồng làm việc với HKEX khi hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày 23/5/2024.

Sự yếu ớt của thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng chịu ảnh hưởng bởi thông tin từ Mỹ. Nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI tuyên bố loại bỏ 66 công ty Trung Quốc ra khỏi chỉ số chuẩn từ ngày 29/2, trong khi chỉ thêm 5 công ty của nước này.

Trong số 66 công ty bị loại, có những cái tên tư nhân lớn như Gemdale và Greentown China hay các doanh nghiệp nhà nước như China Southern Airlines và Sinopec Shanghai Petrochemical.

Lãi suất cao khiến cổ phiếu công nghệ gặp khó

Lãi suất cao là nguyên nhân khiến tất cả các loại hình đầu tư bị tổn hại, nhất là ảnh hưởng tới những cổ phiếu tăng trưởng cao như cổ phiếu của các hãng công nghệ. Hai "ông lớn" giảm nhiều nhất là Microsoft và Amazon với tỷ lệ lần lượt là 2,2% và 2,1%.

Cổ phiếu Microsoft và Amazon giảm nhiều nhất thị trường.

Thậm chí cổ phiếu các công ty nhỏ hơn còn giảm nhiều hơn vì việc vay tiền mặt trở nên khó khăn khi lãi suất cao.

Các nhà giao dịch kỳ vọng FED giữ lãi suất ở mức cao trong dài hạn khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,18% từ mức 4,31% vào cuối ngày 13/2. Kỳ vọng lớn vào việc FED hạ lãi suất khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng vọt lên 4,66% từ mức 4,47%.

Theo bà Alexandra Wilson-Elizondo - Đồng giám đốc đầu tư về giải pháp đa tài sản ở Goldman Sachs, kết quả dễ đến nhất với nền kinh tế Mỹ là việc hạ cánh hoàn hảo và tránh được cuộc suy thoái ngay khi lạm phát hạ nhiệt.

Tuy nhiên, bà cho rằng nền kinh tế vẫn có nguy cơ rơi vào suy thoái dưới sức ép của lãi suất cao hoặc lạm phát tăng trở lại. Một phần nguyên nhân đến từ lãi suất trái phiếu kho bạc đã giảm tương xứng.

Theo thông báo, phía FED đang cân nhắc thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, kỳ vọng lạm phát sẽ hạ xuống mức mục tiêu 2% từ mức đỉnh 9% vào 2 mùa hè trước. Phần lớn các nhà phân tích hiện đang dự báo rằng FED sẽ cắt giảm 3 hoặc 4 lần trong năm./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024