ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 12h08 21/06/2019

Nghĩ về nghề báo hôm nay

(KDPT) – Hơn 90 năm kể từ ngày số báo cách mạng đầu tiên được ra đời, báo chí đã và đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam. Hơn thế nữa, khi cuộc sống đang ngày càng phát triển kéo theo rất nhiều cạm bẫy, người làm báo cần nhìn nhận đúng vai trò của mình, phải luôn làm sao giữ vững được tinh thần “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Báo chí đã đi vào chiến trường, phục vụ trực tiếp nhu cầu thông tin về cuộc kháng chiến đầy cam go, anh dũng và đầy hy sinh của dân tộc. (Ảnh tư liệu)

Đồng hành từ kháng chiến đến đổi mới

Trong mọi lĩnh vực của đời sống ta đều thấy sự có mặt và đồng hành của báo chí. Từ các vấn đề chính trị – xã hội đến các vấn đề về kinh tế, thể thao, văn hóa, giải trí,.. luôn được báo chí cập nhật và truyền tải đến công chúng thường xuyên và nhanh chóng. Những bài viết hay, những phóng sự điều tra ly kỳ, những phỏng vấn đắt giá,… tất cả đều đang được báo chí làm rất tốt, hài lòng công chúng.

Ít ai biết rằng phía sau những tác phẩm đó là biết bao mồ hôi, công sức của những người làm báo, những phóng viên, quay phim đã không quản ngại khó khăn xông pha thực tế chỉ với một mong muốn là làm sao có thể đem đến cho công chúng những sản phẩm báo chí chất lượng nhất. Thế nhưng, đằng sau những trang viết đó lại là những lời đe dọa, là những lần bị hất dầu hỏa vào nhà,… và vô vàn những nguy hiểm luôn rình rập các nhà báo, đặc biệt là những người làm về mảng điều tra hay những vấn đề nóng của xã hội. Câu chuyện về nhà báo Đinh Hữu Dư cách đây gần 2 năm vẫn luôn khiến nhiều người khi nhắc lại đều thấy xót thương cho một cây viết tài năng, dũng cảm.

Đó chỉ là một điển hình, một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về những người làm báo, về những người chiến sĩ thời bình, dùng ngòi bút làm vũ khí chống lại tội phạm, ngăn chặn cái xấu, tham gia bàn luận về các vấn đề liên quan đến chủ quyền dân tộc,… Không chỉ vậy, ngòi bút ấy cũng dùng để tuyên truyền đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những tấm gương người tốt việc tốt, qua đó góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam tiến bộ, văn minh và phát triển.

TIN LIÊN QUAN:
>>> Báo chí với lòng tự tôn dân tộc
>>> Báo chí với vai trò “phò chính, trừ tà”

Những giá trị vĩnh cửu

Hơn 90 năm kể từ ngày chiếc nôi báo chí đầu tiên ra đời, từ một tờ báo giấy được in ấn thô sơ nay đã phát triển thành những trang báo đầy màu sắc, và hơn thế nữa là sự ra đời của hàng loạt các loại hình báo chí khác. Chưa bao giờ ta được chứng kiến thời kỳ phát triển “thăng hoa” của báo chí như bây giờ, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà báo cần phải xác định rõ sứ mệnh của mình mà xã hội đang mong chờ, đó là hành xử có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, thực hiện đúng 6 chữ mà cố nhà báo Hữu Thọ đã nhắc nhở: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Mắt sáng là điều kiện tiên quyết mà mỗi nhà báo cần phải có trong sự nghiệp làm báo của mình. Bởi cái khác của nhà báo với những người khác chính là khả năng quan sát, phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách chính xác, sắc bén và tinh tế. Thế nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nhìn rõ, nhìn đúng sự việc, không để những thứ vật chất, ham muốn tầm thường làm mờ mắt.

Lòng trong chính là lương tâm, đạo đức và trách nhiệm của người làm báo. Khi đã có trong tay những thông tin đầy đủ, người viết cần phải có chính kiến, có quan điểm rõ ràng, kiên định và một bản lĩnh vững vàng để nói lên sự thật, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm tôn chỉ hoạt động. Phải có trách nhiệm với từng câu, từng chữ mình viết ra, bởi những bài viết đó sẽ là những bài viết chân thực nhất, có hồn nhất và dễ đi vào lòng người nhất.

Bút sắc luôn được ví như một vũ khí mà người viết dùng để thể hiện tính chiến đấu và sức chiến đấu của bài viết. Dùng ngòi bút để chống lại cái xấu, phản ánh chính xác những cái sai, cái tiêu cực; bảo vệ, ủng hộ lẽ phải. Ngòi bút sắc lúc nào cũng phải kiên định, nhất quyết không để bất kỳ thế lực nào bẻ cong. Ngòi bút sắc ấy cũng sẽ bị biến thành “kẻ giết người” nếu như viết sai sự thật, gây ra hậu quả cho những người vô tội.

Cùng với sự phát triển chóng mặt của xã hội kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều cám dỗ luôn rình rập báo chí, bởi nếu như coi báo chí như một thứ quyền lực thì nhà báo rất dễ bị tha hóa. Những nhà báo mắc sai phạm cần bị xử lý, và những người dũng cảm dám công khai sự thật cũng không đáng phải chịu những “bầm dập”. Hay nói cách khác, hoạt động của báo chí cũng cần được Đảng, Nhà nước và pháp luật quan tâm hơn nữa.

Hiện nay có một thuật ngữ đang được nhiều người quan tâm đó chính là “thị trường tiêu thụ thông tin”, đặc biệt là giới báo chí. Có thể nói thậm chí thông tin bây giờ cũng được xem như một món hàng, xuất hiện ở nhiều nơi và có rất nhiều người sản xuất, đồng nghĩa với việc người bán phải có cách làm mới nhanh hơn, hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn thì mới có thể giữ chân người mua. Thời đại mới, báo chí cũng cần có những bước chuyển động mới, mạnh mẽ nhưng vẫn phải giữ cho mình nét riêng của báo chí Việt Nam. Đó là nền báo chí cách mạng, phục vụ trước hết cho bạn đọc. Đó là nền báo chí với những sắc thái rất riêng của mình, đi từ khó khăn, gian khổ thuở ban đầu tới “thăng hoa” như ngày nay…

Hồng Nhung



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024