ISSN-2815-5823
Thứ năm, 05h54 11/02/2021

Tết “Cả” – ý nghĩa nhân sinh của nền văn hoá Đại Việt Thăng Long

(KDPT) – Trong những ngày này, mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay đang thụ hưởng một cái Tết với sự đủ đầy, tràn ngập hàng hóa và những niềm vui mới trong thời kỳ cuộc cách mạng 4.0 với bao tiện dụng. Nhưng những tập tục của một văn hóa Tết xưa cũng cần được nhắc lại, bởi đó dẫu là một thời đã qua nhưng đã tạo nên một bản sắc văn hóa, một nét riêng biệt của người Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về.

Trong cuốn sách “Kỹ thuật người An Nam” (HENRI OGER – Technique du peuple Annamite – Volume des planches – 114 Rue Jules Ferry – Hanoi (1908 –1909) đã phản ánh chân thực một văn hóa Tết đầy bản sắc riêng của người Việt.

Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày lễ Tết truyền thống, những lễ hội dân gian đầy ý nghĩa và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa, cho đến lễ Tết đi săn, lễ Tết ra xuân vào hè như Tết mưa giông, Tết Đoan ngọ (tết giết sâu bọ)…

Đó là cả cuộc hành trình lễ hội kéo dài. Đặc biệt để tiễn mùa đông, tổ tiên Việt Nam đã ăn Tết Cả, tức là Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó còn có Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên, (rằm tháng Bảy) của Phật giáo và Tết Trung thu (rằm tháng Tám) của trẻ em…

Ông đồ ngày Tết.

Theo tục lệ cổ truyền, ngày tế Tổ, nếu là xuân lấy Tết mồng ba tháng ba, nếu là hè lấy Tết mồng năm tháng năm, nếu là thu lấy Tết Trùng dương, nếu là đông lấy Tết Đông chí. Tất cả sự tính toán này đều căn cứ vào sự chuyển đổi thời tiết trong năm, và nông lịch phương Đông.

Mỗi lễ, mỗi Tết đều có nguồn gốc riêng và trong những ngày lễ Tết ấy, người Việt Nam đều cúng lễ lớn hay nhỏ, hoặc ở địa phương, hoặc trong cả nước.

Chữ “ Tết ” ngày nay đã được một số nước sử dụng như là một thứ “lễ” hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam mặt nào đó có khác biệt với những nước trong khu vực (Nhật, Hàn Quốc…) và chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cố truy nguyên chữ “Tết” để đẩy về với nguồn gốc của nó là “Lễ Tiết” của Trung Quốc – Tết do Tiết đọc “chệch” đi. Cách giải thích này phát triển rộng ra – nghe khá thú vị – như “Tết nhất” trong câu nói quen thuộc: “ Tết nhất đến nơi ” cũng do đọc chệch đi từ hai âm Hán – Việt: “Tiết – Nhựt” (có nghĩa là ngày Tết).

Đáng chú ý hơn nữa là cụm từ “Ngày tư ngày tết” trong đó chữ “tư” và “Tết” cũng xuất phát từ 2 chữ Hán – Việt là “Tiết – tự”. “Tự” là thứ tự của năm, mùa, ngày, tháng. Vậy “Tiết tự” là theo thứ tự tính toán thời gian ấy mà đặt ra các loại hình “Tết”.

Nguyên đán (nguyên là đầu, đán là sớm mai) là sớm mai đầu năm. Nguyên đán hay còn là “Chính Đán” – tức “chính nguyệt chi đán” nghĩa là buổi sớm mai tháng Giêng. Ngoài ra còn sử dụng từ Tam chiêu có nghĩa ba cái sớm mai (sớm mai đầu năm, sớm mai đầu mùa, sớm mai đầu tháng).

Tết Nguyên Đán từng thay đổi trong quá trình lịch sử của Trung Quốc: Đời Tam Vương nhà Hạ đã chọn tháng Dần là tháng đầu năm để ăn Tết (do đời này chuộng màu đen), nhà Thương chọn tháng Sửu là tháng Chạp, nhà Chu chọn tháng Tý là tháng Một (do đời này chọn màu đỏ). Thời Đông Chu, Khổng Tử theo nhà Hạ nên đổi lại lấy Tết vào tháng Dần. Nhà Tần lại đổi lại lấy Tết tháng Hợi là tháng Mười. Khi nhà Hán lên ngôi, đời này lại chạy theo Khổng Tử nên lại chọn vào tháng Dần tức tháng Giêng. Từ đây về sau, Tết Nguyên Đán đã ổn định ngày tháng và không thay đổi nữa.

Tết Cả Việt Nam, hay còn gọi là Tết Nguyên đán bắt đầu vào ngày mồng một tháng Giêng Âm lịch – là ngày lễ hội truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam.

Đốt pháo.

Nếu muốn biết dân tộc Việt Nam có tục ăn Tết tự bao giờ thì thật khó có cơ sở trả lời chính xác. Song chắc chắn rằng những tục lệ ấy đã có từ những thế kỷ xa xưa, từ thời Lý, Trần, Lê… và mang ý nghĩa nhân sinh của nền văn hoá Đại Việt Thăng Long thuở trước.

Đó là những ngày đánh dấu mùa màng kết thúc, mọi người được rảnh tay nghỉ ngơi để chào đón một mùa xuân mới, một chu kỳ mới đầy hứa hẹn sau một năm làm việc vất vả.

Đến ngày này, dù ai trăm công nghìn việc, dù ai bôn ba nơi đất khách quê người cũng nôn nao trở về sum họp gia đình, gặp lại thân quyến, chăm sóc bàn thờ tổ tiên. Phong tục ấy đã khắc sâu vào lòng người Việt Nam một cách trang trọng, thiêng liêng.

Nhân đầu Xuân mới, nhắc lại văn hóa Tết trong lịch sử từ những ghi nhận với giá trị sát thực đầy nhân văn, nhân bản để gửi tới mọi người Việt Nam, dù ở đâu hãy nhớ về một Tết xưa – Tết Cả của dân tộc Việt Nam ta.

PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÙNG

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024