ISSN-2815-5823
DUY KHÁNH
Thứ ba, 09h18 10/10/2023

Tiêu chí "có khả năng phục hồi" gây khó trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất

(KDPT) - Ngân hàng thương mại và khách hàng đều gặp khó trong việc đánh giá đáp ứng quy định "có khả năng phục hồi" để triển khai gói hỗ trợ lãi suất.

Đó là nội dung được Ngân hàng Nhà nước thay mặt Chính phủ báo cáo tới Quốc hội về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 trong lĩnh vực ngân hàng.

Doanh nghiệp "e ngại" tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh minh họa.

Khó xác định tiêu chí doanh nghiệp "có khả năng phục hồi"

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất (HTLS) đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ HTLS đạt gần 57.000 tỷ đồng, số tiền HTLS lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng

Thực tế triển khai cho thấy, chưa có một chương trình nào được triển khai khẩn trương, quyết liệt như chính sách HTLS theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, kết quả HTLS còn thấp, chưa như kỳ vọng là do một số nguyên nhân đã được nhận diện qua quá trình triển khai thực tế và cũng được các địa phương, doanh nghiệp thừa nhận.

Theo đó, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận HTLS, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ HTLS 2% và chi phí bỏ ra khi nhận HTLS (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này nếu bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền HTLS thì rất khó xử lý vì lúc đó doanh nghiệp khách hàng đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. Trên thực tế, một số khách hàng đã được nhận HTLS, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.

Ngân hàng thương mại và khách hàng khó khăn trong đánh giá việc đáp ứng quy định “có khả năng phục hồi” tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/ND-CP. Cụ thể, qua báo cáo và khảo sát thực tế từ NHTM và các khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế. Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách. Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí “phục hồi”.

Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ (như Agribank có khoản 50% dư nợ khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh).

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ sẽ không thuộc đối tượng được HTLS; khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề; khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành dược HTLS nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét HTLS theo quy định..

Bên cạnh đó, trong thời gian đầu triển khai chính sách (năm 2022), tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình hoạt động kinh doanh của các đối tượng, ngành, nghề được HTLS nói riêng đã có nhiều biến chuyển so với thời điểm ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 31/2022/NĐ-CP (theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2022: tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi nhanh, đạt 8,02%, trong đó, cả 3 khu vực đều phục hồi, phát triển tốt, thu ngân sách nhà nước vượt 27,76% dự toán, xuất khẩu tăng 10,6%...), nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này đã trở lại hoạt động bình thường sau dịch nên nhu cầu hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách.

Cần sớm gỡ điểm nghẽn

Các khó khăn, vướng mắc nêu trên đã được Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các Bộ ngành nhận diện và đã được NNgân hàng Nhà nước tổng hợp, để xuất đầy đủ tại các Tờ trình Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.... Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thực hiện chính sách với quyết tâm cao nhất, tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền đẩy mạnh triển khai HTLS để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách; tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình thanh toán, quyết toán HTLS; kịp thời truyền tải thông tin tới các bộ, cơ quan liên quan để phối hợp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền và báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn lực của chính các ngân hàng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng và tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản 5251/BKHĐT-PTDN, trường hợp đối tượng là hộ gia đình không phải đăng ký hộ kinh doanh theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/202I/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, chưa có đủ căn cứ để xác định có ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc một trong các ngành nghề kinh doanh quy định tiêu tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, do đó sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước và Bộ KHĐT đã trả lời các ngân hàng thương mại tại các cuộc họp, Hội nghị về nội dung này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho doanh nghiệp nhưng tiền hỗ trợ từ ngân sách nên mọi chứng từ, thủ tục phải chặt chẽ.

Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được từ chối khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng nhưng không hạ chuẩn cho vay, nên khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ cho ngân hàng.

Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, nhưng khi triển khai thì các ngân hàng lại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

Các ngân hàng vẫn còn tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, minh bạch hoá các quy định, quy chế trong cho vay hỗ trợ lãi suất chính là tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ. Đơn cử như, trong thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát chưa thực sự rõ ràng.

Đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, hiện nay Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Điều 2.2.a của Nghị định 31 đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất. Quy định này vô hình trung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực phát triển tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.


Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 29/04/2025