Tín dụng vẫn giảm bất chấp "room" dồi dào, ngân hàng thừa vốn
Ngày 20/2 vừa qua đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng trong năm 2024. Tại hội nghị này, các ngân hàng cho biết, hiện tại dù họ đang thừa vốn, room tín dụng dồi dào nhưng tín dụng lại giảm. Lãi suất cho vay không phải là nguyên nhân, bởi cả huy động và cho vay hiện nay so với đầu năm 2023 đã giảm sâu.
Nhiều ngân hàng có tín dụng giảm 2-3%
Tính đến cuối tháng 1 năm nay, tín dụng trên toàn nền kinh tế đã sụt giảm 0,6%. Ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, tín dụng trong tháng đầu năm đã giảm 2-3% bất chấp việc nhà băng tung ra hàng loạt các gói vay lãi suất ưu đãi thấp, lên đến 2,5%/năm so với mức lãi suất thông thường.
Tính đến cuối tháng 1 năm nay, tín dụng trên toàn nền kinh tế đã sụt giảm 0,6%. (Ảnh minh họa) |
Vietcombank - quán quân về lợi nhuận năm 2023 - trong tháng đầu năm cũng ghi nhận tín dụng sụt giảm. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, tín dụng của ngân hàng trong tháng 1 đã sụt giảm 2,3% so với cuối năm ngoái, tương ứng với mức giảm 30.000 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng bán buôn đã giảm 19.000 tỷ đồng còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng.
Tình trạng tại BIDV cũng không khả quan hơn. Tín dụng của ngân hàng trong tháng 1/2024 đã giảm 1,25% so với cuối năm 2023. Theo ông Trần Long, Tổng Giám đốc BIDV, đây là mức giảm thường lệ tương tự các đầu năm trước.
Tín dụng tại khối ngân hàng TMCP tư nhân cũng giảm. Tín dụng tại MB tháng 1 đã giảm 0,7%. Theo lãnh đạo MB, dù room tín dụng dồi dào, Ngân hàng Nhà nước tung ra nhiều giải pháp tạo thuận lợi để các ngân hàng thúc đẩy tín dụng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn lao dốc.
Còn theo ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank, dư nợ tín dụng của ngân hàng này trong tháng đầu năm tăng trưởng nhẹ khoảng 0,2%. Đến đầu tháng 2/2024, dư nợ tín dụng ước tính tăng khoảng 2% nhờ thị trường đang tích cực hơn.
Thực tế, việc tín dụng sụt giảm trong tháng đầu năm thông thường là do tính chất quy luật. Tín dụng thường sẽ không tăng trong giai đoạn đầu năm. Theo các ngân hàng, năm nay còn có thêm tác động từ khó khăn chung của nền kinh tế và khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc cho vay tiêu dùng khó khăn khiến tín dụng chững lại, không phải do cơ chế, chính sách hay hoạt động của ngân hàng.
Việc cho vay tiêu dùng khó khăn khiến tín dụng chững lại, không phải do cơ chế, chính sách hay hoạt động của ngân hàng. (Ảnh minh họa) |
Từ năm 2023 đến nay, tín dụng tiêu dùng và bất động sản vẫn tiếp tục đà giảm. Kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm, bất động sản ảm đạm, số lượng dự án mới được cấp phép trong năm qua vô cùng ít ỏi, vướng mắc pháp lý vẫn còn khá nhiều… Điều này kéo sức cầu giảm theo, số lượng đơn giản lao dốc, cầu vốn ngân hàng cũng thấp đi.
Liệu tăng trưởng tín dụng có thể về đích trong năm nay?
Lãnh đạo MB nhận định, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng giảm là do cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn kém. Nền kinh tế khó khăn, vay để làm gì cũng trở thành một câu hỏi lớn. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Nhìn vào nền kinh tế, phải thừa nhận một điều rằng nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, nhưng tập trung tại các doanh nghiệp nước ngoài, nhóm những dự án lớn và cả đầu tư công. Khu vực kinh tế tư nhân chỉ có khoảng 1-2% sức chịu đựng và tiếp tục phát triển, còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn. Các ngân hàng và đặc biệt là những ngân hàng cổ phần chủ yếu cho vay phân khúc chính là khu vực tư nhân”.
Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng thấp còn bởi một số yếu tố đặc thù của các ngân hàng. Ví dụ, dư nợ tín dụng ngắn hạn bán buôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tại Vietcombank, dư nợ cho vay phục vụ thanh toán quốc tế có tính thời vụ, thường tập trung trong tháng trước Tết… Còn tại Agribank, dư nợ cho vay cá nhân chiếm 70%, thường dư nợ tín dụng sẽ giảm mạnh vào đầu năm, đến cuối năm vào vụ sẽ tăng lên.
Các ngân hàng dự báo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay vẫn có thể hoàn thành. (Ảnh minh họa) |
Một vấn đề cũng được nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm, đó là lãi suất cho vay còn là rào cản trong tiếp cận tín dụng? Theo lãnh đạo Vietcombank, câu trả lời là không bởi mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp. Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Agribank khẳng định, mặt bằng lãi suất hiện tại không còn là vấn đề với người đi vay. Ngay từ đầu năm, ngân hàng đã ban hành gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho vay cá nhân và đẩy mạnh cho vay xuất khẩu. Mức lãi suất cho vay ưu đãi ở mức thấp tối đa 2,5%/năm so với mức lãi suất thông thường tại ngân hàng này.
Tuy nhiên, các ngân hàng dự báo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay vẫn có thể hoàn thành. Nguyên nhân bởi, Chính phủ đang triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu tích cực, nhu cầu vốn trong thời gian tới sẽ tăng lên.
Đáng chú ý, các ngân hàng không chỉ hỗ trợ mà còn tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh vốn ra thị trường. Để kích cầu tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo của các ngân hàng kiến nghị Chính phủ cần có chiến lược kích cầu phù hợp. Ngoài ra, các địa phương cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như điểm nghẽn pháp lý cho các dự án và doanh nghiệp. Một số ngân hàng thương mại còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6-12 tháng, giúp giảm áp lực cho cả doanh nghiệp và ngân hàng./.