Triển vọng cho thị trường bất động sản khi lãi suất ngân hàng giảm
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi phù hợp với tình hình thị trường, nhất là thời điểm cuối năm khi các khoản huy động vốn với lãi suất cao trong các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đến thời hạn thanh toán.
Có thể thấy, kể từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới để hỗ trợ nền kinh tế.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 1,5%/năm.
Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã dần duy trì ổn định và giảm từ 1-2% so với cuối năm 2022, tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã kéo lãi suất huy động về mức quanh 6%/năm. Mức lãi suất phổ biến trên 7,5%/năm áp dụng cách đây một tháng đến thời điểm này là hiếm hoi, gần như biến mất hoàn toàn. Còn tại các ngân hàng TMCP tư nhân, lãi suất ngân hàng giảm nhanh. Chỉ trong khoảng một tuần, nhiều ngân hàng giảm lãi suất 0,2%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Các đợn vị tài chính dự báo, lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2%.
Bất động sản sẽ hưởng lợi?
Trong 2 quý đầu năm 2023, lượng tiền chảy vào bất động sản thông qua kênh khách hàng vẫn thấp, có thể thấy người mua nhà vẫn “ngại” xuống tiền vì lãi suất quá cao. Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng trong quý III/2023, khi một lượng tiền khổng lồ gửi tiết kiệm ngân hàng đến thời điểm đáo hạn sẽ được rút ra để chuyển hướng sang đầu tư nhà đất, giúp thị trường ấm lên.
Ông Phạm Anh Khôi, chuyện gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, quý III là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và là cơ hội để quan sát các phản ứng thực tế. Đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
Ông Khôi cũng dự báo, tình hình thị trường bất động sản đang có nhiều chuyển biến tích cực, niềm tin của nhà đầu tư dần khôi phục, lãi suất ngân hàng giảm dự kiến xuống dưới 6-7%. Vì vậy, rất nhiều khả năng nguồn tiền đáo hạn từ ngân hàng sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường bất động sản.
Thực tế, mức lãi suất vay mua nhà đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, nhưng giảm tới mức nào và có về mức tương đương với giai đoạn trước dịch hay không thì còn phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô và chính sách của từng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ rất thận trọng trong việc cân đối, tăng, giảm các mức lãi suất điều hành theo từng thời điểm để có thể thực hiện cùng lúc cả 2 mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Đối với các ngân hàng, độ trễ khi điều chỉnh hay thay đổi về lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào quy mô, năng lực, cấu trúc vốn và việc quản trị của mỗi ngân hàng. Hiện nay, lãi suất ngân hàng cho vay của nhiều nhà băng hiện vẫn cao do còn phụ thuộc nhiều vào vốn huy động lãi suất cao của thời gian. Vì vậy, để có thể giảm ngay lãi suất cho vay lúc này, các ngân hàng cần phải giảm bớt lợi nhuận, hoặc tiết giảm chi phí…
Để mặt bằng lãi suất ngân hàng, cả huy động và cho vay (trong đó có cả lãi vay mua nhà) giảm xuống mức kỳ vọng, cần phải mất thêm một khoảng thời gian nữa. Vì vậy, sớm nhất phải là cuối năm 2023, thị trường bất động sản mới thẩm thấu được.