ISSN-2815-5823
PV
Thứ sáu, 15h08 04/08/2023

TS Cấn Văn Lực: "Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất"

(KDPT) - Theo nhận định của TS. Cấn văn Lực, có thể nói thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, bao gồm về tài chính, nhất là trái phiếu doanh nghiệo đáo hạn; về giao dịch; về tháo gỡ các vướng mắc chính đối với các dự án.

30-50% khó khăn đã được tháo gỡ

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản tổ chức vào chiều 3/8, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá Nghị quyết 33 đã tạo cú huých quan trọng cho thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn, an toàn và bền vững hơn trong thời gian tới.

Theo đó, Nghị quyết đã tháo gỡ được 3 vấn đề cơ bản gồm: pháp lý; nguồn vốn và thị trường bất động sản, đặc biệt là vấn đề cung - cầu; cùng với những cơ chế chính sách khác có liên quan.

Đáng chú ý, đánh giá chung về thị trường bất động sản thời gian qua, chuyên gia cho rằng thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất cả về tài chính, nhất là việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; về giao dịch bất động sản; về tháo gỡ các vướng mắc chính đối với các dự án bất động sản.

Đưa ra dẫn chứng, TS Cấn Văn Lực cho biết thị trường đang dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay; quý II đã tốt hơn quý I khi tăng 7 điểm % về lượng giao dịch bất động sản nhà ở. Các bất động sản công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy hiện nay khoảng 76%. Theo đánh giá của nhà đầu tư, giá cổ phiếu bất động sản tăng 18% và giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng khoảng 39%...

Nếu như cần lượng hóa, có thể hình dung đâu đó khoảng 30-50% khó khăn, vướng mắc chính, số dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, thủ tục đã được tháo gỡ, tùy vào mỗi địa phương.

Mặc dù vậy, ông Lực cũng nhấn mạnh rằng, sự phục hồi của thị trường bất động sản vẫn còn chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời (gồm cả khâu định giá đất, tính tiền thuê đất…), sức cầu yếu (nhất là vay để mua nhà, sửa nhà, bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng…) và phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn do một số yếu tố như niềm tin, cầu đầu tư theo hướng an toàn hơn,...

Bên cạnh đó, 7 tháng vừa qua, lượng doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa tạm thời tăng khoảng 51% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy rõ đây là thời kỳ cực kỳ khó khăn của thị trường. Do đó, kỳ vọng thị trường sẽ tốt hơn trong những tháng cuối năm.

Đồng thời, lượng vốn cung ứng ra thị trường bất động sản cũng chỉ ở mức 185.000 tỷ đồng (giảm 55% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chính dẫn đến lượng vốn vào thị trường giảm hơn một nửa đến từ việc người dân ít vay để mua nhà, sửa nhà vì thế cho vay để mua nhà giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kiến nghị giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Về hướng đi và giải pháp, TS Cấn Văn Lực cũng đưa ra nhiều kiến nghị:

Thứ nhất, các bộ ban ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện thật nghiêm túc, tốt các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhất là các chính sách: tài khóa, tiền tệ… cùng các chính sách tháo gỡ cho thị trường bất động sản, lĩnh vực xây dựng và đất đai mà lãnh đạo Chính phủ đã ban hành thời gian vừa qua.

Về chính sách tài khóa, chúng ta có khoảng 5 quyết sách quan trọng, với tổng lượng giá trị hỗ trợ khoảng 200.000 tỷ đồng và tương ứng ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 65.000 tỷ đồng.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất 4 lần và về cơ bản, lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian vừa qua; đặc biệt là tiếp tục cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ như giai đoạn Covid-19. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và hệ thống ngân hàng.

“Do đó, tôi kiến nghị hãy thực hiện tốt các chính sách này bởi Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, hỗ trợ và đồng hành”, ông Lực nói.

Thị trường bất động sản đang dần phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Thứ hai, đối với nhiều dự án và những vấn đề tồn đọng lâu nay, có khi kéo dài tới 10-20 năm, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để bóc tách từng vấn đề và có hướng giải quyết phù hợp, không để tồn đọng vướng mắc cả cụm vấn đề, sẽ rất khó xử lý.

Thứ ba, đối với vấn đề định giá đất, tiền thuê đất, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 44 năm 2014, Thông tư 36/2014/TNMT có liên quan để các địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, cũng là cách giải phóng nhiều dự án bất động sản nhà ở đang chờ bán.

Thứ tư, về nguồn vốn: Đối với tín dụng cần tiếp tục giảm lãi suất như chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, NHNN; kiên định không hạ chuẩn tín dụng mà có thể xem xét linh hoạt hơn điều kiện tín dụng; cân nhắc về thời điểm, lộ trình áp dụng một số điều khoản về hạn chế cho vay tại Thông tư 06 cho phù hợp hơn và sát với tình hình hiện nay;

Về trái phiếu doanh nghiệp, kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc thời gian qua nhằm củng cố lại niềm tin; sớm có phương án triển khai tiếp Nghị định 65/2022/NĐ-CP khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP hết hiệu lực cuối năm 2023; sớm khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng bằng việc đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục, thời gian phê duyệt;

Giống như giai đoạn 2013 - 2016, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị nên thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, trong đó, vốn NSNN làm vốn mồi, lãi suất cho vay cả chủ đầu tư, và người mua nhà ở xã hội bằng khoảng 50% lãi suất thị trường, như Singapore và Hàn Quốc đã làm. Đây sẽ là cú huých rất quan trọng trong thời gian tới.

Thứ năm, về nguồn cung hiện nay vẫn rất khan hiếm, vì thế cần tháo gỡ 2 vấn đề quan trọng: Một là đẩy nhanh việc tháo gỡ pháp lý mà ở đó vai trò của địa phương rất quan trọng, cùng với sự vào cuộc của các Tổ công tác; hai là cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội như đã từng làm ở giai đoạn 2013 - 2016…

Thứ sáu, hiện nay Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, do đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 vấn đề quan trọng:

Một là tiếp tục cho phép người nước ngoài mua nhà giống như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cho phép năm 2013; hai là cho phép tổ chức tài chính nước ngoài khi cho vay, nhận bất động sản làm tài sản thế chấp có thể thông qua một tổ chức trung gian ở trong nước để đảm bảo an ninh quốc gia; cuối cùng là năm nay có rất nhiều luật và nghị quyết quan trọng, rất mong chúng ta chỉ đạo để các luật và nghị quyết được ban hành đúng hạn và có chất lượng.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/05/2024