ISSN-2815-5823
Thứ hai, 08h49 21/06/2021

Báo chí và sứ mệnh truyền cảm hứng sống

(KDPT) – Trong một nhà báo Nguyễn Thành Phong (cựu Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội, báo điện tử Dân sinh), vẫn song hành một Nguyễn Thành Phong đậm chất lãng mạn, thấm đẫm thi ca, văn chương. Nói thế, bởi đến nay “gia tài” của ông khá đồ sộ. Ông đã xuất bản: 3 tập thơ, 5 tập văn xuôi, là tác giả của khoảng 100 tập kịch bản phim đã được dựng, phát trên Truyền hình Việt Nam, những tập truyện ngắn, truyện thiếu nhi… Đó là điều không nhiều nhà thơ có thể đạt được, nhưng ông với tư cách là một nhà báo kiêm nhà thơ hay ngược lại, đã chứng tỏ được bản thân ở cả hai vai. Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), ông đã có những lời chia sẻ tâm huyết về nghề báo và thơ ca.

Nhà báo Nguyễn Thành Phong.

Tôi cho rằng, nghề báo giúp cho nhà văn, nhà thơ tiếp cận được sâu sát hơn với thực tế đời sống. Tư duy về hiện thực của một nhà báo được đặt trong một bối cảnh lớn rộng hơn so với một nhà thơ. Và đó là một sự hỗ trợ cho công việc sáng tác văn chương. Làm báo cũng là một loại hình lao động nặng nhọc. Làm báo là phải lao về phía trước, nhưng khi sáng tác văn chương, thì lại phải lùi về phía sau. Khi đó, các suy ngẫm, đánh giá sẽ sâu sắc và chín chắn hơn chỉ ở phía sau đơn thuần. Nghề báo nuôi dưỡng mình trong mọi thứ, không chỉ trong nghệ thuật và mình vẫn có một thứ để hưởng thụ, đó là thơ ca. Dù sao, văn chương, thơ ca vẫn là thú vui, là nghiệp chứ không phải nghề.

Giai đoạn trước đây làng báo có rất nhiều các tổng biên tập là nhà thơ, nhưng hiện nay còn rất ít, có thể kể đến như Nguyễn Tiến Thanh (Đời sống & Pháp luật), Phạm Nguyễn Toan (Reatimes – Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam). Ở đây có một câu chuyện là, nhà thơ không biết phân thân sẽ gặp khó khăn trong vai trò một người lãnh đạo cơ quan báo chí. Nhà thơ là cảm tính, là tư duy trừu tượng. Là nhà báo thì cần lý tính, rạch ròi. Do đó, một nhà báo, nhất là ở một vị trí cao như tổng biên tập, thì phải là một người đa nhân cách, giàu tính cách, nhiều tài năng và biết phân thân. Khi đứng đầu một cơ quan báo chí, phải lo cơm áo gạo tiền cho hằng trăm con người, thì tư duy nhà thơ không thể sử dụng được. Đặt trong mối tương quan với các tờ báo khác, một nhà thơ, nhà báo ở vị trí tổng biên tập không hề khiến tờ báo của mình lép vế trước các tờ báo khác, ngay cả ở vấn đề kinh tế báo chí. Bởi ngay từ bản thân một nhà thơ đã có lượng bạn đọc của mình rồi. Trong cuộc cạnh tranh mạnh mẽ về truyền thông số, mạng xã hội, báo chí không đua kịp. Vậy báo chí lấy gì để làm thế mạnh? Đó là câu chuyện, nhân văn và cảm xúc xã hội để tạo nên sự tin tưởng của người đọc. Báo chí hiện nay đang lẽo đẽo đi theo mạng xã hội về mặt tin tức. Nếu không cẩn thận sẽ bị nhấn chìm vào biển truyền thông của mạng xã hội. Tôi có thể vào Facebook để tìm tin tức, nhưng tôi cũng phải quay lại báo chí để xác thực tin tức đó. Báo chí có sứ mệnh cung cấp thông tin được xác thực, mang lại cảm hứng sống cho con người. Như vậy, báo chí muốn thông tin tốt, đậm chất nhân văn thì một nhà báo “kiêm” nhà thơ là một thế mạnh. Chỉ khi tính chất nghệ sĩ lấn át con người quản lý, con người nhà báo thì đó mới là điểm yếu. Ngược lại, phẩm chất nghệ sĩ được bồi đắp, cộng với phẩm chất của một người rạch ròi về kinh tế, thì đó là hai chân cho những bước đi vững vàng của một tờ báo phát triển. Muốn tồn tại và phát triển hay không nằm ở đó, nếu chỉ chạy theo sự kiện, về thông tin mà yếu kém nhân văn và niềm tin, thì báo chí đơn thuần sẽ “thua trắng” truyền thông xã hội.

Và cuối cùng, điều tôi muốn nói nhân ngày của nghề, đó là về bản lĩnh của một nhà báo. Khi một nhà thơ gục ngã thì họ vịn câu thơ đứng dậy. Với nhà báo, khi gặp “cú ngã” trong cuộc sống, trong nghề, điều “đỡ” mình dậy đó là niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào chính bản thân mình. Nhưng niềm tin, bản lĩnh trong một con người cần được rèn luyện, bồi đắp từ chính cuộc sống. Anh phải sống tốt với mọi người, phải có tri thức và trải nghiệm. Tri thức đến từ sách vở, trải nghiệm đến từ câu chuyện của con người. Có nghĩa là chính bản thân mình phải xây dựng và bồi đắp niềm tin cho mình từ tri thức và cách ứng xử với cuộc sống. Có những con người bị bầm dập, lên xuống, nhưng do đã được trải nghiệm, thì vẫn nhiều cơ hôi để lại đứng lên. Như vậy, một nhà báo cần cần phải có nhiều trải nghiệm, có niềm tin và tri thức phong phú để tạo nên bản lĩnh cho chính mình.

ANH HOA (ghi)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024