ISSN-2815-5823
Thứ hai, 12h08 21/06/2021

Báo chí với doanh nghiệp: Gắn kết và song hành vì sự phát triển

Báo chí với doanh nghiệp: Gắn kết và song hành vì sự phát triển

(KDPT) – Với vai trò cầu nối, báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân, trong tuyên truyền phát triển kinh tế, phát hiện, biểu dương doanh nghiệp (DN), doanh nhân nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho cộng đồng, đất nước… Bên cạnh đó, báo chí cũng chia sẻ khó khăn với DN, phản biện những chính sách, hay những cơ quan nhà nước thực thi chính sách chưa chuẩn để bảo vệ quyền lợi cho DN. Đồng thời, lên án những việc làm sai trái của các DN, đóng góp vào sự phát triển và lợi ích chung của đất nước. Báo chí coi DN, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng, là nguồn cảm hứng để sáng tạo ra tác phẩm báo chí hay. Đó thực sự là một mối quan hệ song hành, gắn kết không thể tách rời.

Mối quan hệ gắn bó, đồng hành giữa báo chí với doanh nghiệp đã và đang được thể hiện rõ nét trong thực tiễn đời sống. Mối quan hệ này được thiết lập trên mục tiêu chung: Vì sự phát triển của doanh nghiệp và cao hơn là sự phát triển của đất nước.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, báo chí, truyền thông có vai trò thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của DN, động viên, khích lệ những thành quả lao động sáng tạo của DN đến công chúng, xã hội, góp phần xây dựng thương hiệu DN.

Ở chiều ngược lại, doanh nhân, doanh nghiệp luôn là nguồn đề tài phong phú; nguồn cảm hứng để các tác phẩm báo chí thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống, có tính thực tiễn cao. Các vấn đề về kinh tế, đầu tư, kinh doanh, lợi nhuận, vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân… là cơ sở để các cơ quan báo chí có được sức thu hút đối với đông đảo độc giả, thính giả. Gắn bó với sự vận động, phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế, báo chí kịp thời phản ánh, lên án những doanh nghiệp chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật, những hiện tượng doanh nghiệp trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây tác động xấu đến xã hội… Đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm về thành công và thất bại để cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp cùng rút kinh nghiệm.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định tại một diễn đàn về mối quan hệ giữ báo chí và doanh nghiệp: “Báo chí góp phần quan trọng vào tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư. Báo chí quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Đa số thấy rằng không có một doanh nghiệp nào thành công mà ngoài yếu tố nội lực lại không quan tâm đúng mức tới quan hệ báo chí”.

Cùng với đó, báo chí còn là tiếng nói của công luận, góp phần thúc đẩy sự minh bạch hóa, tính dân chủ trong xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, thông tin báo chí còn chứa đựng nhiều cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh mà các doanh nghiệp nếu nhanh nhạy thì hoàn toàn có thể tranh thủ tận dụng để phát triển vươn lên; hoặc là những thông tin mang tính cảnh báo để các doanh nghiệp cân nhắc trước khi quyết định quan trọng trong quá trình đầu tư.

Trước những biến động mạnh mẽ của thị trường và những khó khăn chung của nền kinh tế, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay mà thực tiễn đang đặt ra là cần không ngừng thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp. Theo đó, để nâng cao mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đòi hỏi cả doanh nghiệp và cơ quan báo chí đều cần hướng tới sự chuyên nghiệp trong cung cấp và xử lý thông tin.

Trên cơ sở tôn chỉ, mục đích hoạt động, từng cơ quan báo chí phải phát huy sứ mệnh của mình, thông tin trung thực, khách quan; thực hiện tốt vai trò cầu nối, góp phần cùng Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo cần phát huy năng lực, phẩm chất đạo đức nhà báo, đảm bảo chất lượng thông tin; đồng thời góp phần từng bước tạo nên sự đồng thuận, sự cảm thông chia sẻ của xã hội để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Cần tăng cường tổ chức ở các cấp những diễn đàn chia sẻ thông tin giữa báo chí và doanh nghiệp trên tinh thần giao lưu, hợp tác, trao đổi thông tin thẳng thắn, cởi mở. Trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn, góp phần quan trọng tạo ra những thương hiệu, sản phẩm Việt, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển đất nước.

Ở một góc nhìn khác, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và dư luận xã hội cũng cần đấu tranh, lên án hiện tượng báo chí sống “ký sinh” vào doanh nghiệp; hay các hiện tượng phóng viên, nhà báo tìm cách “nhũng nhiễu”, gây khó khăn cho doanh nghiệp vì động cơ vụ lợi cá nhân… Đây không chỉ là cách để báo chí “thanh lọc” bản thân mà còn khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa báo chí và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn là cơ sở để các doanh nghiệp thực sự có được môi trường thuận lợi để sản xuất, kinh doanh phát triển.

Không ngừng thắt chặt mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp chính là con đường để báo chí, doanh nghiệp cùng chia sẻ mọi khó khăn, thuận lợi; qua đó cùng hướng tới mục tiêu chung: Sự phát triển toàn diện mọi mặt của đất nước trong quá trình hội nhập.

DƯƠNG LONG



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024