ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 03h32 01/06/2018

Bộ Tài chính đề xuất đưa nước ngọt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

(KDPT) – Bộ Tài chính đã bổ sung nước ngọt vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Lý giải về sự điều chỉnh này, Bộ Tài chính viện dẫn lý do nước ngọt có đường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tại dự thảo nội dung sửa đổi bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế giá trị gia tăng (VAT)… Bộ Tài chính đề xuất đối với nước ngọt có đường áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và nâng thuế VAT thêm 2%, áp dụng từ năm 2019.

Lý do chính mà Bộ Tài chính đưa ra để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là để hạn chế tình trạng béo phì của người dân, đặc biệt là trẻ em. Ảnh minh họa.

Một trong những cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường. Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiểu đường ở Việt Nam đang ở mức cao. Hiện ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2.000 lên 5,3% năm 2015, tại TP HCM mức tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm tỷ lệ này lên đến 12%) cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). Bộ Tài chính cũng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Hiệp hội mía Đường Việt Nam cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt không phải là một thực tiễn phổ biến trên thế giới và trong khu vực.

Theo Hiệp hội này, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế VAT này cần phải có khảo sát đánh giá toàn diện, đầy đủ, thấu đáo tác động của chính sách này đối với ngành mía đường trong nước và ngành sản xuất nước giải khát cũng như người tiêu dùng và cả nền kinh tế – xã hội.

Các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt bày tỏ sự lo lắng về việc tăng thuế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người nông dân sản xuất mía đường. Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát VN cho biết tất cả các yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ, kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động…

Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân – những người cung cấp các nguyên liệu như: mía, trái cây, rau quả, trà…

Còn với người tiêu dùng, việc tăng thuế đặc biệt với nước ngọt được giải thích là vì “lo cho sức khỏe của người dân vì nước ngọt có đường” thực sự chưa hoàn toàn thuyết phục họ.

Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 5 luật thuế, gồm Luật thuế VAT, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên, “nếu được thông qua, chắc doanh nghiệp không còn sức chịu đựng để mà tồn tại”, phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát 100% vốn nước ngoài ở khu vực Bình Dương âu lo nói.

Khánh Phương



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/10/2024